Công tác quản lý an toàn đập thủy điện: Kinh nghiệm từ thế giới

Cùng với sự xây dựng và hình thành của các đập, hồ chứa nước, thì công tác quản lý an toàn đập càng ngày phức tạp, nhiều thử thách, bởi ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân dưới vùng hạ du.

Vài nét về quản lý an toàn đập thủy điện trên thế giới

Các nước phát triển như Pháp, Canada, một số nước Bắc Âu, Mỹ và Trung Quốc đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong khảo sát, thiết kế và vận hành các đập và hồ chứa thông qua việc phải hứng chịu những đợt xả lũ lớn, những trận động đất mạnh, những sự cố công trình vỡ đập… gây ra thiệt hại lớn cho hạ du. Để hạn chế các thiệt hại đó, việc theo dõi tình trạng và quản lý chặt chẽ an toàn các công trình đập, hồ chứa có ý nghĩa sống còn.


Trung tâm giám sát an toàn công trình thủy điện tại Trung Quốc.

Các nước này đã tiến hành xây dựng các Trung tâm kiểm soát an toàn công trình từ khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đây là các cơ quan chuyên trách quản lý tập trung nhằm ngăn ngừa các yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến an toàn các công trình, theo dõi và đánh giá tình trạng an toàn của các công trình thủy điện, đề xuất các giải pháp sửa chữa khắc phục các hư hỏng phát sinh trong quá trình vận hành; dự báo, cảnh báo cho các chủ hồ đập và người dân dưới hạ du khi có các nguy cơ gây mất an toàn công trình.

Tại Trung Quốc, sau các thảm họa do vỡ đập và trước sự phát triển nóng của các hồ chứa đập thủy điện, Chính phủ nước này đã cho xây dựng các Trung tâm quản lý An toàn công trình để theo dõi, giám sát và cảnh báo cho các chủ hồ đập và người dân phía hạ lưu khi có các vấn đề về thiên tai. Quy mô các trung tâm này khá lớn, quản lý và theo dõi cùng lúc đến vài trăm đập với các dạng kết cấu công trình khác nhau.

Các trung tâm giám sát an toàn công trình trên thế giới đã thực hiện hiện đại hóa các thiết bị quan trắc bằng các thiết bị tự động, toàn bộ tín hiệu các thiết bị được kết nối, truyền dữ liệu về một trung tâm để thực hiện đánh giá an toàn công trình một số tính năng như: Sử dụng thông tin từ vệ tinh, Internet, Internet of things, Big Data, kho lưu trữ đám mây và các công nghệ thông tin khác để xây dựng hệ thống quản lý cảnh báo phục vụ thu thập dữ liệu tự động, truyền và lưu trữ, tính toán và phân tích dữ liệu thông minh, hiển thị bản đồ tự động, đánh giá trạng thái, cảnh báo sớm tự động và gửi phát hành thông tin cảnh báo bất thường đến chủ đập.

Các công trình thuộc EVN trên dòng chính sông Đà.

Quản lý an toàn đập, hồ chứa tại Việt Nam hiện nay

Hiện nay, công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa, đặc biệt là các đập, hồ chứa thủy điện luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo các Bộ, Ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ. Nghị định 114/NĐ-CP ngày 04/09/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đã có quy định khá cụ thể và chặt chẽ từ giai đoạn khảo sát, thiết kế đến giai đoạn vận hành công trình; phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra giám sát định kỳ; trách nhiệm của chủ đập trong công tác quản lý vận hành, báo cáo an toàn công trình cùng các phương án bảo vệ đập, hồ chứa…

Nhìn chung, công tác quản lý an toàn công trình của các chủ đập đã có những thay đổi rõ nét cả về nhận thức lẫn hành động trong công tác duy tu bảo dưỡng và theo dõi tình trạng công trình.

Thời gian qua, EVN đã được Chính phủ giao đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện có quy mô đập và hồ chứa lớn, đa số ở các tỉnh phía Tây Bắc - nơi có điều kiện kiến tạo, địa chất phức tạp, thuộc loại nền có cấp động đất lớn nhất Việt Nam. Các công trình thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà do EVN quản lý, vận hành đều là các công trình có quy mô lớn, đập có chiều cao trên 100 m gồm các kết cấu khác nhau: đập đất đá (Hòa Bình-­128m), đập bê tông trọng lực (Sơn La: 138m; Lai Châu: 137m; Huội Quảng: 104m; Bản Chát: 130m) tạo nên tổng dung tích hồ chứa trên toàn hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà khoảng 22,7 tỷ m3 nước.

