Cung cấp điện ở miền Trung: “Cắm trại” để ứng phó với dịch COVID-19

Khoảng 400 cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Điện ở khu vực Đà Nẵng và miền Trung sẽ phải ăn, nghỉ tập trung để đảm bảo an toàn cấp điện và lưới điện khi Đà Nẵng đang là tâm dịch Covid-19.

EVNNPT đặc biệt chú trọng khâu cách ly và khử trùng để đảm bảo hoạt động truyền tải điện diễn ra bình thường.

Cô lập 200 cán bộ truyền tải điện

Ngay sau khi có những ca bệnh đầu tiên ở Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc áp dụng lại quy chế phòng chống dịch đã được sử dụng từ tháng 3/2020. Các đơn vị trực thuộc cũng đã có những động thái để kịp thời ứng phó với diễn biến mới của dịch, đặc biệt trên địa bàn Đà Nẵng. 

Chia sẻ với PLVN, ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty truyền tải điện 2 (PTC2) cho biết, PTC2 vẫn duy trì một số biện pháp phòng chống dịch kể từ cao điểm chống dịch lần thứ nhất nên khi dịch xuất hiện trở lại, PTC2 chỉ cần xiết chặt hơn công tác phòng chống dịch và truy vết cán bộ công nhân viên (CBCNV) có đến các địa điểm mà Bộ Y tế đã khuyến cáo. 

Đặc biệt, toàn bộ lực lượng vận hành trạm 220 và 500kV (khoảng 200 người) sẽ được cô lập, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, bao gồm ăn ở, chỉ huy, làm việc và cung ứng vật tư thiết bị tại chỗ. Theo ông Phong, nếu lực lượng này nhiễm COVID-19 sẽ rất nguy hiểm, có nguy cơ rã lưới. Công ty sẽ đảm bảo đầy đủ công tác hậu cần phục vụ tốt nhất cho lực lượng này.

Riêng lực lượng đường dây, do đặc thù công việc vẫn phải ra ngoài nhưng cũng đã tiến hành ăn ở tập trung cho từng khu vực. Ngoài ra, các bộ phận làm việc gián tiếp sẽ giảm số lượng làm việc tại cơ quan (bố trí tối thiếu 50% lực lượng làm việc tại nhà) và khuyến cáo toàn bộ CBCNV hạn chế ra ngoài. Tất cả các hoạt động này đã được PTC2 triển khai ngay sau khi xuất hiện ca bệnh tại Đà Nẵng mới đây. 

Đảm bảo điện ở các cơ sở cách ly

Theo ông Võ Hòa, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng, đơn vị đã tiến hành chia ca để trực, đảm bảo điện 24/24. Theo đó, lực lượng điều độ viên, công nhân tổ thao tác lưu động (với khoảng 200 người) sẽ được chia thành 2 nhóm làm việc luân phiên, trực trước mắt trong 14 ngày (đến ngày 10/8/2020).

Cụ thể, nhóm 1 sẽ bố trí hợp lý các ca trực, thực hiện chế độ nghỉ tập trung sau ca làm việc tại trụ sở đơn vị trong 7 ngày liên tục. Lúc này nhóm 2 sẽ được làm việc tuyệt đối tại nhà, không tiếp xúc với ai. Hết 7 ngày thì nhóm 1 lại quay trở lại làm việc tại nhà, nhóm 2 sẽ lên trực tại các trung tâm. 

Ngoài ra, lãnh đạo PC Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ sơ đồ, bản vẽ phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện thuộc phạm vi quản lý và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng di chuyển đến địa điểm dự phòng khi được yêu cầu.

Bên cạnh đó, cũng đề nghị các đơn vị tập trung bố trí nhân lực, tăng cường kiểm tra các đường dây, trạm biến áp, đảm bảo cấp điện thông suốt, ổn định cho các bệnh viện, cơ sở y tế, khu vực cách ly trên địa bàn đơn vị quản lý.

PC Đà Nẵng cũng đã xây dựng các phương án nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các bệnh viện dã chiến có tiếp nhận theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm virus nCoV cũng như lên kế hoạch xử lý các tồn tại bất thường.

Đồng thời, PC Đà Nẵng không thực hiện cắt điện trên các đường dây, trạm biến áp có ảnh hưởng đến việc cấp điện cho các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, các cơ sở y tế, trừ trường hợp xử lý sự cố. Bên cạnh đó, Công ty yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, thiết bị, phương tiện, khẩn trương xử lý sự cố, bố trí máy phát điện Diesel để cung cấp điện tại các địa điểm nêu trên khi có sự cố; phối hợp với các đơn vị, cơ sở y tế kiểm tra nguồn dự phòng tại chỗ đảm bảo cấp điện liên tục khi có sự cố xảy ra

Link gốc

 


  • 31/07/2020 11:08
  • Nguồn: Theo Báo Pháp Luật Việt Nam
  • 4274