Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4): Tự hào là “người lính” Truyền tải điện

Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, những “người lính” truyền tải điện thuộc Công ty Truyền tải điện 4 luôn hoàn thành tốt “sứ mệnh” của mình là vận hành lưới điện an toàn, thông suốt, cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất-kinh doanh và đời sống của nhân dân trên địa bàn 19 tỉnh, thành phía Nam.

Những ngày đầu gian khó…

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), lưới điện miền Nam bị tàn phá nặng nề và tách thành 3 khu vực riêng biệt là miền Đông, miền Tây và Cao nguyên. Để quản lý vận hành lưới điện cao áp từ 66 kV trở lên trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam, ngày 15/9/1976, Sở Quản lý Truyền tải điện, tiền thân của Công ty Truyền tải điện 4 ngày nay, thuộc Công ty Điện lực miền Nam đã ra đời. Với lực lượng chỉ có 649 người lúc ban đầu, nhờ biết phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, Sở Quản lý Truyền tải điện phía Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cụ thể, Sở đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công binh trong việc rà soát bom mìn dọc tuyến đường dây, dựng lại các trụ bị ngã đổ, đứt gãy, biến dạng, tiến hành tu bổ, phát quang hành lang tuyến đường dây, bước đầu tạo dựng hành lang an toàn lưới điện cao áp . 

Sau gần 10 năm kiên trì sửa chữa, khắc phục, lưới truyền tải điện miền Nam gần như đã được cải thiện và thực hiện tốt chức năng liên kết lưới điện cao áp các khu vực: Cao nguyên, miền Đông và miền Tây thành một hệ thống điện thống nhất. Đó là thành quả lao động rất đáng khâm phục và tự hào của những "người lính" truyền tải tiên phong, đặt nền móng cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước cha anh với lòng nhiệt huyết, tinh thần đoàn kết, cần cù, chịu khó, quyết tâm hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Hơn hết, đó còn là sự hi sinh thầm lặng, không chút đắn đo của những “người lính” truyền tải điện phía Nam. Tất cả vì dòng điện luôn tỏa sáng trên quê hương, họ đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu, và có những người đã hi sinh thân mình cho dòng điện nối liền đất nước thống nhất, yên bình.

Trụ sở Công ty Truyền tải điện 4

Vất vả trong thời bình

Địa hình phức tạp, rừng núi hiểm trở, sông ngòi kênh rạch chằng chịt đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện phía Nam. Tuy nhiên, không vì những khó khăn đó mà “người lính” truyền tải điện phía Nam nản lòng. Nếu có dịp đi qua vùng cao nguyên Bình Phước, Đồng Nai, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những hàng cột điện, đường dây nối nhau vượt đèo, vượt suối vươn đến tận chân trời, mang dòng điện cao áp nối hai miền Nam – Bắc. Đến miền Tây mùa nước nổi, bạn sẽ bắt gặp hàng loạt các cột điện cao áp nối tiếp nhau vượt qua sông lớn và trải dài khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Những “người lính” truyền tải điện chân lấm, tay bùn, vai vác công cụ lao động, lội hàng chục cây số qua vùng ngập nước để kéo dây, kiểm tra cột, sửa chữa bảo dưỡng đường dây. Các anh, dù ở độ cao cách mặt đất  đến 90 m vẫn hiên ngang, bình tĩnh treo mình trên đường dây, mặc cái nắng gay gắt thiêu đốt da thịt, mặc những cơn gió nóng táp vào mặt, bữa cơm có khi còn phải tranh thủ ăn vội vã giữa lưng trời, dành thời gian tiếp tục hoàn thành công việc còn dang dở. Dù phải thức trắng đêm, sương lạnh thấm ướt lưng áo, nhưng các anh vẫn miệt mài thao tác cùng thiết bị, ghi chép các số liệu thí nghiệm…cố gắng hoàn thành công trình lắp máy biến áp đúng tiến độ được giao, đảm bảo đóng điện vận hành an toàn  bất kể ngày, đêm và cả những ngày nghỉ lễ. Dù đang được nghỉ ngơi bên gia đình, nhưng nếu có sự cố trên đường dây cao áp, họ sẵn sàng lên đường, kịp thời xử lý sự cố lưới điện.

