Đào tạo nhân lực năng lượng nguyên tử phải sát thực tế

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, chiều ngày 23/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh tiến độ, kế hoạch đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này cần phải sát thực tế, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2010 - 2013, đã có 253 sinh viên được cử sang học ngành “Thiết bị và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân” tại Nga. Năm 2014, Bộ đang làm thủ tục gửi 70 sinh viên đi học đại học và 10 sinh viên đi học cao học tại Nga. Đồng thời, đã có 157 lượt cán bộ, giảng viên được cử đi Hungary để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, phục vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Hiện, Bộ GD&ĐT tiếp tục làm việc với các đối tác để đưa lĩnh vực năng lượng nguyên tử vào các chương trình học bổng nước ngoài, có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sinh viên theo học trong lĩnh vực này.

Lãnh đạo các bộ, ngành đóng góp nhiều ý kiến về công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cử hàng chục cán bộ, chuyên gia sang đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cũng như dài hạn về năng lượng nguyên tử (trong đó có điện hạt nhân) tại Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết thêm: “EVN đã có kế hoạch tiếp nhận, sử dụng các sinh viên đã tốt nghiệp về chuyên ngành điện hạt nhân theo hình thức vừa học vừa làm, với các khóa đào tạo nâng cao hằng năm tại nước ngoài, nhằm chuẩn bị nhân lực cho vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam trong tương lai”.

Các ý kiến tại cuộc họp đã tập trung thảo luận nhằm xác định kế hoạch đào tạo, sử dụng các chuyên gia, sinh viên trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử sát thực tế và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh tính cấp thiết của nhu cầu đào tạo chuyên gia về năng lượng nguyên tử, nhất là điện hạt nhân (cả lĩnh vực khoa học kỹ thuật lẫn quản lý nhà nước, an toàn hạt nhân...). Bộ trưởng Nguyễn Quân đề nghị cần có đầu mối thống nhất để tổng hợp nhu cầu đào tạo các bộ, ngành cho sát với nhu cầu thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, ngoài những chuyên ngành ưu tiên đào tạo về năng lượng nguyên tử cũng cần tăng cường đào tạo các ngành gần, có liên quan chặt chẽ đến năng lượng nguyên tử; cân nhắc, tính toán cẩn thận việc triển khai đào tạo trong nước.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần tính đến phương án đào tạo về điện hạt nhân những người đã tốt nghiệp đại học ở những ngành liên quan; tạo điều kiện cho những sinh viên đã tốt nghiệp về điện hạt nhân học ở bậc cao hơn; tăng thời gian thực hành tại các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài; mở hướng đào tạo về hạt nhân cho cả các bộ ngành, cơ sở đại học cũng như ứng dụng trong y tế, nông nghiệp, công nghệ sinh học...

Lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh chủ trương phát triển điện hạt nhân, Đảng, Nhà nước đã bàn và sẽ có những bước chuẩn bị về mặt pháp lý, tài chính, kỹ thuật trong đó có nhân lực, để tiến tới xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Các bộ, ngành cần rà soát, báo cáo cụ thể về nhu cầu nhân lực phục vụ điện hạt nhân để có kế hoạch đào tạo, tiếp nhận, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.

Phó Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng hoàn thiện đề án về đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân; Bộ GD&ĐT xem xét thực hiện thí điểm đào tạo về hạt nhân trong nước có lồng ghép với các chương trình đào tạo có liên quan; các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện chính sách thu hút, ưu đãi nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân.


  • 24/07/2014 08:26
  • Nguồn: Chinhphu.vn
  • 3933


Gửi nhận xét