"Điện hạt nhân vẫn là nguồn "thống trị" dài hạn trong cơ cấu năng lượng của Pháp”

"Chính sách mới về năng lượng của Pháp sẽ đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, song điện hạt nhân vẫn là nguồn "thống trị" dài hạn trong cơ cấu năng lượng" - Ông Gerard Kottmann, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu công nghiệp trong ngành hạt nhân Pháp (AIFEN) đã khẳng định như vậy.

Ông Gerard Kottmann

PV: Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hiện nay Pháp là một trong những quốc gia có tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Xin ông cho biết rõ hơn về thông tin này?

Ông Gerard Kottmann: Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Pháp được đưa vào hoạt động từ năm 1962. Hơn 50 năm hình thành và phát triển, đến nay Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đang quản lý 59 nhà máy điện hạt nhân trên toàn nước Pháp.

Năm 2012, Pháp là nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất trong khối Liên minh châu Âu, với 45 TWh điện cho các nước láng giềng. Giá bán điện cho khách hàng hộ gia đình và khách hàng công nghiệp rẻ thứ 7 trong tổng số 27 thành viên Liên minh châu Âu, với 0,14€/kWh cho khách hàng hộ gia đình và 0,07€/kWh cho người tiêu dùng công nghiệp (€ là đồng tiền chung của Liên minh Châu Âu, 1€ = 22.000 VNĐ). Hiện tại, khoảng 75% sản lượng điện tại Pháp được sản xuất từ điện hạt nhân.

Cũng theo thống kê của Ủy ban chiến lược hạt nhân Pháp (CSFN), tính đến thời điểm hiện tại, Pháp có hơn 2.500 doanh nghiệp với khoảng 220.000 nhân viên đang hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm tất cả các phân đoạn, từ sản xuất nhiên liệu đến việc quản lý chất thải, quy trình quản lý công nghệ lò phản ứng hạt nhân, kỹ thuật xây dựng trong ngành hạt nhân, bảo vệ bức xạ, các hoạt động tái chế…

PV: Được biết, cuối tháng 6/2014, Bộ trưởng Năng lượng Ségolène Royal đã công bố một chính sách mới, giới hạn công suất phát điện của điện hạt nhân ở mức độ như hiện nay. Điều này liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp điện hạt nhân và cung ứng điện tại Pháp trong tương lai?

Ông Gerard Kottmann: Sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản – tháng 3/2011), cũng như tại nhiều quốc gia khác, Chính phủ Pháp đã xem xét lại kế hoạch phát triển dài hạn ngành năng lượng. Tuy nhiên, điện hạt nhân vẫn là nguồn năng lượng “thống trị” dài hạn trong cơ cấu năng lượng của Pháp, đồng thời Chính phủ Pháp cũng sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo.

Chính sách mới về năng lượng được Chính phủ Pháp đưa ra cuối tháng 6/2014 chỉ quy định EDF sẽ phải đóng cửa các lò phản ứng cũ để đưa những lò mới vào hoạt động. Hiện nay, một lò phản ứng EPR ở Flamanville đang được xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016. Do vậy, EDF sẽ buộc phải dừng hoạt động một trong số các lò phản ứng của họ.

Chính sách mới cũng đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải CO2 đến năm 2030, đồng thời năng lượng tái tạo khi đó sẽ chiếm 40% lượng điện tiêu thụ.

Để duy trì sự ổn định của các nhà máy điện hạt nhân, hơn 10 năm qua, Pháp cũng đã tiến hành hàng loạt cuộc kiểm tra tại các nhà máy điện hạt nhân 900 MW về mức độ an toàn, cũng như để kéo dài tuổi thọ vận hành của các nhà máy. Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Pháp cũng đang xây dựng một chương trình cải tạo, sữa chữa lớn đối với các công trình 1.300 MW. Việc làm này sẽ được tính vào chi phí năng lượng, và sẽ sớm được đưa ra thảo luận tại quốc hội Pháp. Chương trình với tổng vốn đầu tư 50 tỷ Euro, thực hiện trong vòng 10 năm tới.

Điện hạt nhân vẫn là nguồn "thống trị" dài hạn trong cơ cấu năng lượng của Pháp. Ảnh: New York Times

PV: Trong bối cảnh hạn chế phát triển nguồn điện hạt nhân tại chính quốc, Pháp đã có kế hoạch thúc đẩy những dự án, hay hoạt động hợp tác về điện hạt nhân ra nước ngoài ra sao?

Ông Gerard Kottmann: Trước mắt, vào khoảng tháng 10/2014, Hiệp hội các nhà xuất khẩu công nghiệp trong ngành hạt nhân Pháp sẽ phối hợp với Bộ Kinh tế, phục hồi sản xuất và công nghiệp số, Bộ Ngoại Thương tổ chức Triển lãm quốc tế đầu tiên chuyên ngành điện hạt nhân tại Pháp (World Nuclear). Chúng tôi mong muốn tạo ra một “sân chơi” – nơi gặp gỡ, giao lưu giữa quốc gia và doanh nghiệp đã và đang phát triển điện hạt nhân, đặc biệt là các quốc gia đang bắt đầu tiếp cận ngành năng lượng hạt nhân như Việt Nam.

Thời gian tới, cùng với các doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp điện hạt nhân Pháp sẽ hỗ trợ về mặt tài chính cho Việt Nam phát triển lĩnh vực này, với những điều kiện hấp dẫn nhất. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ nhận được các chương trình đào tạo nhân lực dựa trên kinh nghiệm làm việc lâu năm của các chuyên gia Pháp. Tập đoàn Năng lượng nguyên tử AREVA cũng có thể cung cấp giải pháp về nhiên liệu, đặc biệt trong việc thu hồi nhiên liệu đã bị cháy và tái chế chúng, giảm khối lượng chất thải, điều mà người dân Việt Nam quan tâm.

Pháp cũng đã phát triển thành công lò phản ứng hạt nhân tiên tiến ATMEA 1, được kiểm định an toàn bởi Cơ quan an toàn hạt nhân của Pháp trong thời kỳ hậu Fukushima và sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản hỗ trợ, cung cấp công nghệ này cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 của Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 


  • 09/09/2014 09:17
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3438


Gửi nhận xét