Có gì đặc biệt ở 2 sản phẩm 'Make in Viet Nam' của EVN?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có hai sản phẩm đạt giải thưởng sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam". Ông Thái Thành Nam – Giám đốc Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) – đơn vị nghiên cứu, phát triển các sản phẩm này, có cuộc trao đổi với evn.com.vn.

PV: Ông có thể cho biết đâu là những đặc điểm nổi bật nhất của 2 sản phẩm vừa được công nhận Make in Việt Nam?

Ông Thái Thành Nam 

Ông Thái Thành Nam: Chúng tôi rất vinh dự đại diện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) có 2 sản phẩm đạt giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam năm 2022. Trong đó, sản phẩm công tơ điện tử thông minh đạt Top 10 sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số; sản phẩm trạm sạc nhanh ô tô điện đạt Top 10 sản phẩm số tiềm năng. Cả 2 sản phẩm đều được nghiên cứu, chế tạo và phát triển từ 100% trí tuệ của chính CBCNV ngành Điện chúng ta.

Sản phẩm công tơ điện tử thông minh được nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay, với 28 chủng loại công tơ điện tử 1 pha, 3 pha, một biểu giá, nhiều biểu giá. Sản phẩm đáp ứng tất cả nhu cầu đo đếm điện năng, phù hợp với tiêu chuẩn đo lường, hợp chuẩn hợp quy của Việt Nam. Đặc biệt, cùng với sản phẩm công tơ thông minh là cả hạ tầng đọc chỉ số công tơ từ xa - đây là chính là nền tảng phục vụ công tác tự động hóa về đo đếm.

Sản phẩm trạm sạc nhanh ô tô điện được nghiên cứu từ năm 2017 và đến nay đã có nhiều tính năng nổi bật như nhiều chế độ sạc, sạc song song 2 vòi cùng lúc, thiết kế theo hướng module hóa, hỗ trợ tiêu chuẩn sạc khác nhau đáp ứng nhu cầu sạc của các dòng xe khác nhau, kết nối cổng thanh toán VNPay, quản lý mạng lưới trạm sạc và trạng thái hoạt động. Trạm sạc xe điện góp phần giảm chi phí nhiên liệu cho người sử dụng xe ô tô; tiết kiệm chi phí khi mua thiết bị ngoại nhập; giảm ô nhiễm môi trường; tạo cơ sở hạ tầng kích cầu cho việc phát triển xe điện...

PV: Thưa ông, hai sản phẩm Make Việt Nam trên mang lại những lợi ích gì cho khách hàng sử dụng?

Ông Thái Thành Nam: Với công tơ điện tử thông minh, đó chính câu chuyện minh bạch hóa và kiểm soát chỉ số công tơ mà khách hàng sử dụng điện rất quan tâm. Với công tơ điện tử thông minh cùng hệ thống đọc chỉ số từ xa, chỉ số công tơ của khách hàng sẽ được cập nhật hàng ngày và chia sẻ trên nền tảng số, khách hàng sử dụng điện có thể giám sát trực tiếp để kiểm soát sự chính xác trong đo đếm.

Bên cạnh đó, hệ thống còn cung cấp cho khách hàng các thông tin như cảnh báo chỉ số bất thường, hỗ trợ khách hàng kiểm soát việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả…

Với trạm sạc nhanh ô tô điện, người sử dụng có thể sạc đầy 80% pin cho ô tô điện trong vòng 15-30 phút tùy theo công suất và tùy theo điều kiện của xe tiếp nhận, giúp rút ngắn thời gian sạc so với trạm sạc bình thường (có thể mất từ 14-20 tiếng cho mỗi lần sạc). Trạm sạc nhanh ô tô điện của EVNCPC rất phù hợp để lắp đặt tại các trạm dừng nghỉ. Hiện nay, sản phẩm đã triển khai lắp đặt trạm sạc cho 13 công ty điện lực thành viên EVNCPC và hợp tác thử nghiệm trạm sạc xe điện kết nối với hệ thống điện mặt trời của Tổng Công ty Dầu Việt Nam.

PV: Thưa ông, để có được thành công của ngày hôm nay, CPCEMEC đã phải trải qua những khó khăn, thách thức gì trong quá trình nghiên cứu, phát triển các sản phẩm?

Ông Thái Thành Nam: Có thể nói, quá trình nghiên cứu, phát triển hai sản phẩm này của CPCEMEC đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là vấn đề kỹ thuật, tiếp cận công nghệ, làm sao sản phẩm đúng chuẩn phục vụ được thị trường; đáp ứng được yêu cầu về quốc tế hóa… Tuy nhiên, xác định ngành Điện phải bằng chính nội lực để chuyển đổi, cải thiện chính mình nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, suốt quá trình triển khai, chúng tôi đã không ngừng nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu. Đặc biệt, người sử dụng, thí điểm sản phẩm ban đầu chính là những CBCNV, là các đơn vị của Tổng công ty Điện lực miền Trung, từ đó chia sẻ những thông tin với tư cách là người sử dụng, để đội ngũ nghiên cứu, chế tạo từng bước điều chỉnh, hoàn thiện. Đến nay, các sản phẩm đã được đưa ra thị trường, được kiểm chứng và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

PV: Kế hoạch của CPCEMEC trong thời gian tới trong việc nâng cấp các sản phẩm, đáp ứng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ là gì?

Ông Thái Thành Nam: Dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng CPCEMEC xác định vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong bối cảnh số hóa toàn cầu, Việt Nam nói chung, EVN nói riêng đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp để các sản phẩm thông minh hơn, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ.

Cụ thể, sản phẩm công tơ điện tử đo xa sẽ đồng bộ với hệ thống lưới điện thông minh (smart Grid) và hướng tới mục tiêu quốc tế hóa, được các tổ chức uy tín trên thế giới công nhận. Đối với trạm sạc nhanh ô tô điện, mục tiêu mà CPCEMEC hướng đến trong tương lai là không chỉ dừng lại ở việc sạc ô tô mà còn có thể trở thành một nguồn điện phát ngược lên lưới; trở thành nguồn điện dự phòng để hệ thống điện có thể huy động trong những thời điểm cần thiết.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!


  • 22/12/2022 06:52
  • Minh Tâm (thực hiện)
  • 5054