Để dân tái định cư không quay lại lòng hồ Bản Vẽ: Cần kết hợp giữa vận động và cưỡng chế

Để xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, có tới hơn 2 nghìn hộ dân, chủ yếu là dân tộc Thái và Khơ Mú được di dời về khu tái định cư tại 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn thuộc huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An. Việc bồi thường, phân đất, hỗ trợ tái định cư đã giải quyết dứt điểm. Nhưng gần đây, đã có 249 hộ quay lại sinh sống trong khu vực lòng hồ.

Cuộc sống “5 không”… giữa lòng hồ

Để làm rõ nguyên nhân, chúng tôi tìm đường vào khu vực mà hơn 50 hộ dân đã bán đất, bán nhà trong khu tái định cư Thanh Chương, chuyển về sinh sống.

Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng chúng tôi cũng không ngờ đường vào khu vực sinh sống của họ lại khó khăn đến thế. Mượn được một canô và nhờ một người bản địa dẫn đường, song, chúng tôi cũng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới vào được nơi ở của họ, nằm cheo leo trên sườn núi, trong khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Một thanh niên người Thái cho biết, chúng tôi còn may mắn vì đi vào mùa lũ về, nước lên nhanh nên cano mới có thể vào được tận nơi, chứ bình thường khe sâu và hẹp, không thể vào được.

Thấy tiếng canô, lũ trẻ vội chạy đi “cấp báo”. Một lúc sau đã có khoảng gần chục người chạy ra nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét. Người dẫn đường giải thích, thấy người lạ là họ trốn biệt do sợ phải gặp cán bộ vào vận động trở về khu tái định cư.

Mới nhìn thoáng qua, chúng tôi đã thấy, cuộc sống nơi đây thiếu thốn đủ bề. Đúng là “5 không”: Không điện, không nước, không trường học, không trạm y tế, không chính quyền quản lý. Nhà cửa che chắn một cách tạm bợ. Người sống bên trên, gia súc, gia cầm sống ngay phía dưới, chỉ cách nhau có mấy thanh nứa đan.

Cuộc sống của những hộ dân tự ý quay về lòng hồ rất thiếu thốn   

Có phải tại đất xấu?

Chúng tôi tìm đến nhà anh Lò Văn Trình, một trong những hộ dân đã bán cả nhà, đất ở khu tái định cư về sống tại khu vực lòng hồ được hơn 1 năm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Trình cho biết, gia đình đã nhận được 60 triệu đồng tiền đền bù di dời đến vùng tái định cư mới, sau khi xây nhà mới hết 48 triệu đồng, do không biết chữ, lại không quen với cuộc sống mới nên chỉ sau một năm, toàn bộ số tiền mang theo đã tiêu tan hết . Từ năm thứ 2, cả gia đình 5 miệng ăn trông chờ vào sự  hỗ trợ tiền và gạo hằng tháng của tỉnh Nghệ An, nên ăn uống “bữa đực bữa cái”. Cuối cùng, anh bán ngôi nhà với giá 10 triệu đồng rồi đưa cả gia đình trở về vùng lòng hồ sinh sống.

Góp thêm vào câu chuyện là các anh Vi Văn Phòng, Lò Thanh Nghĩa và nhiều người khác…cũng bán nhà ở khu tái định cư, dắt díu vợ con vượt qua 200 km quay trở về vùng lòng hồ.

Khi được hỏi tại sao không tổ chức trồng trọt và chăn nuôi tại khu tái định cư mà lại về đây đánh bắt, hái lượm, mọi người đều lấy chung một lý do là đất xấu, khó trồng trọt, chăn nuôi.

Sau 7 năm chuyển về nơi ở mới, gia đình anh Lô May Chu đã trồng được vườn keo lớn,mua được ô tô và nhiều vật dụng giá trị khác... 

Thanh Sơn, Ngọc Lâm – nhiều tiềm năng

Câu nói “đất xấu” cứ thôi thúc chúng tôi phải tìm đến khu tái định cư tại 2 xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm huyện Thanh Chương.

Vượt qua quãng đường dài 170 km, chúng tôi đã có mặt tại khu tái định cư của huyện Thanh Chương. Đón chúng tôi tại cổng UBND xã là Phó chủ tịch xã - Vi Trọng Thủy.

Ông Thủy cho biết: Xã Thanh Sơn có 16 bản, tổng số 1.117 hộ dân với 4.770 nhân khẩu, 70% dân số là dân tộc Thái, còn lại là dân tộc Khơ Mú. Kết cấu hạ tầng ở đây tương đối hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho người dân sinh sống. Điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng đồng bộ đảm bảo chất lượng tốt. Đất Thanh Sơn thích hợp với việc trồng các loại cây công nghiệp như cây keo, chè, sắn… Trên địa bàn Huyện có nhà máy sản xuất giấy, xí nghiệp chế biến chè, nên bà con trồng những mặt hàng này sẽ không phải lo đầu ra. Thanh Sơn có nhiều khe, suối thuận lợi cho việc gieo trồng lúa nước. Ông Thủy cũng cho biết thêm, đã có một số hộ dân được vay vốn ngân hàng chính sách để trồng keo, chè và bước đầu đã cho kết quả tốt.

