Đến năm 2030, khoa học công nghệ điện của EVN phấn đấu đạt trình độ tiên tiến thế giới

Đó là một trong những mục tiêu tổng quát tại Nghị quyết về Phát triển khoa học công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban hành.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM là đơn vị đi đầu trong EVN về việc triển khai lưới điện thông minh - Ảnh: Minh Ngọc

Theo Nghị quyết này, đến năm 2020, khoa học công nghệ (KHCN) điện của Tập đoàn phải đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN. Đến năm 2030, hầu hết các lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới, đáp ứng các yêu cầu của một nước công nghiệp.

Để đạt được mục tiêu, EVN tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm:

(1) Đổi mới tư duy, nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể; phát huy sáng kiến, sáng tạo trong phát triển, ứng dụng KHCN. 

(2) Tập trung nguồn lực phát triển, ứng dụng công nghệ nguồn và lưới điện hiện đại, hiệu năng cao, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, bảo vệ môi trường; ứng dụng rộng rãi công nghệ tiện ích cao trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

(3) Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN., trong đó thành lập Trung tâm đào tạo bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của EVN.

(4) Xây dựng lộ trình thích hợp và xác định thứ tự ưu tiên: Trong năm 2017, 2018, tập trung ưu tiên hoàn thiện về tổ chức, quản lý; quản trị, điều hành; sản xuất vận hành, đầu tư xây dựng; kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Các năm 2019, 2020, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh và nghiên cứu xây dựng hạ tầng cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; nghiên cứu nâng cấp, thay thế, loại bỏ các thiết bị có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; hoàn thành hệ thống quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ theo cấp độ 4 của dịch vụ công theo quyết định 31 của Thủ tướng Chính phủ.

Những năm qua, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong Tập đoàn cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học trong xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Việc ứng dụng công nghệ góp phần phát triển hệ thống điện Việt Nam không ngừng lớn mạnh, tăng trưởng với tốc độ cao, bảo vệ môi trường sinh thái. Điển hình, công suất tổ máy tua bin khí tăng đến 330 MW/tổ máy; công suất tổ máy nhiệt điện đến 300 - 330 MW; các trung tâm nhiệt điện than mới với công suất tổ máy tăng lên 600 - 660 MW. Hệ thống truyền tải với nhiều đường dây và trạm biến áp đến cấp điện áp 500 kV, trạm biến áp với công nghệ cách điện bằng khí, hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và 3 Trung tâm Điều độ miền Bắc, Trung, Nam. EVN cũng chế tạo thành công và đưa máy biến áp 500 kV vào vận hành từ năm 2011. 


  • 02/11/2017 03:57
  • Xuân Tiến
  • 10269