Chuyện mở đường, dẫn điện đến ngôi làng trên đỉnh núi Pờ Yầu

Đường lên Pờ Yầu mùa này tuyệt đẹp. Những cây cổ thụ xoè tán che mát cả cung đường, hai bên sườn đồi lúa chín nhuộm vàng cả một góc trời.

Ánh sáng về trên đỉnh núi

Làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai nằm chót vót trên đỉnh núi Đẹ Đọ, bốn bề là những cánh rừng nguyên sinh của đại ngàn. Dù chỉ cách trung tâm xã hơn 10km, thế nhưng ngày trước, các cán bộ xã mỗi khi có việc muốn vào làng tuyên truyền phải đi mất nửa ngày đường. Cơ sở vật chất hạ tầng nghèo nàn, cuộc sống của bà con nơi đây bị cái nghèo cái đói “bủa vây".

Thấu hiểu được những khó khăn của người dân, cùng với quyết tâm “không để Pờ Yầu bị bỏ lại phía sau”, năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai triển khai xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.

Công ty Điện lực Gia Lai đã tiên phong vượt núi mở đường “cõng điện” lên Pờ Yầu, đưa ánh sáng về cho đồng bào với tổng số vốn hơn 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, con đường bê tông độc đạo nối từ Tỉnh lộ 666 lên đỉnh Pờ Yầu cũng được xây dựng với kinh phí 15 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh đã mở ra một “trang mới” cho ngôi làng trên đỉnh núi.

Ngược thời gian nhiều năm về trước, anh Nguyễn Hữu Ảnh, nhân bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng nhớ lại, ngày xưa, cư dân làng Pờ Yầu hầu như sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của người làng chủ yếu tự cung, tự cấp. Không kết nối được với xã hội bên ngoài nên cuộc sống của họ rất lạc hậu, khó khăn, thiếu thốn đủ bề.

Hồi ấy, muốn vào được làng, chỉ có một tuyến đường đất độc đạo xuyên rừng nhão nhoét bùn đất sau những trận mưa. Hai bên vực sâu thăm thẳm, có đoạn lên cao dốc đứng, có đoạn dốc trượt dài khiến việc di chuyển rất khó khăn. Mỗi lần các cán bộ ở xã, hay lực lượng bảo vệ rừng của công ty có việc vào làng để tuyên truyền vận động bà con, thì cứ xác định đi mất nửangày đường.

“Thế nhưng, nhờ sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương mà cuộc sống của người dân làng Pờ Yầu nay đã bước sang “trang mới”. Một tuyến đường bê tông từ xã chạy thẳng về đến tận làng, cơ sở vật chất điện, đường, trường trạm… được xây dựng khang trang, trẻ em được đến trường học, cuộc sống của người dân khấm khá lên từng ngày”, anh Ảnh chia sẻ.

Ông Lê Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang nhớ lại: “Đã có những trường hợp người làng bị bệnh nặng, thanh niên trong làng phải vượt núi, băng rừng cáng bệnh nhân ra trạm y tế xã hay ra huyện, nhưng đáng tiếc khi ra đến nơi thì đã muộn. Thầy cô cắm làng, bám lớp phải ở cả tuần mới về được. Con đường lên núi bằng đất bé tẹo, trơn trượt, gồ ghề, nên việc thông thương của bà con rất khó khăn. Nông sản của dân làng làm ra thường bị tiểu thương ép giá”.

Ông Lợi cho biết thêm, nhiều năm trước đã từng có 2 đơn vị vào làng Pờ Yầu lắp hệ thống pin mặt trời,nhưng cũng chỉ sử dụng được vài năm và cũng chỉ được vài hộ có điện thắp sáng. Cho đến khi Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng đoàn công tác đến thăm làng, ở lại qua đêm. Sau chuyến công tác này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp và đi đến quyết định bố trí nguồn kinh phí làm con đường nối trung tâm xã Lơ Pang đến làng Pờ Yầu. Con đường bê tông một làn xe, dài 7,4km nhưng vốn đầu tư đến 20 tỷ đồng do phải xẻ núi, băng rừng, mở rộng con đường mòn lâu nay nên rất tốn công, tốn sức.

Cuộc sống khởi sắc

Cuối năm 2020, con đường hoàn thành trong niềm vui khôn tả của dân làng Pờ Yầu. Trong thời gian này, Công ty Điện lực Gia Lai cũng xây dựng đường điện dài khoảng 20km nối từ xã Hà Ra, huyện Mang Yang vào. Thành quả này đã mang dòng điện thắp sáng vùng khó khăn, góp sức giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tiền điện của làng mỗi tháng cũng chỉ có vài triệu đồng.

Làng Bờ Yâu nằm trên đỉnh núi Đẹ Đọ, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người làng có cuộc sống ổn định. 

Những ngày cuối tháng năm 2023, chúng tôi có dịp ghé thăm làng Pờ Yầu. Làng căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đã bao bọc, che chở nhiều cán bộ cách mạng, nhiều thanh niên tham gia làm du kích. Pờ Yâu nay đã đổi thay. Từ trung tâm xã Lơ Pang, tuyến đường bê tông phẳng lì trải dài lên tận đỉnh núi xoá tan bao cách trở. Đường lên Pờ Yầu mùa này tuyệt đẹp. Những cây cổ thụ xoè tán che mát cả cung đường, hai bên sườn đồi lúa chín nhuộm vàng cả một góc trời. Trên đường làng trẻ em tíu tít dắt tay nhau đến trường, lúa thóc phơi đầy sân.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Teo - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Pờ Yầu phấn khởi: “Trong làng có nhiều hộ thu nhập 70-80 triệu đồng/năm. Nhà mình cũng thế. So với trước đây, cuộc sống bà con đỡ khổ hơn rất nhiều. Trẻ con được đi học, hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Các cháu học bậc THCS, đầu tuần được phụ huynh chở xuống núi ở nội trú, cuối tuần đón về. Trong làng, hiện đã có 3 cháu học lên bậc THPT”.

“Vui mừng nhất là khi con đường giao thông nối từ trung tâm xã lên tận làng. Việc đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, không còn bị cảnh ép giá hay mua hàng giá cao. Nhiều gia đình đã làm được nhà sàn với kinh phí từ 150 đến 200 triệu đồng. Chúng tôi vẫn mong thêm sự trợ giúp của chính quyền. Mong mở thêm các lớp dạy nghề nông thôn như trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy móc để có thêm điều kiện cải thiện đời sống. Đồng thời, cũng cần thêm đất cho hơn 10 hộ dân muốn tách hộ”, vị Trưởng thôn bày tỏ.

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: “Đỉnh Pờ Yầu là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Ba Na, còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Thông qua các hoạt động, chúng tôi mong muốn giới thiệu tới bạn bè trong và ngoài tỉnh về địa danh Pờ Yầu - ngôi làng nằm trên đỉnh núi với khung cảnh hùng vĩ. Đây chính là tiềm năng để huyện Mang Yang hướng đến phát triển du lịch sinh thái, xóa đói giảm nghèo cho ngôi làng".

Link gốc


  • 06/02/2024 03:55
  • Theo nguoiduatin.vn
  • 5056