Điện hạt nhân: Nguồn năng lượng sạch

Năng lượng hạt nhân không chỉ có vai trò then chốt trong sản xuất điện toàn cầu mà còn là nguồn năng lượng sạch, góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo báo cáo của IAEA, tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số sẽ đẩy nhu cầu năng lượng lên mức cao hơn trong những thập kỷ tới.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ngoài khả năng cạnh tranh cao như chi phí, độ an toàn, quản lý chất thải, điện hạt nhân còn làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như góp phần giải quyết các thách thức môi trường và phát triển khác.

IAEA dự báo, năng lực sản xuất điện hạt nhân sẽ giảm 15% vào năm 2035 nếu một số nước phát triển như Đức và Bỉ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Do lượng điện giảm mà nhu cầu tiêu thụ lại tăng, nên rất có thể các nước đó sẽ phải sử dụng than đá và khí đốt nhiều hơn để sản xuất điện.

Khi đó, lượng khí thải carbon sẽ tăng mạnh, gây hậu quả tai hại cho môi trường. Việc sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân giảm cũng khiến điện từ các nguồn khác tăng, kéo theo sự leo thang của hàng loạt dạng nhiên liệu như dầu mỏ, than đá, khí đốt. Khi đó, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể tăng tới 14% vào năm 2035, giá dầu có thể lên tới 120 USD mỗi thùng. Tới năm 2035, lượng than đá cần thiết để sản xuất điện sẽ tăng thêm 65% so với hiện nay. Đây chính là nguy cơ làm tăng hiệu ứng nhà kính, gây BĐKH toàn cầu.

Theo báo cáo của IAEA, tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số sẽ đẩy nhu cầu năng lượng lên mức cao hơn trong những thập kỷ tới. Thế giới cần phải thay đổi cách thức tiêu thụ năng lượng theo hướng an toàn và hiệu quả hơn. Theo kịch bản chính sách mới nhất của IAEA, tổng năng lượng hạt nhân sẽ tăng 70% và thị phần của điện hạt nhân trong thị trường điện toàn cầu sẽ lên tới 19,8% vào năm 2035. Điện hạt nhân tiếp tục là giải pháp khả thi cho bài toán về năng lượng và chống BĐKH toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia về môi trường cảnh báo, trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần đặc biệt coi trọng đến sự bền vững của các nhà máy. Thảm họa hạt nhân mới nhất ở Fukushima (Nhật Bản) là một ví dụ. Các nhà máy điện hạt nhân thường được xây dựng gần những khu vực nhiều nước như bờ biển, cửa sông, trong khi đây lại chính là những nơi thường xảy ra những biến động về khí tượng, địa chất, thủy văn. Trong số này, bão được coi là mối đe dọa lớn nhất. Bên cạnh đó còn mối lo ngại khác là lũ lụt.

Vì vậy, tất cả các nhà máy điện hạt nhân đều phải được thiết kế để có thể chống chịu các trận lũ đến một mức nào đó dựa trên các dữ liệu lịch sử có tính đến BĐKH. Ngoài ra, muốn vận hành an toàn, các nhà máy điện hạt nhân cần có một lượng nước lớn để làm mát lò phản ứng, đồng thời cần có nguồn năng lượng ổn định để vận chuyển lượng nước này. Đây là vấn đề cần được các nhà khoa học nghiên cứu, đưa ra giải pháp phù hợp trong điều kiện hạn hán kéo dài, có phạm vi ảnh hưởng ngày càng nhiều và rộng.


  • 15/12/2011 10:00
  • Theo Báo Công Thương
  • 5874


Gửi nhận xét