Điện khí hóa nông thôn ở một số nước Đông Nam Á

Hiện nay, hơn 97,8% số hộ dân nông thôn Việt Nam đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, tại một số nước Đông Nam Á khác, tỷ lệ này còn khá  thấp.

Myanmar: ¼ số hộ dân nông thôn được sử dụng điện

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, bình quân, 4 người dân Myanmar thì có 1 người được sử dụng điện. Số dân nông thôn ở Myanmar lên đến hơn 40 triệu người, nhưng chỉ có 1/6 trong số họ được sử dụng điện. Do đó, Myanmar được xem là quốc gia có tỷ lệ điện khí hóa nông thôn thấp ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng năng lượng nghèo nàn lại tạo ra “lợi thế” nhất định đối với Myanmar, bởi quốc gia này có thể xây dựng chiến lược phát triển năng lượng từ cấp cơ sở, bằng cách tận dụng những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong khu vực.

Để 2/3 người dân nông thôn được sử dụng điện, trước mắt Chính phủ Myanmar sẽ hợp nhất hệ thống năng lượng tái tạo đang hoạt động riêng lẻ hiện nay vào hệ thống điện quốc gia, kết hợp hài hòa giữa thành phần kinh tế nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân trong khai thác nguồn điện. Trên cơ sở tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện về quản lý hệ thống điện, đồng thời khai thác các thế mạnh của năng lượng tái tạo tại các vùng nông thôn, Myanmar đã hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ cung cấp điện cho nông dân, góp phần giúp nông dân thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cùng với một số tổ chức tài chính khác cũng cam kết sẽ đầu tư vào một số dự án điện trong chương trình điện khí hóa nông thôn của Myanmar. Đây là tiền đề đẩy nhanh tiến trình đưa điện về  vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn của Myanmar. Về lâu dài, chương trình điện khí hóa nông thôn của Myanmar sẽ tập trung khai thác các nguồn thủy điện và khí thiên nhiên, tiến tới đảm bảo cung cấp điện ổn định cho người dân.

Myanmar là quốc gia có tỷ lệ điện khí hóa nông thôn thấp nhất khu vực Đông Nam Á - Nguồn: Internet

Campuchia: 70% số hộ dân sẽ được sử dụng điện vào năm 2030

Hiện nay, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện ở nông thôn Campuchia chỉ là 26%. Campuchia cũng đang sử dụng máy phát điện diezel cấp điện cho khoảng 200 khu vực nông thôn và dự kiến đến năm 2015 sẽ cấp điện thêm cho 200 khu vực nữa. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn điện diezel có nhược điểm là giá thành sản xuất điện khá cao, hơn nữa, giá nhiên liệu đầu vào luôn biến động, tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải và phân phối tương đối cao. Thực tế này đã hạn chế khả năng mở rộng lưới điện quốc gia về các vùng nông thôn xa xôi của Campuchia.

Với sự hỗ trợ về tài chính của CHLB Đức, chương trình điện khí hóa nông thôn của Campuchia được triển khai từ năm 2010 với kinh phí khoảng 30 triệu Euro, trong đó Đức hỗ trợ khoảng 22 triệu Euro, còn lại trích từ ngân sách Chính phủ. Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm mở rộng các khu vực được sử dụng điện trên toàn quốc, đồng thời góp phần nâng cao độ ổn định cung cấp điện, đặc biệt đối với các tỉnh Kampot và Takeo (phía Nam Campuchia).

Một trong những nội dung của chương trình là xây dựng Trung tâm lưới điện tại Takeo. Bước tiếp theo, các hộ dân ở Takeo và Kampot sẽ được kết nối trực tiếp với lưới truyền tải trung và hạ thế, thông qua dự án trị giá 10 triệu Euro ký kết với Nhật Bản năm 2012. Dự kiến, cuối năm 2014, công trình sẽ hoàn thành, cấp điện ổn định với mức giá hợp lý cho các hộ dân khu vực phía Nam Campuchia.

Chính phủ Campuchia cũng có kế hoạch đến năm 2020, toàn bộ các thôn, bản trong toàn quốc sẽ có điện và đến năm 2030 ít nhất 70% số hộ dân sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia, chất lượng ổn định. Vốn cho chương trình điện khí hóa nông thôn dự kiến được huy động từ các quỹ đầu tư, ngân sách nhà nước, các công ty phát điện tư nhân, người sử dụng điện cũng tham gia đóng góp  và ngân hàng các quốc gia trên thế giới tài trợ... Ngoài ra, Campuchia cũng kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo và nguồn điện diezel để  cao năng lực và hiệu quả phát điện trong hệ thống.  

Chính phủ Philippines đang khuyến khích tư nhân đầu tư vốn để đẩy mạnh điện khí hóa nông thôn - Nguồn: Internet

Philippines: Khuyến khích khu vực tư nhân hỗ trợ vốn đầu tư

Với 2 phương án cơ bản triển khai điện khí hóa nông thôn là mở rộng lưới điện quốc gia và triển khai các hệ thống năng lượng tái tạo như điện mặt trời (không kết nối vào lưới điện quốc gia), Chính phủ Philipines dự kiến, cuối năm 2015 sẽ hoàn thành mục tiêu đưa điện về 100% xã, phường và 90% số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện.

Chương trình điện khí hóa nông thôn của Philippines được triển khai với sự tham gia của 119 công ty điện lực có vốn góp của Nhà nước, 19 công ty điện lực tư nhân và 3 đơn vị cấp điện cho các khu vực nông thôn. Các công ty điện lực thuộc thành phần tư nhân, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực phát điện sẽ tham gia Chương trình điện khí khóa nông thôn bằng cách tài trợ vốn đầu tư cho một số xã, phường nhất định.

Lào: 90% số hộ dân nông thôn sẽ có điện vào năm 2020

Kết cấu hạ tầng năng lượng yếu kém của Lào là cản trở chính đối với chương trình điện khí hóa nông thôn và chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ.

Chương trình điện khí hóa nông thôn của Lào có mục tiêu chủ yếu là cung cấp điện cho 7 tỉnh khu vực Nam Lào, tăng cường năng lực cấp điện trên phạm vi toàn quốc và mở rộng lưới điện đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kết quả, nếu 1995 chỉ có 15% số hộ dân tại Lào được sử dụng điện thì đến 2010 đã có 71% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, tương ứng với 734.000 hộ dân, trong đó 35.000 hộ dân sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời qui mô gia đình hoặc thủy điện quy mô siêu nhỏ.

Tuy nhiên, Chính phủ Lào đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu đảm bảo 90% số hộ dân toàn quốc được sử dụng điện lưới quốc gia vào năm 2020. Dự kiến trong thời gian tới, chương trình điện khí hóa nông thôn của Lào sẽ tiếp tục khai thác các thiết bị năng lượng mặt trời quy mô gia đình cùng với hệ thống thủy điện siêu nhỏ, cấp điện cho 23.000 hộ dân tại khu vực chưa có điện lưới quốc gia.
 


  • 22/09/2014 04:37
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3774


Gửi nhận xét