Cùng chung tay phòng chống bão lũ

Hằng năm, nhiều cơn bão với đủ cấp độ, kèm theo mưa lớn và lũ lụt đã gây thiệt hại không chỉ về tài sản của Nhà nước nói chung và ngành Điện nói riêng, mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lũ, rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Tiến sỹ Đặng Thanh Mai – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương: “Quan trọng nhất là chủ động phối hợp”

Diễn biến khí hậu ngày càng bất thường, khó lường. Số lượng thiên tai, lũ lụt cũng ngày càng gia tăng. Các hiện tượng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” cũng xảy ra thường xuyên hơn. Công tác phòng chống bão lũ nói chung, với ngành Điện nói riêng, vì thế sẽ càng khó khăn, vất vả, đòi hỏi có sự phối hợp liên ngành một cách chặt chẽ hơn, sao cho thực sự hiệu quả.
Theo tôi, thời gian qua, ngành Điện đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiệt hại của bão lũ, thiên tai. Nhưng trên thực tế, do những đặc thù, ngành Điện vẫn là một trong những ngành phải hứng chịu nặng nề nhất hậu quả do bão lũ gây ra mỗi năm. Tất nhiên thiên tai, bão lũ thì không thể tránh được và cũng rất khó dự báo một cách chính xác. Nhưng ngay cả khi có  dự báo đúng về bão, lũ, thì tác hại của nó vẫn rất lớn.

Vì vậy, ngành Điện và các đơn vị liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, sát sao và hiệu quả hơn nữa. Hỗ trợ ngành Điện trong công tác phòng chống bão lũ sẽ giúp rút ngắn thời gian mất điện do bão lũ, đảm bảo an toàn điện trong bão lũ… cũng có nghĩa là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và các doanh nghiệp ở các địa bàn.
Quan trọng nhất, theo tôi, các bên phải chủ động, phối hợp đồng bộ, trên cơ sở vì mục tiêu chung là giảm thiệt hại do bão lũ, chứ không vì lợi ích riêng của đơn vị mình mà lơ là, hoặc thậm chí làm ảnh hưởng đến an toàn điện trong bão lũ.

 

 

Ông Nguyễn Anh Vũ – Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC): “Cấp ủy, chính quyền vào cuộc cùng ngành Điện”

Mặc dù thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn không tiếp giáp biển, không bị ảnh hưởng trực tiếp từ bão lũ hàng năm nên thiệt hại không nhiều, nhưng công tác chủ động phòng chống vẫn luôn được EVN HCMC đề cao. Đặc biệt trong việc phối hợp, chỉ đạo liên ngành, có thể nói EVN HCMC là một trong những “lá cờ đầu”.
Hằng năm, để chủ động phòng chống, giảm thiệt hại của bão lũ, ngay từ đầu năm, Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã họp Ban chỉ đạo PCLB, nhận định, dự báo tình hình, lên phương án phòng chống sớm. Ban chỉ huy PCLB của Thành phố có văn bản chỉ đạo cụ thể, gửi đến các đơn vị, trong đó có ngành Điện, về công tác phối hợp, chủ động ứng phó với bão lũ. Sự vào cuộc chủ động, kịp thời của cả cấp ủy và chính quyền địa phương thành phố Hồ Chí Minh cùng các đơn vị nói chung, ngành Điện nói riêng, đã tạo cơ sở cho công tác phối hợp phòng chống bão lũ được đồng bộ, hiệu quả.

 

 

 

 

Ông Nguyễn Công Ân - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, Công ty Điện lực Gia Lai: Sẵn sàng xử lý sự cố và hỗ trợ địa phương”

Với đặc thù của một đơn vị thuộc ngành Điện hoạt động trên địa bàn miền núi Tây Nguyên, hầu hết tài sản đều nằm ngoài trời, vùng sâu, vùng xa dễ bị chia cắt khi xảy ra bão lũ. Vì vậy, các điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Gia Lai (PC Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và thành lập các tiểu ban phòng chống bão lũ, tổ xung kích tại chỗ.
Các đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với địa phương, triển khai kịp thời công tác phòng chống bão lũ và hỗ trợ tham gia ứng cứu người dân khi có tình huống xấu xảy ra. Đối với những khu vực thường bị chia cắt do sạt lở, tắc đường, ngập lụt như Kbang, Chưprông, Ayunpa, Krôngpa… các điện lực huyện tiến hành vệ sinh công nghiệp, khai thông cống rãnh, máng nước... không để nước mưa tràn vào nhà cửa, kho tàng.
Từng đơn vị, tùy theo nhiệm vụ cụ thể của mình, lập phương án và dự trù vật tư, thiết bị phòng chống bão lũ theo yêu cầu  riêng. Song, các đơn vị đều phải bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh trong thời gian tối thiểu 1/2 tháng, khi có sự cố bão lũ xảy ra làm tắc đường vận chuyển dầu chạy máy diesel, cháy hỏng MBA hoặc thiết bị chính, đổ cột, đứt dây tại các vị trí quan trọng... Công tác tuyên truyền, hướng dẫn an toàn điện trong nhân dân cũng được PC Gia Lai chú trọng.
Ngay đầu mùa bão, lũ năm 2013, PC Gia Lai đã tiến hành kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB. Hiện nay, Ban chỉ huy PCLB của Điện lực gồm 29 thành viên và đội xung kích 49 người với sức khoẻ và kỹ năng nghề nghiệp tốt, sẵn sàng xử lý sự cố và chi viện cho các đơn vị trực thuộc, địa phương trong mọi trường hợp, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

 

 

 

 

 

Ông Huỳnh Tấn Triều – Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn – tỉnh Quảng Nam: “Theo dõi và thông tin kịp thời cho ngành Điện”

Trong những năm qua, huyện Nông Sơn và Điện lực Quế Sơn đã phối hợp chặt chẽ tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa lưới điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện, đồng thời đảm bảo an toàn cho các công trình điện, nhất là trong mùa bão lũ.
Năm 2013, thực hiện Quy chế phối hợp trách nhiệm đến từng xã, thôn với sự đồng thuận của người dân nên công tác phát quang hành lang tuyến mang lại kết quả khả quan. Qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã thống nhất và cùng hỗ trợ với chính quyền địa phương, ngành Điện phát quang 79 vị trí cây cối có khả năng ngã đỗ vào đường dây, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn kêu gọi người người dân nâng cao trách nhiệm của mình đối với các công trình điện, hỗ trợ, theo dõi và thông tin kịp thời cho ngành Điện tình hình ngập lụt để có biện pháp xử lý kịp thời. Thiết nghĩ, việc phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo đảm an toàn lưới điện trong mùa bão lũ chính là góp phần bảo đảm an toàn lưới điện cũng như quyền lợi chính đáng của người dân và khách hàng sử dụng điện.



 


  • 30/10/2013 10:16
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4036


Gửi nhận xét