Ngoài ra, vùng hạ du các công trình này là Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội), nên cả ba công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia và giao Bộ Công an tổ chức bảo vệ an toàn nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, để định kỳ hàng năm đánh giá an toàn các công trình và báo cáo đột xuất về tình trạng an toàn của các Đập và hồ thủy điện trên bậc thang sông Đà để có các kiến nghị kịp thời biện pháp xử lý, khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1563/TTg-KTN ngày 01/10/2012 giao Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành Quyết định thành lập tổ chức tư vấn KH &CN về An toàn thủy điện đối với các công trình thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà (gọi tắt là Hội đồng An toàn bậc thang thủy điện sông Đà). Đây là Hội đồng cấp Quốc gia, quy tụ các nhà khoa học có uy tín, các nhà quản lý đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực như dự báo khí tượng thủy văn, động đất, công trình thủy công, quan trắc công trình, vật liệu xây dựng…

Vì sao cần thành lập Trung tâm kiểm soát an toàn trên bậc thang thủy điện sông Đà?

Với nhiều năm theo dõi và đúc kết từ công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa, Hội đồng An toàn bậc thang thủy điện sông Đà đã khuyến cáo Bộ Công Thương và EVN xem xét thí điểm Trung tâm Kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang sông Đà. Đây là cơ sở quan trọng và có tính pháp lý để EVN tổ chức triển khai bởi Trung tâm kiểm soát an toàn công trình sẽ tạo môi trường làm việc mới cho các cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm, tập trung đào tạo, bồi huấn thành các kỹ sư chuyên trách để cập nhật, xử lý nhanh các số liệu, nâng cao chất lượng báo cáo về an toàn đập… cho các công ty thủy điện.

Qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, ngày 30/03/2021, EVN đã giao Công ty Thủy điện Sơn La thực hiện thí điểm thành lập Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà. Mục tiêu của Trung tâm nhằm quản lý tập trung thông tin kiểm soát an toàn cho các công trình trên cơ sở kết nối tín hiệu các thiết bị quan trắc giám sát công trình về Trung tâm. Thu thập, phân tích đánh giá và xử lý số liệu chuyên nghiệp, đảm bảo tính khách quan, trung thực. Chủ động kiểm tra thực trạng công trình và xử lý đơn giản khi phát hiện các hư hỏng bất thường hoặc xuất hiện các yếu tố bất lợi gây mất an toàn công trình. Tổ chức lập các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình trạng công trình gửi EVN và các cấp có thẩm quyền. Lập các hồ sơ sửa chữa lớn công trình hàng năm, các hư hỏng do bão lũ, giám sát thi công các công trình,... nhằm đảm bảo chế độ làm việc của công trình luôn ở trạng thái như yêu cầu thiết kế.

Trung tâm còn có nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cho các đơn vị trong và ngoài EVN về lĩnh vực quản lý vận hành an toàn đập, hồ chứa nước. Thực hiện các dịch vụ khác có liên quan đến an toàn công trình của các đơn vị ngoài EVN khi có đủ năng lực và phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của EVN.

Với việc thí điểm này sẽ mở đầu cho bước phát triển mới, tạo tiền đề tổ chức kiểm soát chặt chẽ tình trạng công trình, áp dụng các công nghệ mới nhất để giám sát, thu thập tình trạng công trình, thu hút và tạo điều kiện tốt hơn cho lực lượng cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm nghiên cứu đánh giá tình trạng nhằm nâng cao tuổi thọ công trình…

Nói tóm lại, công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa hiện nay đang được Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm, giám sát và chỉ đạo sát sao, nên việc thí điểm thành lập “Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam” là phù hợp và thiết thực, thể hiện trách nhiệm của EVN trong việc đảm bảo phát triển đất nước bền vững và an toàn.

Với diễn biến biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp nên công tác quản lý an toàn đập được EVN đặc biệt chú trọng nên việc thành lập Trung tâm kiểm soát an toàn công trình là công cụ giúp EVN, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ Công Thương và địa phương ra quyết định vận hành hồ chứa linh hoạt, đặc biệt là trong mùa lũ, không những đảm bảo an toàn mà còn đem lại nhiều lợi ích cho công trình.

Th.s Lê Thế Phong - Ban Kỹ thuât Sản xuất (EVN)


  • 15/06/2021 03:40
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 8413