Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung: Sẽ trở thành trung tâm Cơ khí mạnh

Đích thân đưa các nhà báo đi thực tế tại 4 xí nghiệp sản xuất có quy mô gần 4 ha nhà xưởng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ Điện Miền Trung (CEMC) Ngô Việt Hải chia sẻ rất nhiều trăn trở và những kỳ vọng vào sự phát triển của CEMC. Với những ý tưởng táo bạo và những quyết sách có tính đột phá, Ban lãnh đạo Công ty đang quyết tâm đưa CEMC trở thành một Trung tâm cơ khí mạnh ở miền Trung trong tương lai gần.

Đầu tư đúng hướng

Trở lại với những năm tháng khó khăn khi đất nước bắt đầu chuyển đổi sang cơ chế thị trường, các doanh nghiệp cơ khí trong nước buộc phải chấp nhận bước vào “sân chơi” cạnh tranh thực sự quyết liệt với các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Để tồn tại và phát triển, nhất là khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, CEMC không còn con đường nào khác là phải thay đổi toàn bộ định hướng, chiến lược kinh doanh. Chìa khoá đưa CEMC vượt qua mọi khó khăn, thách thức, rồi đi hết từ thành công này đến thành công khác chính nhờ chiến lược: Không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tăng cường năng lực sản xuất, chú trọng đào tạo nhân lực và cải tiến phương thức quản lý.

Bắt đầu từ việc đầu tư vào dây chuyền gia công chế tạo cột thép để vừa tăng năng suất, vừa đảm bảo tuổi thọ cho máy, đã giúp CEMC tham gia các dự án đường dây tải điện, cột anten viễn thông với tỷ lệ thắng thầu đạt từ 70 - 80%. Rồi dây chuyền mạ nhúng kẽm nóng đốt dầu FO bằng công nghệ của Đức (công suất 40 tấn/ngày đêm) hoàn thành đảm bảo khối lượng lớn các đơn hàng cột thép mạ kẽm cho các đường dây tải điện 500 kV.

 
Chế tạo thiết bị tại Công ty CP Cơ khí miền Trung

Không dừng ở đó, CEMC tiếp tục đầu tư dây chuyền gia công chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công (CKTC) cho các nhà máy thuỷ điện với công nghệ hiện đại của Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc..., đặc biệt là 2 máy lốc tôn công suất lớn có chiều dày phôi lốc đến 60 mm. Nhờ vậy, sản phẩm thiết bị CKTC mang thương hiệu CEMC đã được sử dụng cho nhiều công trình trọng điểm quốc gia như: Thuỷ điện Quảng Trị, Bản Vẽ, Khe Diên, Sông Tranh 2, Định Bình, An Khê -Kanak, Huội Quảng...và đặc biệt là hạng mục đường ống áp lực của Thuỷ điện Sơn La, công trình trọng điểm quốc gia, lớn nhất Đông Nam Á.

“Luồng gió mới” trong lĩnh vực cơ khí điện lực

Với sự đầu tư đúng hướng, đồng bộ, hiệu quả về công nghệ và nguồn nhân lực nhằm đáp ứng mục tiêu của Đề án “Chiến lược phát triển cơ khí điện lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2020”, CEMC đang từng bước khẳng định sự phát triển bền vững của mình. Sản phẩm của Công ty hiện đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Hàng vạn tấn cột thép đã được cung cấp cho các công trình: Đường dây 110 kV cấp điện cho Trạm biến áp Gang thép Thái Nguyên, Khu công nghiệp Thăng Long 2, đường dây Hải Hậu - Lạc Quần, Bắc Ninh - Tiên Sơn, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Dốc Sỏi - Kỳ Hà, Krông - Hnăng - Eakar, Long Thành - Nhơn Trạch, đường dây 220 kV Nhơn Trạch - Cát Lái; đường dây 500 kV mạch 2... CEMC đang từng bước trở thành một trong những doanh nghiệp đứng đầu trong nước về chế tạo cột thép.

