Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại DHD: Bắt đầu từ ý thức

Dù lực lượng lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm chiếm tỉ lệ trên 75% tổng số lao động toàn Công ty, nhưng liên tục từ năm 2011 đến nay, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận (DHD) không xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng nào. Giải pháp nào giúp DHD có được thành tích đó? Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Minh Lộc – Phó tổng giám đốc DHD để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ông Đỗ Minh Lộc - Phó tổng giám đốc DHD

Phóng viên (PV): Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động lao động (AT-VSLĐ) là một trong những nguyên  tắc “sống còn” của các đơn vị sản xuất. Đối với DHD, công tác này được thực hiện như thế nào, thưa ông?
 
Ông Đỗ Minh Lộc: Đối với bất kỳ một đơn vị sản xuất nào, đảm bảo AT –VSLĐ cũng luôn là nhiệm vụ hàng đầu, DHD cũng không phải là ngoại lệ. 
 
Tại DHD, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các cán bộ công nhân viên (CBCNV) còn phải thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị điện… Môi trường làm việc luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, đe dọa đến an toàn tính mạng và sức khỏe của người lao động như: Tai nạn điện, ngã cao, cháy nổ...
 
Đáng nói, số lượng người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm luôn chiếm tỷ lệ rất lớn. Tính đến tháng 6/2015, DHD có tổng số 274 người lao động, trong đó có tới 207 lao động (chiếm 75%) phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm. Dù vậy, những năm qua, công tác AT-VSLĐ, phòng chống cháy nổ của DHD luôn đạt kết quả tốt, tạo được môi trường lao động an toàn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, DHD không có lao động bị bệnh nghề nghiệp, không xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng... Những con số này là minh chứng tại  DHD, công tác AT-VSLĐ đã và đang được chú trọng và thực hiện hiệu quả.
 
PV: Không dễ để có được những kết quả trên. Ông có thể chia sẻ “bí quyết”  của DHD?
 
Ông Đỗ Minh Lộc: Thành công của DHD nằm ở chỗ sự kết hợp chặt chẽ giữa con người và máy móc, trên nguyên tắc: Đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đảm bảo AT-VSLĐ trước hết phải xuất phát từ ý thức chấp hành của người lao động - những người trực tiếp làm việc.
 
Hàng ngày khi ra hiện trường làm việc, người lao động phải biết rõ mình làm việc gì? Nhóm công tác của mình gồm những ai? Ai là người chỉ huy trực tiếp? Biện pháp an toàn để bảo vệ mình và nhóm công tác như thế nào?... Song song đó, người quản lý phải thường xuyên kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm AT-VSLĐ có thể xảy ra và phải xử phạt nghiêm khắc. Tất cả nhưng yêu cầu này, ở DHD đều đã và được CBCNV-LĐ chấp hành nghiêm túc, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn lao động do lỗi chủ quan.
 
Không chỉ có vậy, hàng năm, Công ty đều tổ chức công tác huấn luyện, kiểm tra, sát hạch định kỳ về AT-VSLĐ cho các đối tượng theo từng ngành nghề riêng biệt, phù hợp với thực tế đơn vị. Công tác kiểm tra luôn được triển khai nghiêm túc, thực chất, chứ không nặng về hình thức hay là nhằm “đối phó” với các quy định.
 
Cùng với con người, việc giảm thiểu tối đa các nguy cơ gây mất an toàn lao động trong môi trường làm việc cũng được DHD chú trọng. Theo đó, Công ty trang bị đầy đủ dụng cụ an toàn chất lượng tốt, gọn nhẹ và phù hợp. Đặc biệt, 100% thiết bị, máy móc đều được đăng ký, kiểm định định kỳ, đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ. Nhờ đó, tất cả mọi nguy cơ gây mất AT-VSLĐ được loại bỏ kịp thời. 
 
PV: Còn trong công tác quản lý thì sao, thưa ông?
 