Ông Thủy dẫn chúng tôi tới thăm nhà anh Lô May Chu ở Bản Com, xã Thanh Sơn. Anh Chu cho biết, trước kia nhà anh ở tận Kim Đà huyện Tương Dương, từ hồi làm thủy điện đã chuyển về khu tái định cư được hơn 7 năm. Về đây, cả gia đình khai hoang, trồng sắn, trồng keo và đào 500 m² ao thả cá. Sau 7 năm tích cóp, gia đình anh đã mua được ôtô chở hàng trị giá 350 triệu đồng, chưa kể 2 chiếc xe máy cùng nhiều đồ dùng khác như, tivi, tủ lạnh….

Với thu nhập đều đều hằng tháng khoảng 5 triệu đồng,  cuộc sống của gia đình anh Chu tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ. Và điều quan trọng nhất là các con anh được đi học. Lúc ốm đau đã có Trạm y tế gần nhà. Anh Lô May Chu khẳng định, những ai cho rằng do đất xấu không canh tác được là không đúng. Có chăng là do bà con đã có thói quen cố hữu là lúc đói chỉ cần hái nắm rau trên rừng, bắt con cá dưới suối cho qua bữa là xong. Đến nơi ở mới, những thứ đó không có sẵn nên sinh ra chán nản và bỏ về lòng hồ đánh bắt chim, thú, cá… sống qua ngày.

 Chúng tôi cũng ghé thăm nhà ông Vi Tuyền Quynh ở bản Tân Lập. Căn nhà vững chãi, 4 phía là đồi chè, vườn cây ăn quả, vườn ươm cây giống, ao cá, chuồng lợn… Ông Quynh cho biết, gia đình ông chuyển về đây (bản Tân Lập) sinh sống đã được 6 năm tròn. Với diện tích đất được cấp là 1,5 ha, ông mua giống và trồng 100 gốc vải, cải tạo đất trồng chè công nghiệp trên 1 ha, số đất còn lại ông trồng lúa nước, xây chuồng trại nuôi lợn. Đến nay, sau 3 năm vườn chè đã cho thu hoạch, cứ hơn một tháng có thể thu hái được tạ búp, bán trực tiếp cho Xí nghiệp chè Hạnh Lâm (Thanh Chương). Chuồng nuôi 4 lợn nái cung cấp lợn giống cho bà con. Hơn 300 m2 lúa nước mỗi năm cũng cho thu hoạch hơn 6 tạ thóc. Riêng vườn ươm chè giống mấy năm gần đây là đầu mối cung cấp giống cho bà con trong bản.

Làm việc với UBND xã Ngọc Lâm, ông Lô Hoài Dung - Chủ tịch UBND xã cho biết, nơi ở cũ, giao thông, trường học, trạm y tế đều xuống cấp và thiếu thốn trầm trọng. Về nơi ở mới, bà con bắt đầu tiếp cận với cuộc sống hiện đại hơn. Đất đai thuộc khu vực xã Ngọc Lâm có thể canh tác tốt. Tuy nhiên, do bà con còn quen với cuộc sống đánh bắt tự nhiên từ lòng hồ, nên chưa biết khai thác, tận dụng được những lợi thế của vùng đất mới, do vậy số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ lớn (87%).

Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực, ông Thái Duy Tuyên – Phó phòng Quản lý Dự án, phụ trách xây dựng khu vực tái định cư Thanh Chương cho biết, việc các hộ dân tự ý trở về sống ở khu vực lòng hồ, tập hợp quanh vài mỏm núi, chấp nhận cuộc sống “5 không” làm cho tình hình khu vực lòng hồ trở nên phức tạp. Nếu người dân khai thác bừa bãi động thực vật ở khu vực lòng hồ sẽ làm ảnh hưởng đến sự điều tiết nước hồ. Thời gian qua, cán bộ của Ban QLDA Thủy điện 2 đã nhiều lần đến từng gia đình vận động, thuyết phục nhưng bà con vẫn chưa chịu di dời.

Cũng theo ông Tuyên, ngoài việc mỗi nhân khẩu được chia 2.500 m² đất sản xuất ngay từ khi chuyển xuống khu tái định cư, Ban QLDA Thủy điện 2 còn giao đất trồng cây lâu năm đủ diện tích cho người dân 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Theo tính toán của Ban QLDA Thủy điện 2 cũng như các chuyên gia nông nghiệp, hiện tại trên địa bàn 2 xã còn khoảng trên 100 ha có thể khai hoang  trồng lúa  nước. Thời gian tới, để hoàn thành công tác tái định cư, Ban QLDA Thủy điện 2 sẽ tiếp tục khai hoang và chia thêm ruộng nước cho bà con để tiện canh tác.

Thiết nghĩ, để người dân khu tái định cư của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ thực sự an cư và để những người dân đã bán đất, bỏ đi sẽ quay trở lại, thì không thể chỉ riêng sự nỗ lực của Ban QLDA Thủy điện 2, mà rất cần sự vào cuộc một cách tích cực của các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con về vốn, phương thức sản xuất... Đồng thời, cần kết hợp vận động, thuyết phục với biện pháp hành chính, cưỡng chế, với mục tiêu quan trọng là đảm bảo an toàn và đời sống cho người dân. Có như vậy mới giải quyết được gốc rễ vấn đề.

 


  • 03/11/2012 03:20
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3499


Gửi nhận xét