Hàng ngàn cột anten viễn thông các loại do Công ty TNHH Đầu tư công nghệ Huawei (Trung Quốc) đặt hàng với yêu cầu kỹ thuật và tiến độ khắt khe cũng đã được Công ty đáp ứng. Hàng trăm máy biến áp do CEMC cải tạo, sửa chữa; hàng trăm ngàn mét dây cáp điện, hàng ngàn hộp bảo vệ công tơ các loại, tủ điện hạ thế, tủ điều khiển do CEMC sản xuất đã được đưa vào sử dụng trên lưới điện miền Trung và cả nước.

Bên cạnh đó, CEMC còn có đủ năng lực thiết kế, chế tạo và lắp đặt hầu hết các thiết bị CKTC cho các công trình nhà máy thuỷ điện. Riêng với Thuỷ điện Sơn La, công trình thuỷ điện lớn nhất đất nước với gần 10.000 tấn thiết bị, Công ty đã hoàn thành vượt tiến độ nhiệm vụ thiết kế chế tạo và cung cấp các đường ống áp lực cho công trình.

“CEMC cũng đang bước vào giai đoạn cuối cùng hoàn thành việc cung cấp thiết bị cho các công trình thuỷ điện như An Khê - Ka Nak, Krông - H’Năng, Nậm Chim. Cùng với các doanh nghiệp cơ khí khác trong cả nước, việc tham gia chế tạo loại thiết bị CKTC như một luồng gió mới đem đến sự khởi sắc cho ngành cơ khí Việt Nam. Công ty đã tạo bước đột phá chính từ hướng đi này…” - Tổng giám đốc Ngô Việt Hải hồ hởi nói.

Tuy nhiên, không bằng lòng với những gì đã đạt được, CEMC vẫn đang tiếp tục tham gia đấu thầu, tìm kiếm mở rộng thị trường, sử dụng tối đa công suất của hệ thống chế tạo thiết bị CKTC, chế tạo cột thép CNC và dây chuyền mạ nhúng kẽm nóng. Bên cạnh đó, Công ty không ngừng tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm như hộp bảo vệ công tơ, tủ bảng điện các loại, dây và cáp điện, cải tạo và nâng cấp máy biến áp ..., đồng thời nghiên cứu chế tạo cung cấp thiết bị cơ khí, điện cho các nhà máy nhiệt điện, song song với hợp tác đầu tư sản xuất các thiết bị điện khác như máy cắt trung áp đến 35 kV, dao cách ly, khí cụ điện trung áp, điện dân dụng...

Tổng giám đốc Ngô Việt Hải cho biết, trong 3 năm tới, CEMC dự kiến sẽ triển khai nghiên cứu chế tạo máy biến áp khô, các loại thiết bị cách điện polymer, tổ máy thuỷ điện vừa và nhỏ công suất dưới 30 MW, phát triển thiết bị phong điện và có thể sẽ thành lập một tổ nghiên cứu chế tạo các thiết bị nhiệt điện để chuyển từ thầu phụ sang thầu chính...

Song song với đầu tư, đổi mới công nghệ để tăng năng lực sản xuất, Công ty còn mở rộng quy mô nhà xưởng: Đã đưa vào phục vụ sản xuất khu nhà mái vòm không gian có diện tích hơn 9.000 m2, đảm bảo hoạt động sản xuất hiệu quả trong điều kiện thời tiết thất thường của miền Trung, cũng như đáp ứng việc chế tạo các thiết bị CKTC kích thước lớn. Đồng thời, cùng với việc chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cán bộ quản lý, kỹ thuật giỏi, Công ty còn hợp đồng liên kết đào tạo tại chỗ các kỹ thuật viên kiểm tra vật liệu kim loại bằng phương pháp siêu âm, đào tạo thợ hàn áp lực theo tiêu chuẩn quốc tế. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân có tay nghề giỏi đã và đang làm chủ việc vận hành, quản lý thiết bị, giúp Công ty làm nên những “chiến công” qua các công trình lớn.

