Điện gió ngoài khơi chờ pháp lý

Theo Bộ Công Thương, để có thể triển khai được dự án điện gió ngoài khơi thì phải sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật liên quan Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, hay Nghị quyết của Quốc hội có liên quan lĩnh vực này.

Vênh nhiều quy định pháp luật

Sau báo cáo về những khó khăn, vướng mắc đối với việc thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi tại Công văn 9323/BCT-ĐL hồi tháng 12/2023, Bộ Công Thương lại tiếp tục chỉ ra các điểm nghẽn về mặt pháp luật.

Cụ thể, về điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển, theo quy định của pháp luật về xây dựng, để lập dự án đầu tư, cần có kết quả khảo sát xây dựng, trong đó, thông số về khí tượng, thủy văn và địa chất là rất quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chưa có quy định về việc cho phép, chấp thuận cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát trên biển bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân để sử dụng, khai thác tài nguyên biển dù đã được triển khai sửa đổi cả năm nay, nhưng chưa biết bao giờ sẽ được ban hành.

Ngoài ra, cũng chưa xác định được việc khai thác tài nguyên thiên nhiên (năng lượng gió trên biển) có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hay không.

Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi. Trong ảnh, một dự án điện gió gần bờ

Liên quan đầu tư, Bộ Công Thương cũng nêu ra các vướng mắc về mặt pháp luật. Chẳng hạn, về chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, pháp luật hiện hành không thể hiện rõ dự án điện gió ngoài khơi có thuộc diện có sử dụng đất hay không.

Cụ thể, Luật Đầu tư 2020 không có định nghĩa cụ thể dự án như thế nào được xác định là “dự án có sử dụng đất”, còn Luật Đất đai hiện hành không có định nghĩa “đất” nói chung, mà chỉ quy định về “đất có mặt nước” là một loại đất, nhưng không chỉ rõ có bao gồm đất dưới mặt nước biển hay không.

Trong khi đó, lòng đất dưới đáy biển thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển phải tuân thủ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chứ không phải Luật Đất đai.

Cũng theo lập luận của Bộ Công Thương, trường hợp dự án điện gió ngoài khơi không được coi là dự án có sử dụng đất, thì có thể sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2023 và có thể không thuộc các trường hợp chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 30 (thẩm quyền của Quốc hội), Điều 31 (thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ), Điều 32 (thẩm quyền của UBND cấp tỉnh) của Luật Đầu tư năm 2020, Bộ Công Thương nhận thấy, chưa quy định rõ, dự án điện gió ngoài khơi thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, hay Thủ tướng Chính phủ, hay UBND cấp tỉnh.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, nếu xem xét dự án điện gió ngoài khơi thuộc đối tượng là dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội, theo khoản 4, Điều 30, Luật Đầu tư năm 2020. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về tiêu chí để xác định dự án đầu tư thuộc đối tượng cần cơ chế, chính sách đặc biệt.

Trường hợp nếu xem xét dự án điện gió ngoài khơi là loại dự án đầu tư khác, thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư sẽ thuộc Thủ tướng Chính phủ, theo khoản 4, Điều 31, Luật Đầu tư năm 2020. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại nhận thấy, pháp luật khác chưa có quy định dự án điện gió ngoài khơi thuộc đối tượng là dự án đầu tư khác.

Bởi vậy, các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường cần có thêm hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP cũng đưa điện gió ngoài khơi là ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cho tới nay, quy định điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi chưa được đăng tải theo quy định.

Căn cứ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Công Thương cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, giải quyết các vướng mắc nêu trên để làm căn cứ pháp lý triển khai thực hiện.

Đàm phán giá điện sẽ nhiều thách thức

Để dự án điện gió ngoài khơi có thể đưa vào vận hành, việc đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) và giá điện cũng là một khâu rất quan trọng. Bộ Công Thương đang đưa ra dự thảo về phương pháp xác định giá phát điện và PPA dành cho các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi.

Bởi vậy, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đã liệt kê 30 vấn đề liên quan cần sửa đổi và làm rõ gửi tới Bộ Công Thương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đàm phán và thực hiện dự án.

Theo GWEC, sự ổn định của thị trường là trọng tâm chính của các chủ đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, nên những thay đổi về chính sách và quy định trong tương lai có thể dẫn đến những thay đổi về chi phí đầu tư dự án. Vì vậy, cần bổ sung trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư khi có sự thay đổi về quy định pháp luật, chính sách của Chính phủ Việt Nam dẫn đến thay đổi chi phí đầu tư thực tế của dự án và cho phép nhà phát triển có thể cung cấp đủ thông tin để chứng minh. Điều này nhằm đảm bảo giá điện phản ánh chính xác chi phí thực tế của dự án.

Đối với quy định Tỷ suất Hoàn vốn nội bộ (IRR) không vượt quá 12%, GWEC cũng kiến nghị làm rõ IRR dự án hay IRR vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng nên xác định rõ, IRR tài chính 12% này là trên cơ sở có vay nợ hay không, vì sẽ có sự khác biệt đáng kể.

Với việc Dự thảo Thông tư chưa làm rõ giá điện trong PPA có tính đến phí thuê biển cho các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi, GWEC đề xuất nên tính đến phí thuê biển đối với các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi trong giá điện và coi đây là chi phí hợp pháp mà các dự án sẽ phải trả cũng như được tính vào giá điện trong PPA.

Các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi cũng đề nghị giá mua điện trong PPA được xác định theo giá trị tương đương bằng USD. Tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm VND/USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành vào ngày bên bán điện lập hóa đơn thanh toán. Điều này là nhằm giảm thiểu rủi ro ngoại hối do chênh lệch tiềm ẩn giữa doanh thu, chi phí và nghĩa vụ trả nợ của nhà đầu tư quốc tế.

“Đặc biệt, với các dự án năng lượng tái tạo lớn, có tổng vốn đầu tư lớn, việc có cơ chế ngăn ngừa rủi ro mất giá tiền tệ là cần thiết để đáp ứng kế hoạch trả nợ dài hạn, đảm bảo các dự án có thể hoạt động đủ hiệu quả và cũng để phòng ngừa nguy cơ dự án đối mặt với nguy cơ phá sản”, các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi kiến nghị.

Trước thực tế pháp lý chưa rành mạch, cũng như còn nhiều vấn đề trong quy định về đàm phán PPA cần được bổ sung, việc các dự án điện gió ngoài khơi trở thành hiện thực và phát được điện sẽ không thể nhanh, dù tiềm năng rất dồi dào.

Bốn vướng mắc của dự án điện gió ngoài khơi theo xác định của Bộ Công Thương:

- Chưa rõ cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi.

- Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch điện lực.

- Vướng mắc về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

- Các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

 

Link gốc


  • 19/03/2024 02:01
  • Theo Báo Đầu tư
  • 12093