Chuyên gia cảnh báo về đảm bảo an ninh năng lượng

Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng thiếu hụt nguồn điện trong giai đoạn tới do nhiều dự án điện bị chậm tiến độ. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo và đưa ra những giải pháp nào cho EVN?

Sẽ thiếu hụt nguồn điện

Hiện nay, EVN chỉ còn sở hữu khoảng 60% tỷ trọng công suất nguồn toàn hệ thống, bao gồm cả các công ty cổ phần, các tổng công ty phát điện. Theo lộ trình, đến năm 2020, tỉ lệ này giảm xuống còn khoảng 52%; đến năm 2025 là 30% và năm 2030 còn 18%. Vì vậy, vấn đề đảm bảo cung ứng điện cho đất nước phụ thuộc rất lớn vào tiến độ triển khai các dự án nguồn điện mới, khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện do các chủ đầu tư khác. Bộ Công Thương cho biết, tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2030 là khoảng 85.500 MW, thấp hơn so với dự kiến khoảng hơn 15.200 MW. 

“Tại sao Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn, nhưng không có nhà đầu tư vào ngành Điện? Bởi đây không phải là “miếng bánh ngon”, Việt Nam đang sử dụng điện rất lãng phí” - TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu vấn đề.

(Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh đó, hệ thống điện Việt Nam đã và đang có sự tham gia ngày càng lớn của năng lượng tái tạo. Đến 30/6/2019, có tổng số gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 4.460 MW bổ sung vào hệ thống điện quốc gia. Trong bối cảnh này, đây là nguồn điện rất quý giá, nhưng điện mặt trời cũng có mặt trái là sự không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết và khó dự báo chính xác. Thực tế, do công suất phát có thể thay đổi từ 60-80% chỉ trong 5-10 phút, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) luôn phải khởi động nhiều tổ máy ở các nhà máy điện truyền thống để dự phòng nóng cho điện mặt trời, gây khó khăn và tăng chi phí trong công tác vận hành. 

Bên cạnh đó, theo TS Trần Đình Thiên: “Chúng ta hân hoan về giải pháp cứu cánh đó là điện mặt trời nhưng cũng cần làm rõ những rủi ro về vận hành, rủi ro về giá của loại hình nguồn điện này trong hệ thống điện. Đơn cử, giá điện mặt trời đang được tính với giá 9,35 cent/kWh, mà chưa bao gồm các chi phí truyền tải và phân phối. Nếu tính đúng, tính đủ thì giá thành chắc chắn còn cao hơn nhiều".

Cần xem xét ở cả cung và cầu

Đề xuất giải pháp khắc phục thiếu hụt nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, thời gian tới cần phải xem xét từ cả 2 phía: Cung cấp điện và sử dụng điện. Nhà nước, Bộ Công Thương phải có giải pháp mang tính hệ thống, không để tình trạng sử dụng điện lãng phí để rồi phía cung phải “nai lưng” ra đáp ứng.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Dăng Doanh, EVN cần sớm báo cáo Chính phủ để kịp thời có giải pháp trong điều kiện nguồn điện sẽ không tăng nhiều, nhưng nhu cầu điện vẫn tăng trưởng rất cao hằng năm, đặc biệt là phục vụ cho sự phát triển công nghiệp ở khu vực miền Nam. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nêu ý kiến: Việt Nam cần quan tâm đến chiến lược phát triển năng lượng, trong đó chú trọng đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cường độ sử dụng năng lượng ở Việt Nam được xếp vào nhóm cao nhất trong khu vực và thế giới. Cụ thể, để làm ra 1 đơn vị GDP, Việt Nam phải tiêu tốn từ 1,6 - 1,8 đơn vị điện, trong khi các nước phát triển tạo ra được 1 đơn vị GDP chỉ cần 1 và dưới 1 đơn vị điện.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng của các chuyên gia, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, EVN đã chủ động báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành để có giải pháp đảm bảo điện trong thời gian tới, đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp, chính sách, cơ chế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Hiện nay, Tập đoàn đang phối hợp với Bộ Công Thương, chính quyền các địa phương vận động doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) và lắp đặt điện mặt trời áp mái. 


  • 04/07/2019 08:07
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 11694