Thách thức còn ở phía trước

Theo Tổng giám đốc Ngô Việt Hải, hiện nay, thiết bị CKTC đều áp dụng tiêu chuẩn quốc tế của những nước phát triển, nên các thiết kế do CEMC thực hiện đều phải thuê tư vấn nước ngoài thẩm định. Đồng thời, hầu hết các vật tư chính phục vụ chế tạo có yêu cầu cơ tính cao, trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu từ các nước phát triển với điều kiện khối lượng đặt hàng phải lớn. Điều này khiến các đơn vị chế tạo thường bị động trong việc chuẩn bị vật tư, nhất là các công trình có quy mô, công suất nhỏ, khối lượng thiết bị ít, rất khó đặt hàng. Các thiết bị CKTC thường là kết cấu phi tiêu chuẩn có quy cách kích thước và khối lượng quá lớn (thuộc vào hàng quá khổ, quá tải), nhưng đường vận chuyển nội bộ tại công trường thường nhỏ hẹp, nên công tác vận chuyển rất khó khăn. Trong khi đó, các hướng dẫn, quy định về cước phí vận chuyển chưa sát thực tế và có giá trị thấp so với giá đơn vị chế tạo thuê các đơn vị vận tải thực hiện....

Dẫu biết rằng, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước, nhưng với quyết tâm cao, với những bước đi chiến lược đúng hướng và vững vàng, CBCNV Công ty Cổ phần Cơ Điện miền Trung đang từng ngày hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm cơ khí điện lực mạnh ở miền Trung và cả nước.

 

1. Quá trình hình thành và phát triển

-       Tiền thân là Xí nghiệp Sửa chữa Cơ Điện thuộc Công ty Điện lực 3 (thành lập năm 1987).

-       Tháng 10/1991,  tách riêng bộ phận thí nghiệm điện và thành lập Xí nghiệp Cơ Điện. 

-       Tháng 2/2006,  chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty cổ phần Cơ Điện Miền Trung.

2. Thành tích, danh hiệu tiêu biểu:

-       Huân chương Lao động hạng 3 (năm 2005)

-       Các bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Nghiệp (Bộ Công Thương), UBND TP Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam…

-       Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2 năm liên tục (2008 và 2009).

-       Giải thưởng Doanh nghiệp phát triển bền vững lần thứ nhất 2008…

-       Cúp vàng “Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam lần I” năm 2009.

3. Ngành nghề kinh doanh:

-       Sản xuất chế tạo, sửa chữa phục hồi các sản phẩm thiết bị, kết cấu cơ khí thuộc lĩnh vực công nghiệp và dân dụng; các loại xà, cột thép đường dây tải điện đến 500 kV. Sản xuất các thiết bị điện và máy biến áp; các loại dây, cáp điện, các sản phẩm bằng vật liệu composite. Hoàn thiện bề mặt sản phẩm bằng các phương pháp: Mạ nhúng kẽm nóng, mạ điện phân, sơn tĩnh điện.

-       Thiết kế, chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí cho các công trình thuỷ điện, nhiệt điện và các kết cấu cơ khí khác.

-       Thiết kế, chế tạo, lắp đặt, sửa chữa các thiết bị chịu áp lực và thiết bị nâng.

-       Tư vấn, thiết kế, giám sát và thi công các công trình đường dây và trạm biến áp đến 110 kV. Tư vấn, đầu tư xây dựng và xây lắp các dự án, công trình viễn thông công cộng.

-       Kinh doanh vận tải hàng; xếp dỡ hàng hoá;

4. Số lượng CB-CNLĐ: 400 người

 

 


  • 24/12/2009 10:11
  • Theo Kỷ yếu Điện lực Việt Nam 2009
  • 8196


Gửi nhận xét