Đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng: Tiết kiệm điện – Giải pháp căn cơ

Trước những thách thức không nhỏ trong công tác cung ứng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang chủ động, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp với tinh thần, nỗ lực cao nhất, nhằm đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là các tháng cao điểm nắng nóng năm 2024. Trong đó, tiết kiệm điện được xem là giải pháp căn cơ, vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài, bền vững.

Tiết kiệm điện - Cần hành động quyết liệt

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đặc biệt là những tháng cao điểm nắng nóng, hệ thống điện đã liên tiếp lập kỷ lục mới về công suất, sản lượng. Đáng chú ý, trong ngày 14/6/2024, sản lượng điện tiêu thụ điện toàn quốc đã đạt đỉnh kỷ lục mới là 1,025 tỷ kWh. Công suất đỉnh của hệ thống điện vào lúc 13h30 ngày 19/6/2024 cũng đã lên đến 49.533MW. Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, EVN xác định việc bảo đảm điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong mùa nắng nóng là mục tiêu quan trọng nhất.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, nhằm chuẩn bị kế hoạch bảo đảm điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024, EVN đã có chỉ đạo cụ thể tới các đơn vị trực thuộc, tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật và vận hành hệ thống điện, bao gồm cả nhà máy điện, đường dây truyền tải phân phối điện. Thứ 2, tập trung đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, đặc biệt các hệ thống lưới điện để giải tỏa công suất, tăng cường khả năng đấu nối các khu vực, các trung tâm năng lượng, cũng như tăng cường nhập khẩu các nước xung quanh. Thứ 3, chú trọng triển khai các chương trình quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện. Trong đó, EVN xác định tiết kiệm điện là giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài và cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa.

Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình truyền hình Học sinh chung tay sử dụng điện an toàn, tiết kiệm - Gameshow “Kilowatt”.

Nhận diện những khó khăn, thách thức trong đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng 2024, ngay từ những tháng đầu năm, EVN và các Tổng công ty Điện lực đã đẩy mạnh tổ chức các chương trình tuyên truyền sâu rộng về tiết kiệm điện như: chuỗi tọa đàm về tiết kiệm điện mùa nắng nóng 2024 (khu vực miền Nam và miền Bắc); Hội nghị khách hàng trọng điểm 27 tỉnh miền Bắc; phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị toàn quốc về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu điện tăng cao 2024; phát động các cuộc thi về tiết kiệm điện với chủ đề “Tiết kiệm điện thành thói quen”, “Gia đình tiết kiệm điện”, Gameshow “Kilowatt" - Học sinh chung tay sử dụng điện an toàn, tiết kiệm,… Các đơn vị điện lực cũng chủ động trao đổi với khách hàng, đặc biệt các khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm để xem xét dịch chuyển giờ sản xuất ra khỏi các giờ cao điểm của hệ thống điện hiện nay; đồng thời tiếp tục tuyên truyền và vận động doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Tính đến tháng 6 năm 2024, các đơn vị trong toàn EVN đã ký kết thỏa thuận tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR) với hơn 17 ngàn khách hàng. 

Cũng theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, hiện nay EVN cùng các đơn vị thành viên chú trọng tuyên truyền tại các khối trường học, nhằm tạo sức lan toả sâu rộng hơn và đặc biệt thông qua các em học sinh để xây dựng được thế hệ công dân tương lai ý thức tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả và có nhiều hành động thiết thực bảo vệ môi trường.

Bên cạnh các giải pháp về tuyên truyền, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ứng dụng nhiều công nghệ để khách hàng có thêm trải nghiệm sinh động khi thực hành tiết kiệm điện, đặc biệt là điều chỉnh hành vi sử dụng điện thông qua việc tăng tương tác giữa khách hàng sử dụng điện với EVN. Trên môi trường số, khách hàng sử dụng điện có thể xem sản lượng điện của mình mỗi ngày, từ đó có thể điều chỉnh hành vi sử dụng điện phù hợp.

