Có một nhà máy điện chỉ còn trong ký ức (kỳ 2)

Cuộc chiến nơi biên cương...

Bước vào năm 1979, tình hình biên giới ngày càng căng thẳng. Lào Cai tiếp giáp cận kề với Trung Quốc chỉ có ranh giới rất hẹp là sông Nậm Thị. Hàng ngày đài phát thanh từ Hà Khẩu (Trung Quốc) với công suất cực lớn chĩa về bên Lào Cai tuyên truyền, nói xấu Việt Nam. Trên các đồi núi cao pháo của Trung Quốc dàn trận địa chĩa về Lào Cai, trong khi đó thị xã Lào Cai như một lòng chảo. Nhà máy điện chúng tôi cũng nằm trong lòng chảo đó và là một trọng điểm của vùng biên giới. 

Thấy được tầm quan trọng của nhà máy, lãnh đạo của Bộ Điện Than, tỉnh Hoàng Liên Sơn, Quân khu 2 và Công ty Điện lực miền Bắc liên tục cử các đoàn đến nhà máy kiểm tra, động viên cán bộ công nhân Nhà máy điện phải giữ vững vị trí sản xuất, an toàn trong mọi tình huống. Đồng chí Vũ Lập - Tư lệnh Quân khu trực tiếp đến nhà máy kiểm tra, động viên cán bộ công nhân viên nhà máy. Đại đội tự vệ được phát thêm nhiều súng AK, toàn nhà máy và các gia đình ngày đêm đào hầm trú ẩn và các công sự chiến đấu. Đại đội tự vệ nhà máy còn tham gia cùng dân quân và nhân dân thị xã lập hàng rào dây thép gai dọc theo Sông Nậm Thị để đêm xuống sẽ đóng điện để ngăn ngừa bọn thám báo từ Trung Quốc xâm nhập phá hoại. Với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời” tinh thần đó được quán triệt từ trong Đảng bộ, Đoàn Thanh niên và mọi người đều khí thế sẵn sàng và quyết tâm bảo vệ, vận hành an toàn. Thời gian này mỏ Apatit Lào Cai đang được mở rộng, nhiều máy xúc cỡ lớn được đầu tư ngày đêm dùng điện để sản xuất rất nhiều, mặt khác nhà máy còn có nhiệm vụ phục vụ điện cho hệ thống hàng rào dài hàng chục km dọc sông Nậm Thi để bảo vệ cho thị xã…

Sau Tết năm 1979, không khí chuẩn bị chiến đấu càng được mọi người luôn cảnh giác và sẵn sàng… 5 giờ sáng ngày 17/2/1979 các gia đình hầu như đã tỉnh giấc để chuẩn bị cơm canh cho các cháu đi nhà trẻ.

Lúc này mọi người đều nghe thấy những tiếng ầm ì từ xa xa như tiếng sấm, những tiếng đó ngày càng gần hơn và cấp tập hơn, thế rồi những tiếng nổ lớn chát chúa vang ầm cả thị xã, đạn pháo nổ ầm ầm vào nhà máy…

Ông Nguyễn Văn Kỷ - nguyên Trưởng ca, Thư ký công đoàn Nhà máy điện Lào Cai

Trong làn đạn pháo…

Trung Quốc đã đánh sang ta rồi! Mọi người ở các khu gia đình vội vã bồng bế con cháu còn đang ngái ngủ ra hầm trú ẩn. Lực lượng tự vệ vội vàng vác súng ra các khu công sự chuẩn bị chiến đấu, các đồng chí lãnh đạo nhà máy đã có mặt tại phòng trung tâm và các FX lò máy để chỉ đạo ca vận hành giữ vững vị trí sản xuất. 8 giờ sáng pháo từ phía Trung Quốc tạm dừng, tất cả nam cán bộ công nhân viên chức tập trung trong nhà Ban chỉ huy hội ý cấp tốc nhiệm vụ. Người lo điều hành nhà máy để duy trì dòng điện, người lo sơ tán hàng trăm phụ nữ, người già và các cháu nhỏ. Đến 9 giờ pháo từ các điểm cao phía Trung Quốc lại cấp tập bắn vào thị xã và nhà máy, giữa lúc đó ca vận hành báo cáo: than đốt lò đã gần hết, cần gấp phải tải than lên lò (lúc này mỏ Apatit vẫn đang vận hành với các máy xúc lớn cần tới 500kW mỗi máy). Nhưng khi lái xe ra ga ra để máy xúc thì thì tất cả các máy đều đã bị  pháo Trung Quốc bắn hỏng cả, thế là anh Trung Vân, anh Phiệt (Giám đốc và Bí thư Đảng ủy) anh Lê Đức Tài - Phó giám đốc hô hào rất nghiêm trang: tất cả các đồng chí Đảng viên, Đoàn viên và cán bộ hãy cầm xẻng ra ngay bãi than xúc than vào lò. Lúc này mặc cho đạn pháo vẫn bắn xối xả vào nhà máy, anh Tài yêu cầu nếu pháo bắn vào các sân than thì anh em tạm trú dưới gầm các toa tàu… thế là mấy chục anh em chạy dưới làn pháo ra sân than hối hả xúc từng xẻng than vào bon ke. Anh Tài phân công: “Anh Kỷ lên chạy các băng tải than cho lò”, tôi vội buông xẻng chạy vào băng tải bò ngược lên các mảnh kính bị vỡ. Tôi đã từng là thợ lò nên đã nhanh chóng điều khiển được hai băng tải đưa hàng tấn than vào lò. Lửa vẫn rực hồng trong lò, máy vẫn chạy êm ả dưới làn đạn pháo của quân Trung Quốc không ngừng bắn vào thị xã và nhà máy.

