Điện khí hoá nông thôn là một thành tựu nổi bật của Việt Nam

99,26% số hộ dân nông thôn đã có điện, tính đến hết năm 2020. Trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ nỗ lực cấp điện cho hầu hết hộ dân nông thôn. Trong kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên.

 Hội nghị Tổng kết chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Công Thương tổ chức, ngày 14/1 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, nhiều cá nhân, tập thể của EVN được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai chương trình cấp điện nông thôn, miền núi hải đảo giai đoạn 2016 - 2020

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, điện khí hoá nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất, với tỷ lệ hộ dân có điện tăng từ 2,5% vào năm 1975 lên tới 96% vào năm 2009 và 99,53% vào năm 2019

Tính riêng khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện tính đến 31/12/2020 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được sử dụng điện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Kết quả này đạt được dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, giám sát chặt chẽ của Quốc hội; sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, cùng sự nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, cá nhân liên quan.

Từ năm 2013, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 phê duyệt Chương trình mục tiêu Cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 – 2020. Sau đó là Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020, có thể xem đây là "chặng đường cuối" hoàn thành công cuộc điện khí hoá nông thôn của Việt Nam. 

Tại Quyết định số 1740/QĐ-TTg, đã phê duyệt nhu cầu vốn đầu tư khoảng 30.116 tỷ đồng. Chương trình đã đạt được 1 số mục tiêu đáng khích lệ như: cấp điện cho 17/17 xã theo kế hoạch; số hộ dân được cấp điện là 204.737 hộ. Tuy nhiên, do những hạn chế về nguồn lực tài chính (huy động vốn ngân sách Trung ương 4.743 tỷ đồng, cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư, chỉ đạt khoảng 18,5% tổng nhu cầu vốn), nên chưa thực hiện được mục tiêu ban đầu đặt ra đến năm 2020, hầu hết số hộ dân nông thôn có điện - Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay. 

Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi, và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xoá đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Điện khí hoá nông thôn giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, nuôi trồng, tăng năng suất  trồng trọt và chế biến nông lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Điện cũng giúp cho các làng nghề truyền thống sử dụng máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới. Các phương tiện nghe nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong các gia đình nông dân, đã cải thiện đời sống văn hoá, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN phát biểu tại hội nghị

Những nỗ lực của EVN

Tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm trình bày tham luận về công tác tiếp nhận, phát triển lưới điện và cung cấp điện cho các huyện đảo, xã đảo. Cụ thể, thực hiện Chương trình mục tiêu Cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 (QĐ số 1740/QĐ-TTg), hết năm 2020, EVN đã thực hiện được 07 dự án, cấp điện cho hơn 17.900 hộ dân.

EVN đã tập trung tiếp nhận, từng bước cấp điện cho các huyện đảo và xã đảo. Tính chung đến hết năm 2020, EVN đã cung cấp và quản lý bán điện tới 11/12 huyện đảo, 82/85 xã đảo với tổng vốn đầu tư hơn 7.900 tỷ đồng. Đối với các đảo xa, EVN thực hiện cấp điện bằng hệ thống máy phát diesel, điện mặt trời, điện gió...  Hàng năm, EVN đã bù lỗ khoảng 200 tỷ đồng chi phí phát điện để bán điện trên các đảo với giá bán thống nhất trên toàn quốc.

Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, để đạt được những kết quả trên là một hành trình nhiều thử thách, khó khăn nhưng cũng đầy tự hào của EVN. Tập đoàn đối diện với rất nhiều khó khăn về khoảng cách địa lý, thời tiết, huy động vốn, thi công cấp điện, quản lý vận hành,… Dù vậy, ông Võ Quang Lâm khẳng định, EVN sẽ tiếp tục cung cấp điện đầy đủ, liên tục, ổn định phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế biển đảo, phối hợp cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền đất nước.

Cần hơn 25,8 nghìn tỷ đồng

Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu kế hoạch đến năm 2025, hầu hết số hộ dân nông thôn có điện đạt tiêu chí số 4 về điện (nông thôn mới). Cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân chưa có điện, 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định). Nhu cầu vốn để thực hiện mục tiêu này trong giai đoạn 2021 – 2025 là 25.884 tỷ đồng. Theo đó, cơ chế huy động vốn là ngân sách Nhà nước cấp tối đa 85% tổng vốn đầu tư; các đơn vị thuộc EVN và các địa phương tự thu xếp tối thiểu 15% tổng vốn đầu tư; huy động vốn xã hội hóa bằng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ, thực hiện đồng thời cấp điện cho nhân dân và bán điện dư thừa vào lưới điện quốc gia.


  • 14/01/2021 02:02
  • N.H
  • 5852