Công nghệ đốt than trộn: Giải bài toán thiếu than cho nhà máy điện

Đề tài “Nghiên cứu công nghệ đốt than trộn của than trong nước khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam” do Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam thực hiện, đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng.

Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam: Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu than cho sản xuất điện tại Việt Nam là khoảng 78 triệu tấn/năm (nguồn cấp than nội địa khi đó thiếu 48 triệu tấn/năm) và đến năm 2030, con số này là 170 triệu tấn/năm, thì than nội địa thiếu 135 triệu tấn/năm.

Lượng than thiếu hụt này sẽ được tính toán để bù đắp bằng than nhập khẩu và giải pháp được Đề tài đưa ra là trộn than trong nước và nhập khẩu nhằm nâng hiệu suất của NMNĐ, giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, giảm lượng chất thải.

Theo nghiên cứu của đề tài, than nội địa cấp cho nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam là than antraxit cám xấu (than tốt nhất cấp cho sản xuất điện là cám 5, còn lại đa phần là cám 6 có độ tro từ 30 - 40%), chất bốc thấp (< 6%), nên rất khó đốt cháy. Than nhập khẩu chủ yếu là than bitum và á bitum, có chất bốc theo mẫu làm việc rất cao (từ 25-40%) nên dễ bốc cháy.

Nếu tính theo lượng than để sản xuất điện là 78 triệu tấn/năm (năm 2020) và 170 triệu tấn/năm (năm 2030) thì nếu nâng hiệu suất NMNĐ thêm 1% đã tiết kiệm được 780.000 tấn than/năm (2020), 1.700.000 tấn/năm (2030), tương ứng tiết kiệm được 78 triệu USD (2020) hay 170 triệu USD (năm 2030).

Đây mới chỉ là tính riêng kinh phí thu được do giảm lượng than tiêu thụ, còn về hiệu quả kinh tế cuối cùng cũng cần xét đến sự chênh lệch giá giữa than nội địa và than nhập khẩu. Để tìm ra công thức trộn than hiệu quả nhất, Nhóm nghiên cứu đề tài đề xuất cần tiến hành nghiên cứu và tổ chức thí nghiệm với nhiều tỷ lệ trộn than khác nhau, ở nhiều công suất phát điện khác nhau, từ đó chọn ra các chế độ vận hành tối ưu và xác định được đầy đủ, chính xác hiệu quả kinh tế đúng của việc nghiên cứu đốt than trộn.

Trao đổi thông tin với các chuyên gia về đề tài này, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho rằng: Đề tài nghiên cứu đưa ra được mục tiêu cụ thể: Giảm tỷ lệ cacbon chưa cháy còn lại trong tro từ 3 - 5%, từ đó nâng hiệu suất của NMNĐ thêm 1 - 1,5%; giảm phụ tải tối thiểu đốt kèm dầu 10%; xác định tỷ lệ trộn tối ưu giữa 2 loại than; xác định những cải tạo thiết bị cần thiết để đáp ứng việc đốt than trộn.

"Nguyên cứu của Đề tài đã gợi mở để EVN có định hướng "giải bài toán" thiếu than cho các nhà máy điện trong tương lai. Nhưng sử dụng than trộn như thế nào để đảm bảo vận hành tin cậy lò hơi, mang lại hiệu quả kinh tế thì cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng và EVN mong muốn Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam tiếp tục hợp tác với EVN, nghiên cứu sâu hơn nữa về vấn đề này" - Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh bày tỏ.


  • 27/04/2016 03:51
  • Xuân Tiến
  • 12999