Khoảng hơn 10 giờ thì pháo Trung Quốc bắn đứt đường dây 35kV mạch chính cung cấp điện cho vùng mỏ, nhà máy vẫn vận hành nhưng công suất lúc này chỉ đủ phục vụ cho các thiết bị của nhà máy. Lãnh đạo hội ý gấp, có dừng máy hay không? Nhưng tất cả đều quyết tâm vận hành vì điện lúc này cần cho hàng rào ven sông Nậm Thi để có thể ngăn quân Trung Quốc tràn sang.

Cầu Cốc Lếu bị Trung Quốc phá hủy

11 giờ 30 đây là thời gian nghỉ trưa, thường nhà máy kéo còi cho mọi người trong thị xã tạm nghỉ, nhưng hôm nay giữa lúc chiến tranh này liệu có kéo còi nghỉ? Anh Giám đốc Trung Vân ra lệnh “kéo còi”, một hồi còi dài vang lên khắp vùng biên giới, anh Vân giải thích: kéo còi lúc này là để báo hiệu cho mọi người và các anh bộ đội biết rằng: Nhà máy điện chúng ta vẫn đang vững vàng vận hành! Duy trì dòng điện đến cùng. Sau hồi còi vang vọng đó tức thì làn pháo của Trung Quốc chuyển làn bắn cấp tập vào nhà máy, đạn pháo lúc này không bắn “cầu vồng” như trước mà bắn thẳng, tức thì nghe tiếng nổ cũng đồng thời đạn đã vào nhà máy, đạn pháo lúc này là đạn xuyên khoan. Thế là cả nhà máy rung chuyển, đạn trúng bon ke than, đạn trúng phòng trung tâm, tất cả nhà máy, bụi than mù mịt, đen ngòm. Mấy chục con người chúng tôi miệng đắng ngắt vì thuốc pháo, mặt mũi đen nhẻm vì than. 

Một quả pháo khoan xuyên qua 2 lớp tường dày mỗi lớp 0,5m nằm chềnh ềnh giữa lúc mấy chục con người đang tập trung ở tầng trệt nhà máy. Nhưng may mắn thay, quả đạn không nổ. Nó vẫn còn nóng bỏng vàng chóe. Nếu đạn nổ lúc đó có lẽ chúng tôi không còn và tôi không có cơ hội để hôm nay tôi ngồi viết lại ký ức bi hùng năm xưa. 

Tình hình nhà máy lúc này rất nguy hiểm, đạn pháo bắn xối xả trên nóc phòng điều khiển trung tâm, quanh tường và một số mảnh pháo bắn vào bảng điều khiển. Theo lệnh của Giám đốc, chúng tôi phải ngừng nhà máy cấp tốc, tuy nhiên việc ngừng nhà máy vẫn phải theo đúng quy trình vì mọi người đều nghĩ là phải đảm bảo an toàn cho thiết bị lò, máy để còn chạy lại ít ngày nữa. Tôi cùng anh em tập trung các thao tác ngừng lò máy cấp tốc theo quy trình...

Một sự rất trùng hợp là cách đây 20 năm, ngày 7/11/1959 lúc đó tôi là thợ lò chính được đồng chí chuyên gia lò chỉ định là người được vinh dự châm ngọn lửa đầu tiên để chạy lò, máy; vậy mà giờ đây tôi đang cùng anh em thực hiện thao tác ngừng lò. Thật là đau xót bội phần… Sau 20 năm nhà máy hoạt động, lửa trong lò đã tắt. Nhà máy đã ngừng. Chỉ còn lại sự tĩnh lặng, rất buồn… 

(Còn nữa)


  • 17/02/2022 07:04
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 7557