Công đoàn Điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023: Đồng hành với chuyên môn, chia sẻ khó khăn cùng người lao động

Nhiệm kỳ 2018 – 2023, Công đoàn Điện lực Việt Nam (ĐLVN) đã không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động (NLĐ). Ông Đỗ Đức Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam trao đổi với evn.com.vn về những hoạt động, thành tựu của Công đoàn Điện lực Việt Nam nhiệm kỳ vừa qua.

PV: Trong giai đoạn 2018 - 2023, có nhiều khó khăn và áp lực gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam như dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng toàn cầu... Hoạt động của Công đoàn Điện lực Việt Nam trong bối cảnh đó ra sao, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Hùng: Nhiệm kỳ 2018 - 2023, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội V, nhiệm kỳ 2018 - 2023 Công đoàn Điện lực Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn EVN có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhân sự lãnh đạo chủ chốt, nhiều chủ trương lớn được triển khai theo hướng tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa chi phí, đẩy mạnh khoa học công nghệ, chuyển đổi số... Hoạt động công đoàn theo đó cũng được điều chỉnh để phù hợp với nhiều hoạt động hướng về cơ sở, nhiều nội dung, chương trình thiết thực bám sát các chỉ đạo của Đảng ủy EVN và các chương trình lớn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐVN).

Đặc biệt, biến đổi khí hậu (nắng nóng, lũ lụt), khủng hoảng năng lượng toàn cầu và nhất là đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với EVN, trong đó đoàn viên, người lao động chịu ảnh hưởng rất lớn. Chi phí đầu vào tăng (giá than, khí, dầu) làm tăng chi phí sản xuất điện, trong khi đó giá bán điện bình quân lại giảm. Khi dịch bệnh bùng phát, có những đơn vị phải thực hiện “3 tại chỗ”, người lao động ăn ở tại đơn vị 5 tháng mới được về nhà. Có trường hợp, cả trạm trực bị nhiễm COVID-19 dẫn đến phải điều động nhân lực từ nơi khác đến thay thế,... Trong giai đoạn đó và cho cả đến nay, vấn đề tâm lý, những thách thức trong quá trình công tác của người lao động EVN vẫn là bài toán mà các cấp công đoàn ngành phải đặc biệt quan tâm.

Thêm vào đó, các chủ trương như tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tối ưu hóa chi phí, tái cơ cấu... đang đặt ra cho lãnh đạo chuyên môn và tổ chức công đoàn những vấn đề phối hợp quan tâm giải quyết như sắp xếp lao động, giải quyết lao động dôi dư, vấn đề việc làm, thu nhập, nguồn phúc lợi, hỗ trợ cho người lao động nghỉ hưu trước tuổi và nhiều vấn đề nảy sinh khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn tại các đơn vị.

Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng tặng quà, động viên các cán bộ công nhân quản lý vận hành của Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ nhân dịp Tháng Công nhân năm 2023. Ảnh: Lương Nguyên.

PV: Để chia sẻ, hỗ trợ với đoàn viên, người lao động trước những khó khăn và thách thức trên, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Hùng: Trong thời điểm dịch bệnh, để giảm áp lực tâm lý của người lao động, Công đoàn phối hợp với chuyên môn đã thành lập Tổ tư vấn COVID-19, thành lập đường dây nóng (trực 24/24 giờ) với sự hỗ trợ của các y, bác sĩ có kinh nghiệm để tư vấn, điều trị cho hơn 600 trường hợp. Trước mất mát to lớn của người lao động, Công đoàn mạnh dạn đề xuất nâng mức hỗ trợ cho mỗi cán bộ, công nhân viên mất do COVID-19. Công đoàn cũng đề xuất tăng suất ăn để tăng cường sức khỏe cho người lao động. Tập đoàn đã luôn đồng hành, sát cánh khiến người lao động thêm vững tâm nơi tâm dịch. Trong giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ người lao động ở các đơn vị thực hiện “3 tại chỗ” như nấu cơm cho các ca trực, mua sắm các vật dụng thiết yếu, Công đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn mua sắm trang thiết bị thể thao, sách,... để người lao động giải trí, rèn luyện sức khỏe, phục vụ tốt cho sản xuất, kinh doanh.

