Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bằng cách nào?

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia một cách bền vững là yêu cầu sống còn đối với một quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; song cũng có rất nhiều mâu thuẫn, nhiều thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp và người dân. PV TCĐL ghi lại ý kiến của một số lãnh đạo và chuyên gia về vấn đề này.

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: 

Chiến lược năng lượng Việt Nam cần tiếp cận cả bên cung và bên cầu 

Nhìn một cách tổng thể, nguồn cung năng lượng của Việt Nam thời gian qua tuy đã đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng chưa đặt ra điều kiện đối với bên cầu. Hậu quả là, Việt Nam đang duy trì một nền kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, chưa gắn kết giữa sản xuất và sử dụng năng lượng hiệu quả. 

Trong nền kinh tế thị trường, giá là công cụ điều tiết, đảm bảo cân bằng giữa bên cung và bên cầu. Tuy nhiên, hiện nay giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng chưa thực sự phản ánh đúng bản chất giá cả thị trường, dẫn đến “quan hệ” cung – cầu méo mó. Giá bán điện thấp trong khi chi phí sản xuất điện cao nên ngành Năng lượng rất khó cạnh tranh. Điều này cũng lý giải vì sao, các doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa “mặn mà” với việc đầu tư vào ngành Năng lượng. Áp lực càng đặt ra đối với nguồn cung năng lượng khi nhu cầu sử dụng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, CNH – HĐH đất nước. Theo đó, chiến lược phát triển kinh tế cũng như chiến lược năng lượng Việt Nam cần phải thay đổi, không thể tiếp tục duy trì mô hình kinh tế sử dụng lãng phí nguồn năng lượng, rồi lại yêu cầu ngành Năng lượng phải đáp ứng tối đa. 

Muốn vậy, Việt Nam cần thay đổi tư duy chiến lược năng lượng, phải tiếp cận giá năng lượng từ góc độ thị trường chứ không chỉ là nhu cầu sử dụng, dây chuyền sản xuất hay công nghệ… Nói cách khác, trong thời gian tới, chiến lược năng lượng quốc gia cần được xem xét một cách tổng thể cả bên cung và bên cầu, nếu không việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn. 

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương: 

Sử dụng năng lượng hiệu quả và công nghệ sản xuất hiện đại

Phải coi năng lượng là ngành thuộc kết cấu hạ tầng, giữ vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những năm qua, Chính phủ đã quan tâm và dành sự ưu tiên cao để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang coi phát triển kinh tế là trọng tâm và ngành Năng lượng phải “chạy theo”, thậm chí phải đi trước một bước. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ và nặng nề hơn. Điều này một mặt gây áp lực đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho ngành Năng lượng.

Từ một nước xuất khẩu năng lượng, Việt Nam đang chuyển đổi sang nhập khẩu. Cụ thể, trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu điện sang Campuchia, Lào và cũng là nước xuất khẩu than lớn, đỉnh điểm lên tới 20 triệu tấn than/năm. Nhưng từ năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than và dự kiến sẽ nhập 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% sản lượng than cho nhu cầu phát điện đến năm 2020, tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu than vào những năm sau đó.

Để giải quyết bài toán năng lượng cho phát triển kinh tế, Bộ Công Thương đang xây dựng chính sách theo hai cách, một là sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, hai là sử dụng công nghệ thân thiện môi trường để sản xuất năng lượng. Từ đó hướng tới nền kinh tế sử dụng cacbon thấp, thay đổi mô hình sản xuất và sử dụng điện một cách bền vững; chuyển từ giai đoạn sử dụng kém hiệu quả nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Ông Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam: 

Ngành năng lượng phải được gắn liền với nền kinh tế đất nước

Hiện nay, ngành Năng lượng đang gặp nhiều sức ép để cung cấp đầy đủ cho nền kinh tế. Theo Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050, năng lượng sơ cấp năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110 - 120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310 - 320 triệu TOE. 

Vấn đề đặt ra là “Tại sao nền kinh tế không lựa chọn con đường phát triển tốt nhất, trong giới hạn nguồn cung năng lượng”. Đặc biệt trong bối cảnh, nguồn thủy điện đã gần như khai thác hết, điện hạt nhân đã tạm dừng triển khai dự án; các nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh khối… chưa thể đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới. 

Việc giải bài toán giá năng lượng hiện nay lại đi kèm với các điều kiện về thu nhập của người dân, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp… Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi về giá điện cho người nghèo, biểu giá bán lẻ và bán buôn điện cho từng đối tượng sử dụng. Tất nhiên, sử dụng điện nhiều phải trả tiền nhiều. Vấn đề quan trọng là người dân cần tạo được thói quen sử dụng điện hiệu quả, đối với lĩnh vực sản xuất cần phải thay đổi tư duy, mô hình sản xuất.

Việt Nam cần phải phát triển ngành Năng lượng gắn liền với phát triển nền kinh tế đất nước, để các ngành kinh tế “nhận thức” được giới hạn của ngành Năng lượng, từ đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển phù hợp. Khi toàn bộ nền kinh tế không còn “đè nặng” sức ép lên ngành Năng lượng, mới có khả năng đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia.


  • 22/06/2017 09:21
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 15049