Chuyển đổi số - EVN tạo bước đi đột phá

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được đánh giá là một trong nhưng doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và các đối tác.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Năm 2021, với việc thực hiện chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, EVN đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động. EVN đã triển khai phần mềm Digital Office đến đơn vị cấp 4; ban hành 27.000 mã định danh điện tử để các đơn vị gửi/nhận văn bản trên trục liên thông văn bản Quốc gia; đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo điều hành (BI); hoàn thành xây dựng ứng dụng phục vụ người lao động (SmartEVN); tổ chức hàng nghìn cuộc họp trực tuyến, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trên các công trường xây dựng, EVN và các đơn vị thành viên đã triển khai áp dụng thí điểm các module quản lý hồ sơ điện tử, quản lý tiến độ, nhật ký thi công; hệ thống camera giám sát trên công trường được tích hợp những ứng dụng thông minh như: nhận diện vân tay, khuôn mặt, biển số xe. Các đơn vị cũng đã bước đầu đã hoàn thành ứng dụng AI và mô hình trí tuệ nhân tạo tự động kiểm tra, phát hiện bất thường, kiểm soát công trường, chất lượng công trường từ xa; ứng dụng các công nghệ UAV, BIM, 3D trong khảo sát, thiết kế…

EVN ra mắt hệ sinh thái số EVNCONNECT - bước tiến vượt bậc trên lộ trình chuyển đổi số

Trong hoạt động sản xuất, các đơn vị cũng đã ứng dụng QR code để số hóa và thiết lập cơ sở dữ liệu tài sản, thiết bị, đây là cơ sở để triển khai các dịch vụ cho kiểm tra, giám sát và bảo trì bảo dưỡng thiết bị. Nhiều đơn vị đã triển khai thử nghiệm ứng công nghệ AI trong xử lý và nhận diện hình ảnh để giám sát tuyến đường dây, các vị trí cột trọng yếu hay sạt lở; sử dụng UAV trong kiểm tra định kỳ và hành lang lưới điện, trạm biến áp không người trực; ứng dụng hiện trường (Digital Workforce) cho khối phân phối và truyền tải phục vụ công nhân trên hiện trường, rút ngắn thời gian xử lý sự cố, giao tiếp trực tuyến tại hiện trường với trung tâm điều hành,...

Hạ tầng viễn thông và CNTT đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số cũng được tập trung triển khai với 5 nhiệm vụ trọng tâm: thiết lập hệ thống điện toán đám mây (EVN’s Cloud); triển khai trục tích hợp và quản trị dữ liệu dùng chung ESB/MDM; xây dựng kiến trúc dữ liệu và cơ sở dữ liệu dùng chung; lựa chọn và xây dựng kiến trúc nền tảng ứng dụng (Platform); xây dựng trung tâm an ninh mạng (SOC)…

Mang lại lợi ích cho khách hàng

Đặc biệt, năm 2021, EVN tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điện trên các nền tảng số. Tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện và các hồ sơ theo phương thức điện tử đạt 97,89%, tăng 20,32% so với năm 2020. Các tổng công ty điện lực triển khai các phương thức thanh toán tiền điện mới mang lại thuận lợi cho khách hàng như QRCode, Mobile Money; nâng cấp website và App CSKH, ứng dụng AI trong công tác chăm sóc khách hàng... Trong đó, việc kết nối thanh toán qua ứng dụng Mobile Money tăng thêm tiện ích và thuận lợi cho các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt các khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng vẫn có thể thanh toán tiền điện theo hình thức không sử dụng tiền mặt.

Đặc biệt, vừa qua, EVN đã ra mắt Hệ sinh thái số EVNCONNECT, trong đó kết nối, hội nhập với các nền tảng số của quốc gia, các nền tảng số của các ngành… Điển hình là việc các dịch vụ điện lực kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ mang lại sự thuận lợi, đơn giản cho khách hàng, khi các loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân kèm theo Giấy đề nghị mua điện (như giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu) được thay thế bằng các thông tin về số định danh cá nhân của công dân, chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, nơi ở hiện tại, thông tin chủ hộ, số sổ hộ khẩu… trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. EVN cũng tiên phong trong kết nối hóa đơn điện tử (E-Invoice) và truyền nhận dữ liệu với Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế.

Ông Nguyễn Văn Phụng – Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, với gần 30 triệu khách hàng, từ doanh nghiệp đến hộ gia đình và cá nhân, EVN đã có có những bước tiến ngoạn mục trong ứng dụng CNTT. Hiện nay, EVN đã chuyển sang hóa đơn điện tử thành công và là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây là một hình mẫu đáng được học tập, đáng được biểu dương.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ở góc độ người tiêu dùng, hệ sinh thái số của EVN giúp người dân không phải đến các cơ sở giao dịch để làm thủ tục các dịch vụ điện, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí in ấn hồ sơ, giấy tờ. Có thể nói, EVN đã nhanh nhạy để giúp cho công tác quản lý của doanh nghiệp hiệu quả hơn cũng như phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, với hơn 29 triệu khách hàng sử dụng điện, EVN là một môi trường lý tưởng, tiềm năng cho các đối tác có thể phối hợp, gia tăng các dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân, thu hẹp “khoảng cách số” giữa khu vực thành thị/nông thôn và là tiền đề vững chắc góp phần mang lại thành công trong việc triển khai chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.


  • 08/02/2022 10:00
  • Nghi Viên
  • 11105