Nhìn những giọt mồ hôi thấm đẫm trên gương mặt rạng rỡ của những “người lính” truyền tải, tôi có cảm giác như họ chưa hề trải qua những công việc nặng nhọc, gian khó trong khâu truyền tải điện cao áp. Ở họ luôn toát lên sự yêu đời, lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Bước chân “người lính” truyền tải còn in đậm trên suốt chiều dài đất nước, và những dự án, những công trình điện luôn theo bước chân họ. Không chỉ bảo dưỡng đường dây cao áp trên không, các anh còn phải bảo vệ hành lang an toàn lưới điện dưới mặt đất sao cho thông thoáng, đảm bảo an toàn. Nếu như leo lên cột điện cao áp, đu mình trên đường dây nguy hiểm, thì việc tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp cũng không kém phần gian nan, vất vả. Hàng năm, các đơn vị quản lý đường dây cao áp đã phối hợp với chính quyền các địa phương có đường dây đi qua, tổ chức rất nhiều chương trình tuyên truyền, vận động người dân chung tay với ngành Điện bảo vệ hàng lang an toàn lưới điện cao áp. Công việc này mới nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng khi bắt tay thực thi đã gặp không ít khó khăn do một số người dân còn rất chủ quan, chưa nắm vững các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp. 

Công nhân PTC4 kiểm tra tuyến đường dây 220 kV  Vĩnh Long - Ô Môn

Đến địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều rẫy mía ở trong và gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Mía là nguồn thu chủ yếu của đa số nông dân sinh sống tại đây. Hàng năm, không đợi đến mùa thu hoạch, những “người lính” truyền tải điện đã tích cực vận động và tham gia cùng người dân tuốt bớt lá mía để tránh nguy cơ cháy lan rộng khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra, việc vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng được đa số người dân chấp thuận. Đối với công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐ) ở khu vực miền Tây có nhiều nét đặc biệt hơn. Do yếu tố địa lý, sông ngòi dày đặc, các phương tiện thủy như xà lan, xáng cạp là nguy cơ hàng đầu vi phạm HLATLĐ, mặc dù các đơn vị quản lý đường dây truyền tải điện miền Tây rất tích cực phối hợp với cơ quan an ninh đường thủy tổ chức tuyên truyền trong dân về các quy định của Luật Điện lực, gắn biển cảnh báo tại hầu hết các tuyến đường thủy quan trọng. Tuy nhiên, người dân vẫn còn chủ quan, không lường trước những nguy cơ dẫn đến sự cố nghiêm trọng cho đường dây điện cao áp. Vì vậy, công tác tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp không phải lúc nào cũng thuận lợi và "người lính" truyền tải điện liên tục phải đối mặt với những khó khăn, thử thách bất ngờ. Nhưng vì mục tiêu đảm bảo lưới điện cao áp an toàn, ổn định, liên tục, các anh đã vượt lên tất cả.

Xứng đáng với danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới"

40 năm đã trôi qua, nhiều thế hệ “lính” truyền tải điện phía Nam đã cống hiến hết mình, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, nắm bắt được những tiến bộ cũng như thành tựu của khoa học công nghệ, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, nhiều công trình làm lợi cho ngành Điện và Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Năm 1995, lưới điện quốc gia đã nối liền Bắc - Nam qua hệ thống 500 kV. Năm 2008, lưới điện quốc gia đã nối liền Bắc - Nam và khả năng tải hệ thống 500 kV được nâng cao, quản lý lưới điện từ 220 – 500 kV. Đến nay, lưới điện quốc gia đã khép kín mạch vòng lưới 500 kV, tiêu chí n-1 (mạch dự phòng) đang được hoàn thiện. Năm 2013, Công ty Truyền tải điện 4 đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đánh dấu bước trưởng thành  lịch sử trong quá trình phát triển của Công ty.

Nhìn lại quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, tập thể CBCNV Công ty rất tự hào là những “người lính” Truyền tải điện, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đáp ứng yêu cầu điện năng cho phát triển đất nước, góp phần đưa thương hiệu của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia vươn tới vị trí hàng đầu châu Á trong lĩnh vực truyền tải điện. 

Công ty Truyền tải điện 4:

-  Trụ sở: Số 7, Quốc lộ 52, Phường Trường Thọ, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh;
-  Khối lượng quản lý, vận hành: 6.007,08 km đường dây 220 - 500 kV; 45 TBA, 119 MBA với tổng dung lượng 28.665 MVA;
-  Địa bàn: 19 tỉnh, thành phía Nam;
-  Tổng số CBCNV: 2.169 người.

 


  • 21/09/2016 03:19
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 15142