Đảng ủy EVN và Tỉnh ủy Thái Nguyên trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số

Chiều 27/12, tại tỉnh Thái Nguyên, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thái Nguyên. Trao đổi kinh nghiệm về công tác chuyển đổi số là một trong những nội dung trọng tâm tại buổi làm việc. Đồng thời, hai bên cũng đã dành thời gian trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cung ứng điện, đầu tư - xây dựng các dự án điện trên địa bàn.

Về phía Tỉnh uỷ Thái Nguyên có bà Nguyễn Thanh Hải – Bí Thư Tỉnh ủy; ông Phạm Hoàng Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Về phía EVN, có ông Dương Quang Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN; ông Trần Đình Nhân – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc EVN; ông Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN; ông Đặng Huy Cường – Thành viên HĐTV EVN; ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN.

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN khẳng định EVN sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnhThái Nguyên để mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất

Đẩy mạnh hợp tác trong chuyển đổi số

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên - bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó xác định 3 lĩnh vực trọng tâm: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Đến nay, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 toàn tỉnh đạt 100%. Tỉnh cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) từ năm 2020. Hiện, Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã, trên 60% hộ gia đình; triển khai ứng dụng C-ThaiNguyen (ứng dụng công dân số Thái Nguyên ID), ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử,…

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số của EVN

Theo ông Dương Quang Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành hạ tầng số, ứng dụng công nghệ số để hình thành chính quyền số, xã hội số. Đây là kinh nghiệm quý báu để EVN học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số của tập đoàn. Với tính chất là ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, quy mô hoạt động trên toàn quốc, kết nối liên vùng, liên tỉnh nên EVN xác định, chuyển đổi số là một trong những giải pháp tất yếu để tập đoàn nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", EVN đã xây dựng và ban hành đề án “Kế hoạch tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến 2025, với mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025. 

Đoàn công tác Đảng ủy EVN tham quan Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên

Cũng theo ông Dương Quang Thành, EVN phải đi trước một bước trong việc cung cấp những dịch vụ điện thông minh, xây dựng lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đảm bảo việc kết nối các hạ tầng số của ngành Điện với hạ tầng số của tỉnh Thái Nguyên, để có thể cung cấp các dịch vụ điện cho khách hàng ngày một tốt hơn.

Đến nay, công tác chuyển đổi số của EVN đã và đang triển khai trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ: 100% văn bản nội bộ EVN được áp dụng dưới hình thức điện tử và hoàn thành triển khai đưa vào sử dụng hệ thống văn phòng số; 100% CBCNV được cấp chữ ký số; kết nối trục liên thông văn bản giữa các đơn vị thành viên trong tập đoàn và kết nối giữa tập đoàn với trục liên thông văn bản quốc gia.

EVN cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo điều hành thông minh (BI) với 159 biểu mẫu báo cáo được đồng bộ dữ liệu từ các phần mềm dùng chung; hoàn thành xây dựng Ứng dụng phục vụ người lao động (SmartEVN). Tập đoàn cũng đã thực hiện tối đa việc đấu thầu điện tử, với tổng số gói thầu thực hiện qua mạng tính đến tháng 11/2021 chiếm 72% tổng số gói thầu của tập đoàn.

Trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đến tháng 11/2021, các yêu cầu dịch vụ điện thực hiện trực tuyến đạt 97,62%; triển khai nhiều chương trình CSKH thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh; tỷ lệ thanh toán tiền điện và tiền dịch vụ theo phương thức không dùng tiền mặt đạt 91,37%,...

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN (thứ 3, từ phải sang) đại diện trao tặng 7 tỷ đồng cho huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) để xây dựng Trường Mầm non xã Tân Thịnh

Thời gian tới, EVN mong muốn Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ các đơn vị của EVN trên địa bàn kết nối hạ tầng, khai thác và chia sẻ dữ liệu của tỉnh. Qua đó, ngành Điện có thể triển khai dịch vụ cấp điện mới cho khách hàng 100% bằng phương thức điện tử qua Cổng Dịch vụ công của tỉnh; thúc đẩy các hoạt động thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt.

Về phía EVN sẵn sàng chia sẻ dữ liệu, chia sẻ các sản phẩm công nghệ do EVN nghiên cứu phát triển với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên như văn phòng số, hệ thống báo cáo thông minh (BI) và các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI,… cũng như thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong chương trình triển khai Chuyển đổi số quốc gia.

Đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định

Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, trong giai đoạn 2016-2020, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 15,26%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng so với quy hoạch được duyệt (14,6%). Năm 2021, sản lượng điện thương phẩm dự kiến đạt khoảng 5.300 triệu kWh (đạt 100% kế hoạch được giao), tăng 8,55% so với năm 2020.

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Thái Nguyên có 137/137 số xã, 1.862/1.862 thôn có điện lưới quốc gia. Đặc biệt, Thái Nguyên cũng đã hoàn thành mục tiêu cấp điện cho 100% các xóm, bản theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 giai đoạn 2016 - 2020.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thanh Hải – Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định, EVN và các đơn vị thành viên đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn. Với tình hình khả quan trong công tác phòng chống COVID-19, nhiều khách hàng sử dụng điện công suất lớn tại tỉnh đã và đang tiến hành xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trạm biến áp, chuẩn bị sản xuất hoặc đưa vào sản xuất một phần. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng tiếp tục đăng ký nhu cầu sử dụng công suất mới tại các khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp Yên Bình, Sông Công I, Sông Công II. Bên cạnh đó, giai đoạn 2020 - 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên. Để đáp ứng sự phát triển kinh tế đó, dự báo nhu cầu điện tỉnh Thái Nguyên đến 2025 là 7,9 tỷ kWh và đến 2030 là 11,7 tỷ kWh; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 10,2% và 2026 - 2030 là 8,1%. Do đó, tỉnh Thái Nguyên mong muốn EVN quan tâm đầu tư xây dựng phát triển lưới điện trên địa bàn. Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cam kết, tỉnh Thái Nguyên cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho EVN và các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

Nhằm đẩy nhanh các dự án điện trên địa bàn, EVN cũng đề xuất tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ các đơn vị điện lực, bố trí đủ quỹ đất cho xây dựng hạ tầng điện lực, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho các công trình điện, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư trong công tác bồi thường GPMB,…

Cũng tại buổi làm việc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã trao tặng 7 tỷ đồng để xây dựng Trường mầm non xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.


  • 27/12/2021 07:36
  • Nghi Viên
  • 6895