Đẩy nhanh tiến độ các công trình điện: Cần cơ chế đặc thù

Trước nguy cơ các dự án nguồn và lưới điện chậm tiến độ, nhất là khu vực phía Nam, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án điện.

Con số khổng lồ

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 7,0%/năm, đến năm 2020, nhu cầu điện thương phẩm là khoảng 235 - 245 tỷ kWh; công suất nguồn điện phải đạt 60.000 MW. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư cho phát triển nguồn và lưới điện cần khoảng 858.660 tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD, trung bình khoảng 7,9 tỷ USD/năm). 

Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với ngành Điện trong bối cảnh các định chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) sẽ ngày càng siết chặt. Thêm vào đó, việc sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA của Chính phủ và các tổ chức quốc tế tài trợ cũng ngày càng phải tuân thủ các điều kiện ràng buộc khắt khe hơn.

Công trường Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng 

Vướng giải phóng mặt bằng

Để có đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, nếu không sớm ban hành cơ chế đặc thù, kèm theo các giải pháp đồng bộ thì nguy cơ thiếu điện sau năm 2018 là điều khó tránh, nhất là tại khu vực phía Nam.

Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, nguồn nước cho thủy điện, đặc biệt khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang gặp khó. Điều này cũng tạo áp lực rất lớn lên hệ thống lưới truyền tải điện Bắc - Nam do liên tục phải truyền tải sản lượng điện lớn. 

Đối với các dự án truyền tải điện, theo báo cáo của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) có tới gần 70% dự án, công trình bị chậm tiến độ do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Mặc dù ngành Điện đã tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước, đồng thời kiên trì phối hợp, vận động người dân, thậm chí nhiều nhà thầu công trình đã phải chịu thiệt về tài chính để đảm bảo tiến độ công trình theo cam kết, nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tính đến hết tháng 10/2016, EVN và các đơn vị mới hoàn thành và đưa vào vận hành 194 công trình lưới điện từ 110 - 500 kV (đạt 55,3% kế hoạch năm 2016); khởi công 172 công trình lưới điện 110 - 500 kV (đạt khoảng 51% kế hoạch năm 2016). 

Các nhà thầu gấp rút thi công lắp đặt thiết bị các tổ máy Thủy điện Trung Sơn

Cần sớm ban hành cơ chế đặc thù

Các dự án điện chậm tiến độ, ngoài thiệt hại về kinh tế, còn gây áp lực lên hệ thống điện, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm năng lực cạnh tranh quốc gia... Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN, PVN, các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án điện trình Chính phủ phê duyệt, bảo đảm vốn đầu tư kịp thời, không để thiếu điện. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo chủ đầu tư các dự án, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải III, Duyên Hải III mở rộng, Duyên Hải II, Long Phú I, Sông Hậu I, Vĩnh Tân I, Vĩnh Tân IV tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thi công và đưa các nhà máy vào vận hành đúng tiến độ, hạn chế sử dụng dầu cho sản xuất điện. Chính phủ cũng xem xét kiến nghị của EVN về bổ sung dự án đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 và một số dự án năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, cho phép chủ đầu tư lập ngay báo cáo nghiên cứu khả thi, bỏ qua nghiên cứu tiền khả thi, không phải lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư đối với các dự án điện cấp bách đã có trong kế hoạch được duyệt.

Đối với các gói thầu của các dự án điện cấp bách, việc lựa chọn nhà thầu cần tiến hành theo hướng Bộ Công Thương và chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về phương án lựa chọn nhà thầu, bảo đảm thực hiện các gói thầu đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, sửa đổi cơ chế đặc thù vay vốn nước ngoài và vay thương mại trong nước đối với các dự án điện cấp bách trên tinh thần khẩn trương thu xếp vốn cho các dự án đó, đồng thời phù hợp với các quy định về quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cũng cần sửa đổi quy định một số nội dung chủ yếu trong Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ đối với các dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT tại Công văn số 1604/TTg-KTN ngày 12/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng thống nhất, đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ các dự án. 
 


  • 01/12/2016 05:12
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 9276