Giai đoạn sau, khi EVN gặp rất nhiều khó khăn trong cung ứng điện mùa nắng nóng năm 2023, Công đoàn đã hành cùng với chuyên môn, sắp xếp, bố trí nhân lực, vật lực sẵn sàng trong mọi tình huống, đảm bảo cấp điện trong thời điểm mùa nắng nóng; chủ động dành nguồn lực ưu tiên, chăm lo cho đoàn viên, người lao động tại các đơn vị đang trực tiếp sản xuất, vận hành, quản lý vận hành hệ thống điện để đảm bảo mục tiêu cung ứng điện là ưu tiên hàng đầu, cao nhất, quan trọng nhất.

Thời điểm đó, tất cả các công việc có liên quan hoặc hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động trong hoạt động đảm bảo cung ứng điện đều được ưu tiên giải quyết kịp thời. Việc tuyên truyền và lan tỏa các gương sáng, điển hình tích cực trong việc đảm bảo điện mùa khô năm 2023 cũng được thực hiện tích cực, đồng thời, phản bác và đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự và an toàn tại các đơn vị.

Đặc biệt, việc phát động các phong trào thi đua trong những giai đoạn khó khăn của EVN là điều Công đoàn ĐLVN vô cùng trăn trở, làm sao để các phong trào thi đua đạt được đúng mục đích, ý nghĩa và lại phải gắn chặt với nhiệm vụ chuyên môn, đồng hành cùng chuyên môn vượt khó, đồng thời phải nhận được sự ủng hộ đồng lòng của người lao động. BCH Công đoàn ĐLVN nhận thấy, càng trong khó khăn thì càng phải thi đua và phải làm thi đua một cách hiệu quả, chặt chẽ và phù hợp.

Ông Đỗ Đức Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam - Ảnh: M.Thành

PV: Thưa ông, làm thế nào để các phong trào thi đua luôn được triển khai thiết thực, hiệu quả, bám sát với nhiệm vụ chuyên môn?

Ông Đỗ Đức Hùng: Thời gian qua, Công đoàn ĐLVN và công đoàn các cấp đã phát động nhiều phong trào thi đua đa dạng, thiết thực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn EVN. Nhiều phong trào thi đua đã có sức lan toả mạnh mẽ như: phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ và nghiên cứu khoa học tiếp tục được các đơn vị đẩy mạnh. Phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”; phong trào thi đua “Phụ nữ EVN tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào 10 nghìn sáng kiến trong CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”... đã mang lại những kết quả to lớn, thiết thực. Qua đó nhiều cá nhân, tập thể được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.

Ngoài nỗ lực của cá nhân mỗi đoàn viên, người lao động thì cách thức tổ chức các phong trào thi đua của Công đoàn chính là cơ sở và động lực quan trọng. Công đoàn tạo điều kiện tốt nhất để đoàn viên, người lao động tiếp cận, tham gia thi đua. Hơn thế, mỗi đoàn viên, người lao động khi có sáng kiến, sáng tạo, thành tích trong thi đua đều được khen thưởng kịp thời, từ đó cải thiện thu nhập và làm lợi cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, khi tổ chức các phong trào thi đua, bản thân Công đoàn ĐLVN và các cấp công đoàn trực thuộc đều xác định việc triển khai các phong trào thi đua cần cách thức linh hoạt, phù hợp, dễ hiểu, dễ thực hiện; đảm bảo mục tiêu rõ ràng, nội dung thiết thực, sản phẩm cụ thể và các hướng dẫn về tiêu chí thi đua và khen thưởng phong trào thi đua đều được cân nhắc, bàn bạc, thống nhất rất kỹ trước khi tổ chức, triển khai; đảm bảo thi đua không chỉ có "phát" mà nhất thiết phải "động". Bên cạnh đó, để khơi dậy khả năng sáng tạo và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng đạt thành tích thi đua trong đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn cơ sở luôn bám sát, hỗ trợ tích cực cho người lao động để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao nhất.

