Để hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2013 của EVN: Chủ động đề xuất những giải pháp, tháo gỡ khó khăn

Bước vào năm 2013, dù có những thuận lợi nhất định, nhưng để cung ứng điện ổn định, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động đề xuất những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia:

“Phấn đấu sản lượng điện truyền tải đạt trên 114 tỷ kWh”.

Năm 2013, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế - kĩ thuật chủ yếu như: Sản lượng điện truyền tải đạt 113 - 114,5 tỷ kWh, tăng 9,1 - 10,5% so với thực hiện năm 2012; Giá trị sửa chữa lớn: 300-330 tỷ đồng; Tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải đạt mức 2,3%.

Bên cạnh đó, Tổng công ty phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu sự cố đường dây và trạm biến áp thấp hơn so với chỉ tiêu EVN giao, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố chủ quan gây ra. Sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các chi phí đã được phân bổ, ưu tiên sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống truyền tải.

Cụ thể: Tập trung thực hiện đầu tư xây dựng với tổng giá trị đầu tư 16.900 tỷ đồng. Hoàn thành và đưa vào khai thác 54 dự án, trong đó có các dự án lưới điện truyền tải quan trọng như lưới điện 220 - 500 kV đảm bảo cấp điện cho miền Nam, các dự án đảm bảo cấp điện cho Hà Nội: Đường dây 220 kV Vân Trì - Sóc Sơn; Đoạn 4 mạch đường dây 220 kV Vân Trì – Chèm…, các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải như, đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa…; Khởi công 50 dự án, trong đó ưu tiên các dự án đảm bảo đồng bộ với các dự án cấp điện cho miền Nam sau năm 2013, các dự án lưới điện đồng bộ với nguồn…

Để hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ này, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng tạo điều kiện và giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn mà Tổng công ty đang phải đối mặt, đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư xây dựng vào vận hành an toàn lưới điện truyền tải. Những khó khăn, vướng mắc bao gồm: Giá truyền tải điện hiện vẫn ở mức quá thấp, cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ so với giá bán điện bình quân của Tập đoàn. Thiếu vốn đầu tư xây dựng trầm trọng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, phức tạp…

 

 

Ông Mai Quốc Hội – Trưởng ban Tài chính kế toán EVN:

“Cơ bản đáp ứng vốn năm 2013”

Năm 2013, EVN có điều kiện thuận lợi, đó là trong năm 2012 Tập đoàn và các đơn vị thu xếp được nguồn vốn vay tương đối tốt. Một số khoản vay lớn như dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu là khoản vay trong nước do Ngân hàng Ngoại thương đảm nhận, trong năm 2013 sẽ thu xếp xong.

Ngày 07/01/2013, EVN mới ký hợp đồng vay 2.500 tỷ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án Nhiệt điện Duyên Hải 1 và dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Có thể nói, các công trình lớn của năm 2013 đã hoàn thiện xong về nguồn vốn vay. Chỉ có vốn tự có trong nước năm nay sẽ tiếp tục khó khăn vì khối lượng vốn phải trả gốc và lãi của Tập đoàn năm 2012 khá lớn.

Theo kế hoạch năm 2013, EVN sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Trong quý I, II năm 2013, EVN sẽ phát hành khoảng 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Chính phủ đã đồng ý tăng vốn điều lệ của EVN lên trên 143 nghìn tỷ đồng, đây cũng là một thuận lợi của EVN. Khi tăng vốn điều lệ lên thì các chỉ tiêu tài chính của EVN với các đơn vị sẽ tốt lên. Qua đó, các tổ chức tín dụng đánh giá bức tranh tài chính của EVN sáng sủa hơn. Từ đó, việc thỏa thuận ký kết các hợp đồng vay vốn cũng thuận lợi hơn. Từ những yếu tố trên có thể thấy, việc thu xếp vốn của EVN trong năm 2013 là tương đối khả thi.

 

 

Ông Lê Văn Chuyển – Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN:

“Để tiết kiệm điện hiệu quả, cần sự nỗ lực của toàn xã hội”

Năm 2012, EVN đã thực hiện tiết kiệm được 1,67 tỷ kWh điện, bằng 1,5% sản lượng điện năng thương phẩm, vượt so với kế hoạch. Đây là kết quả rất có ý nghĩa, thể hiện sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động cụ thể của cộng đồng trong sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Ngoài ra, kết quả này cũng cho thấy hiệu quả của những nỗ lực tập thể. Ngoài sự tích cực của các đơn vị điện lực triển khai liên tục nhiều hoạt động tiết kiệm điện với nhiều hình thức phong phú, còn có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương, sự hỗ trợ tuyên truyền mạnh mẽ của các cơ quan thông tin đại chúng và đặc biệt là sự hưởng ứng tự giác của khách hàng sử dụng điện.

Xác định tiết kiệm điện là công việc thường xuyên, liên tục, bền bỉ, “mưa dầm thấm lâu” và đòi hỏi nỗ lực chung của toàn xã hội, không phải hoạt động mang tính phong trào, nên EVN xác định trách nhiệm cho các đơn vị tiếp tục duy trì, phát huy kết quả đạt được để đẩy mạnh các hoạt động tiết kiệm điện theo hướng rộng hơn, sâu hơn, trực tiếp đến các khách hàng sử dụng điện. Đồng thời EVN đã có những kiến nghị với Bộ Công Thương về tăng cường thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 


  • 14/02/2013 06:31
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý Hội nhập
  • 4142


Gửi nhận xét