Ông Đỗ Minh Lộc: Công ty đã thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động (BHLĐ), gồm 10 thành viên là những cán bộ chủ chốt. Hội đồng thường xuyên kiểm tra về AT-VSLĐ, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường tại các đơn vị thông qua việc tự chấm điểm. Việc tự kiểm tra chấm điểm được thực hiện 1 tháng/lần đối với cấp tổ, 3 tháng/lần đối với cấp phân xưởng, 6 tháng/lần đối với cấp Công ty. Sau mỗi đợt kiểm tra đều có tổng kết rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm và đưa ra những biện pháp khắc phục khuyết điểm, tồn tại. 
 
Công ty cũng thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên đến từng tổ, ca sản xuất - đây là những đoàn viên công đoàn, công nhân trực tiếp tham gia sản xuất, có nhiệm vụ kiểm tra nhắc nhở các biện pháp an toàn trong công tác ở tổ, ca vận hành.
 
Công ty còn thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện những vi phạm về công tác an toàn để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa tai nạn lao động xảy ra. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên thành công của DHD là sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các tổ chức công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của CBCNV trong công tác đảm bảo AT-VSLĐ; tổ chức phát động phong trào thi đua với nội dung phong phú, thiết thực, mang lại hiệu quả cao. 
 
Là tổ chức luôn gần gũi, chung vai, sát cánh cùng người lao động, Công đoàn DHD thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của CBCNV để có biện pháp giáo dục phù hợp và kịp thời uốn nắn những biểu hiện không tốt. Từ đó, phản ánh và phối hợp với chính quyền có những biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời...
 
Đặc biệt, Công đoàn còn phối hợp với chính quyền phát động nhiều phong trào thi đua thu hút đông đảo người lao động tham gia như Phong trào quần chúng làm công tác AT-VSLĐ, Phong trào “Xanh-Sạch-Đẹp”…; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, kịp thời biểu dương khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt. Nhờ đó, công tác AT-VSLĐ đã dần đi vào ý thức và trở thành thói quen, nề nếp được đông đảo CBCNV tự nguyện, tự giác thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. 
 
PV: Thời gian tới, cùng với việc mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, áp dụng công nghệ mới, DHD sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục duy trì thành tích trong công tác AT- VSLĐ?
 
Ông Đỗ Minh Lộc: Bên cạnh phát huy những giải pháp mà công ty đã và đang thực hiện hiệu quả, thời gian tới, song song với kế hoạch sản xuất kinh doanh, hàng năm DHD sẽ xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động với đầy đủ các nội dung, các hạng mục công việc và kinh phí để triển khai thực hiện. 
 
Đồng thời, DHD cũng sẽ hoàn thiện hoạt động của Hội đồng BHLĐ Công ty; nhằm phát huy vai trò trong công tác kiểm tra, kiểm soát AT-VSLĐ. 
 
Và một điều quan trọng, phải tiếp tục nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành quy định về AT-VSLĐ của công nhân, tăng cường công tác huấn luyện, sát hạch ban đầu khi người lao động vào làm việc và định kỳ hàng năm huấn luyện sát hạch lại.  Cùng với đó, hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ quá trình sản xuất đều phải có quy định hướng dẫn sử dụng, bảo quản, đảm bảo an toàn tuyệt đối…
 
PV: Xin  cảm ơn ông!
 
Kết quả thực hiện công tác AT-VSLĐ-PCCN từ năm 2012 đến 6 tháng đầu năm 2015 của DHD
 
 

Các chỉ tiêu

Đơn vị tính

Số lượng

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

6 tháng đầu năm 2015

Tổng số lao động

Người

270

277

276

274

Số người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại IV, V, VI)

Người

187

206

221

207

Tổng số vụ tai nạn lao động

Vụ

0

0

0

0

Tổng số vụ cháy nổ

Vụ

0

0

0

0

Tổng số người bị bệnh nghề nghiệp

Người

0

0

0

0

Số người lao động được huấn luyện về ATVSLĐ

Người

197

206

221

207

Số người lao động được huấn luyện về PCCN

 

Người

117

127

221

207

 


  • 03/01/2016 03:53
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 9393


Gửi nhận xét