Hiệu quả thiết thực

Đối với các doanh nghiệp sử dụng điện, việc tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện do điện lực vận động đã đem lại nhiều lợi ích thực tiễn. Chia sẻ với Tạp chí Điện lực, ông Phạm Minh Đức - đại diện quản lý Toà nhà Lotte (số 54 phố Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tòa nhà Lotte có 65 tầng nổi và 5 tầng hầm, gồm tổ hợp trung tâm thương mại, nhà hàng và khách sạn, căn hộ dịch vụ luôn có lượng điện tiêu thụ hằng tháng rất lớn, khoảng 2,5-2,7 triệu kWh. Đặc biệt, vào những tháng nắng nóng cao điểm, lượng điện tiêu thụ lên tới 3,5-3,7 triệu kWh. Trung bình mỗi tháng Lotte chi trả hàng tỷ đồng tiền điện. Từ năm 2019 đến nay, nhờ tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện mà Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội vận động, Toà nhà Lotte đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện, qua đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện, tương đương khoảng 15 tỷ đồng”.

Chị Phạm Thị Thu Hiền (phố Hoàng Sâm, Cầu Giấy) chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ nghĩ, nếu tài chính gia đình cho phép để chi trả tiền điện thì mình có thể sử dụng điện thoải mái. Tuy nhiên, qua các phương tiện truyền thông, tôi đã hiểu rằng, điện không phải là nguồn năng lượng vô hạn và nếu chúng ta sử dụng lãng phí thì nguồn năng lượng này cho tương lai có thể cạn kiệt. Đặc biệt vào những ngày cao điểm nắng nóng, khi hệ thống điện đang “căng như dây đàn”, nếu ai cũng sử dụng điện lãng phí thì rất có thể nhiều người khác sẽ không có điện để dùng. Vì vậy, tôi lựa chọn tiết kiệm điện để vừa tiết kiệm tiền, vừa chung tay bảo vệ môi trường sống của chính tôi và gia đình mình”.

Không chỉ đối với các doanh nghiệp, gia đình, việc tiết kiệm điện cũng đang được lan toả đến trường học và các em học sinh. Tham gia cuộc thi viết “Tiết kiệm điện - Thành thói quen” do Báo Thanh niên và Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh tổ chức, em Vĩ Dạ - học sinh lớp 7 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chia sẻ về chức danh “Lớp phó quản điện”: “Từ ngày lớp em có thêm chức danh Lớp phó quản điện, ở lớp không còn tình trạng các bạn quên tắt quạt và bóng điện nữa. Đến nay, vấn đề chống lãng phí điện trở thành đề tài chính trong nhiều buổi học. Ý thức tự giác tiết kiệm điện của mỗi bạn cũng được nâng lên trông thấy”.

Có thể thấy, với tinh thần chủ động tích cực đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động triển khai, công tác tiết kiệm điện đã nhận được sự đồng thuận của khách hàng từng bước trở thành thói quen của cộng đồng, xã hội. Tin rằng, bên cạnh sự những giải pháp của ngành Điện thì sự chung tay tiết kiệm điện của toàn cộng đồng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cung cấp điện 2024 và những năm tiếp theo. 

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Thế Hữu: 
“Có thể thấy, EVN và các đơn vị điện lực thành viên đã tích cực chủ động triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô và cho cả năm 2024 theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Trong đó, công tác tiết kiệm điện có vai trò rất quan trọng đối với việc đảm bảo cung ứng điện không chỉ trước mắt trong các tháng cao điểm mùa khô mà trong cả các năm tiếp theo. Đây là một giải pháp mang tính dài hạn, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc tiết kiệm điện không chỉ làm giảm áp lực cho ngành Điện trong việc đảm bảo cung ứng điện mà còn góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường bền vững hơn”.


  • 28/07/2024 04:15
  • Theo Tạp chí Điện lực
  • 4484