Để giảm thiểu tác động của thủy điện đến môi trường

Thủy điện là nguồn năng lượng sạch với giá thành rẻ. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, vận hành nhà máy có thể làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh, các nhà máy thủy điện (NMTĐ) đã làm gì?

Ông Nguyễn Văn Minh - giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình:

Quan trắc môi trường 2 lần/năm

Công tác giám sát bảo vệ môi trường trong những năm qua luôn được Công ty đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo Công ty thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy chế quản lý và bảo vệ môi trường. Người lao động cũng luôn phải có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường tại vị trí làm việc, hiện trường sản xuất sạch sẽ, ngăn nắp. 

Định kỳ 6 tháng, Công ty thực hiện công tác quan trắc môi trường theo quy định, cập nhật số liệu, phân tích so sánh, đánh giá chất lượng môi trường (không khí, nước mặt, nước ngầm, nước thải) tại các vị trí sản xuất; thực hiện thu gom và xử lý đúng quy định các chất thải nguy hại phát sinh chủ yếu từ quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng thiết bị, máy móc. 

Tại kho lưu giữ tạm thời, chất thải nguy hại được kiểm tra, phân loại theo nhóm một lần nữa trước khi xếp vào từng khu vực riêng biệt bằng những vách ngăn. Tại mỗi ô chứa chất thải nguy hại có đặt đầy đủ các biển tên, mã chất thải nguy hại và dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa theo quy định. 

Ông Đoàn Tiến Cường - Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy:

Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường nguồn nước lòng hồ

Công ty hiện quản lý 3 NMTĐ gồm Ialy, Pleikrông và Sê San 3. Các nhà máy này đều có hồ chứa lớn trên dòng Sê San, đóng vai trò quan trọng trong việc chống lũ, chống hạn cho hạ du, đồng thời, cung cấp sản lượng điện lớn cho hệ thống điện quốc gia. Các hồ chứa thủy điện này còn cấp nước giúp tưới tiêu cho nông nghiệp, phục vụ người dân địa phương nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên hồ.

Chính vì thế, trong nhiều năm qua, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư vùng lòng hồ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của thủy điện, cũng như bảo vệ môi trường nguồn nước hồ chứa, chống xâm lấn lòng hồ.

Ông Đỗ Minh Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi:

Sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả

Để vận hành các nhà máy đảm bảo hài hòa lợi ích phát điện, chống lũ và cấp nước hạ du, hàng năm, Công ty tiến hành rà soát, cập nhật Quy chế phối hợp giữa Công ty và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và các đài khí tượng thủy văn trong khu vực. 

Trước, trong và sau mùa mưa bão, Công ty luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, tuần tra… khu vực hạ du hồ chứa. Trong quá trình điều tiết lũ hồ chứa, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Công ty và địa phương đều tham gia chỉ đạo trực tiếp và sâu sát tại trung tâm điều hành các đập. Ngoài ra, các kênh để cung cấp thông tin về khu vực hồ chứa và hạ du luôn được các đơn vị đảm bảo thông suốt, liên tục và kịp thời. 

Công ty luôn chú trọng kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác quản lý hành lang an toàn các hồ chứa. Trong mùa kiệt, Công ty chủ động phối hợp với địa phương các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận lập kế hoạch chi tiết về nhu cầu sử dụng nước nhằm đảm bảo mục tiêu: Tiết kiệm, hiệu quả.


  • 20/06/2019 09:00
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14941