Điện hạt nhân an toàn là trên hết

Sự cố tại Nhà máy Ðiện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản)  tháng 3/2011 lại một lần nữa cảnh báo nhân loại về vấn đề an toàn điện hạt nhân. trong bối cảnh đó, Việt Nam đang chọn bước đi chắc chắn, chỉ xây dựng nhà máy khi đảm bảo an toàn.

Chính phủ quyết tâm

Tại Việt Nam, việc xây dựng nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội thông qua và dự kiến đến năm 2020 Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên, xây dựng nhà máy điện hạt nhân không phải bằng bất cứ giá nào mà phải có sự chuẩn bị chu đáo, đồng bộ và thận trọng. Từ việc xây dựng hệ thống pháp luật, quá trình chuẩn bị, khảo sát địa điểm, môi trường địa lý, lựa chọn công nghệ, nhiên liệu và nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như sự đồng thuận của người dân… Tất cả phải đảm bảo đúng các tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), không bỏ qua bất cứ một tiêu chuẩn nào.

Song, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, mục tiêu của Quốc hội đưa ra là đến năm 2020 có nhà máy điện hạt nhân, nhưng trong trường hợp không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn của IAEA thì việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ chưa được tiến hành. Cụ thể, theo hướng dẫn của IAEA, quốc gia có chương trình điện hạt nhân cần phải chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn hạt nhân theo các giai đoạn: Giai đoạn 1 trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, giai đoạn 2 trước khi tổ chức đấu thầu, giai đoạn 3 trước khi cấp phép vận hành máy máy điện hạt nhân đầu tiên. Điều đó thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân với tiêu chí an toàn tuyệt đối.

EVN chủ động và nỗ lực

Để đảm bảo vấn đề an toàn điện hạt nhân, EVN với vai trò chủ đầu tư dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam đã có những động thái tích cực. Bởi, chương trình điện hạt nhân liên quan đến rất nhiều vấn đề nhạy cảm về kinh tế - xã hội. Vì vậy, ngoài  sự chủ động của chủ đầu tư thì sự tham gia của các bên liên quan và cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng. Công tác tuyền thông đại chúng về điện hạt nhân đã được EVN tiến hành thường xuyên, liên tục từ lúc chuẩn bị dự án và trong suốt quá trình hoạt động của nhà máy. Không chỉ phối hợp truyền thông với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Nga, EVN còn giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận phối hợp với chính quyền sở tại, chủ động tuyên truyền đến người dân trong vùng, nhằm cung cấp cho công chúng những kiến thức cơ bản về điện hạt nhân, tiến tới xây dựng một nhà máy an toàn nhất.

Nguồn nhân lực cho việc thực hiện chương trình điện hạt nhân là rất lớn, đặc biệt là khi thời điểm khởi công dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đang cận kề. IAEA khuyến cáo phải có kế hoạch cụ thể, tuyển dụng nhân lực phù hợp với tiến độ triển khai dự án điện hạt nhân. Vì vậy, EVN đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân. Theo đó, hằng năm Bộ GD&ĐT phối hợp với EVN và các đơn vị liên quan tuyển sinh cán bộ, sinh viên để cử đi đào tạo thạc sĩ, kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân. Mục tiêu đến năm 2018, cơ bản đào tạo được đội ngũ kỹ sư, cán bộ đủ khả năng quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của việt Nam.

Năm 2012 là một năm chuẩn bị rất quan trọng, bởi theo kế hoạch năm 2014 sẽ khởi công dự án điện hạt nhân đầu tiên. Với không ít thách thức ở phía trước, EVN vẫn đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, trong đó tiêu chí an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.

Tình hình triển khai dự án Điện hạt nhân:

Dự án xây dựng NM ĐHN Ninh Thuận 1:

  31/10/2010: Ký Hiệp định Liên chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga về hợp tác xây dựng NM ĐHN trên lãnh thổ Việt Nam.

  21/11/2011: Ký Hiệp định tài trợ lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư NM ĐHN Ninh Thuận 1 và vay tín dụng xuất khẩu của LB Nga để xây dựng NM ĐHN trên lãnh thổ Việt Nam, giữa Chính phủ Việt Nam và LB Nga.

  21/11/2011: Ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư NM ĐHN Ninh Thuận 1, thuộc dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Liên danh tư vấn gồm CTCP mở “E4 Group”- LB Nga, CTCP mở JSC KIEP và Công ty TNHH LLC EPT.

Dự án xây dựng NM ĐHN Ninh Thuận 2:

  28/09/2011: Ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư NM ĐHN Ninh Thuận 2, thuộc dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC).

  29/09/2011: Ký Bản ghi nhớ về hợp tác dự án NM ĐHN Ninh Thuận 2, giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổ chức An toàn Năng lượng Hạt nhân Nhật Bản (JINED).

  31/10/2011: Việt Nam – Nhật Bản ra Tuyên bố chung, trong đó bao gồm nội dung hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

  31/10/2011: Ký Thỏa thuận hợp tác xây dựng NM ĐHN Ninh Thuận 2 trên lãnh thổ Việt Nam, giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.

 


  • 15/02/2012 03:13
  • Theo TCĐL
  • 4339


Gửi nhận xét