Công đoàn Điện lực Việt Nam gắn biển công trình thay thế bánh xe công tác tổ máy H5 Thủy điện Hòa Bình chào mừng Đại hội Công đoàn ĐLVN khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: ĐVCC.

PV: Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh của EVN còn nhiều khó khăn, việc làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng, động viên kịp thời NLĐ sẽ giúp EVN tạo nên sức mạnh đoàn kết nội bộ, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ đề ra?

Ông Đỗ Đức Hùng: Là tổ chức đại diện cho người lao động, theo lẽ đương nhiên, mọi hành động, chủ trương, quyết định, dù lớn hay nhỏ của công đoàn đều phải xuất phát và phục vụ ý chí, nguyện vọng của người lao động.

Các cấp công đoàn cần phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; phải sống trong cuộc sống của người lao động; phải nói tiếng nói chân thành của người lao động.

Minh chứng cho điều này trong nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn ĐLVN và các đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại để nắm bắt tư tưởng NLĐ. Qua đối thoại, nhiều ý kiến góp ý trung thực, thẳng thắn, mang tính xây dựng được đưa ra nhằm giúp các tập thể và cá nhân hoàn thiện hơn; đồng thời, cũng là ý kiến tham khảo để sửa đổi các nội quy, quy chế của đơn vị.

Bên cạnh đó, Công đoàn ĐLVN cũng phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị người lao động cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo đúng quy định. Qua hội nghị, nhiều vấn đề vướng mắc của người lao động được giải đáp, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động rõ ràng hơn, trong đó 37 điểm có lợi cho người lao động, nhiều hơn 2 điểm có lợi so với năm 2019 và có hiệu lực ngay sau khi ký. Ngoài ra, công đoàn các cấp cũng luôn chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động...

PV: Đổi mới hoạt động Công đoàn đã trở thành vấn đề cấp thiết, xin ông cho biết trong nhiệm kỳ mới 2023 – 2028, Công đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tập trung làm tốt công tác này như thế nào?

Ông Đỗ Đức Hùng: Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng đang từng bước đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động. Quá trình tổ chức chỉ đạo cho thấy, nơi nào bố trí cán bộ đúng người, giao đúng việc, phù hợp với năng lực và sở trường, bản thân cán bộ nhiệt tình, sâu sát với cơ sở thì ở đó phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn được phát huy. Vị thế của tổ chức Công đoàn chỉ có thể được khẳng định và thực sự là "chỗ dựa tin cậy" của người lao động khi hoạt động công đoàn không xa rời nhiệm vụ chính trị của tập đoàn, đơn vị. Nội dung hoạt động phải phù hợp, thiết thực, lấy cơ sở làm địa bàn, CNVCLĐ là đối tượng để tổ chức các hoạt động, đồng thời phải có sơ, tổng kết và biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Muốn cho phong trào Công đoàn mạnh cần có cán bộ công đoàn tốt. Trong nhiệm kỳ tới, Công đoàn ĐLVN xác định, các cán bộ công đoàn các cấp cần tiếp tục làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng, động viên kịp thời NLĐ, gần gũi, sâu sát với NLĐ hơn nữa. Không chỉ “lắng nghe” mà cần tìm giải pháp để hỗ trợ, chăm lo và hiện thực hóa những mong muốn, quyền lợi chính đáng của đoàn viên, người lao động.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


  • 29/09/2023 07:00
  • T.Huyền (thực hiện)
  • 7072