Chuyển chủ thể hợp đồng vay vốn từ EVN sang EVN GENCO: Bước tạo đà cho cổ phần hóa

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa ký quyết định chuyển chủ thể hợp đồng vay vốn từ EVN sang cho 3 tổng công ty phát điện (EVN GENCO), góp phần minh bạch hóa tài chính, tạo đà cổ phần hóa các GENCO trong những năm tới.

Nâng cao  trách nhiệm…

Ông Nguyễn Khắc Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (EVN GENCO 1) cho biết, theo Quyết định số 3023/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 1/6/2012 về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1, EVN có trách nhiệm chuyển giao quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các công ty TNHH MTV, công ty cổ phần; chuyển giao các công ty hạch toán phụ thuộc, Ban quản lý dự án; các dự án đầu tư có liên quan từ EVN về Tổng công ty Phát điện 1; Giao vốn điều lệ cho Công ty mẹ theo quy định sau khi có sự thống nhất của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo chuyển đổi chủ thể hợp đồng vay vốn từ EVN về các tổng công ty phát điện.

“Như vậy, EVN đã chuyển chủ thể hợp đồng vay vốn về đúng chủ đầu tư, phù hợp với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và phù hợp với quy định trong hợp đồng đầu tư xây dựng”, ông Nguyễn Khắc Sơn khẳng định.

Đồng quan điểm trên, ông Ngô Việt Hải – Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 (EVN GENCO 2) cho rằng, việc chuyển chủ thể hợp đồng vay vốn còn góp phần làm minh bạch hóa tài chính, theo nguyên tắc, người nào vay người đó phải trả. Sau khi được thành lập, các hợp đồng vay vốn cho các dự án điện của  EVN GENCO 2 đều do Tập đoàn đứng tên vay, sau đó cho EVN GENCO 2 vay lại. Ở chừng mực nào đó, điều này làm giảm áp lực và trách nhiệm của chủ đầu tư là EVN GENCO. Vì vậy, việc chuyển chủ thể vay đồng nghĩa với việc nâng cao trách nhiệm của EVN GENCO với các khoản vay của mình, giảm chi phí trong việc cho vay lại và giảm chi phí quản lý trung gian...

Tuy nhiên, theo các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 1/6/2012 về việc thành lập 3 Công ty mẹ - gồm Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3, với các khoản vốn vay nước ngoài, Tập đoàn có trách nhiệm triển khai các thủ tục liên quan đến bảo lãnh các dự án đầu tư của các tổng công ty phát điện trong vòng 3 năm kể từ khi tổng công ty chính thức đi vào hoạt động. Đồng thời, một số dự án điện có tổng vốn đầu tư lớn, với giá cố định công nghệ bình quân cao, EVN vẫn là chủ thể hợp đồng vay vốn (ví dụ Dự án Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát). Đây được xem là bước chuẩn bị, tạo đà cổ phần hóa các EVN GENCO trong những năm tới.

Trong thời gian tới, việc ký kết hợp đồng tín dụng cho các dự án điện sẽ do EVN GENCO trực tiếp thực hiện - Ảnh: Ngọc Tuấn

Khó khăn trong thu xếp vốn

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Sơn, việc chuyển chủ thể hợp đồng vay vốn từ EVN về các EVN GENCO cũng tạo ra những khó khăn lớn trong thu xếp vốn, bởi các EVN GENCO mới được thành lập, chưa tạo được uy tín cũng như sự tín nhiệm của các tổ chức tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước. “Về mặt tâm lý, các ngân hàng vẫn muốn hợp tác với EVN để đảm bảo nguồn vốn cho vay”, ông Nguyễn Khắc Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, khi các hợp đồng vay vốn chuyển sang EVN GENCO thì chủ thể nợ của ngân hàng là EVN GENCO, đồng nghĩa với số nợ trên vốn chủ sở hữu của các EVN GENCO vì thế cũng tăng lên. Hiện nay, hệ số nợ tại EVN GENCO 1 là 3,76, trong khi theo quy định, số nợ trên vốn chủ sở hữu không được vượt quá 3 lần mới được tiếp tục vay vốn. Dự kiến, số vốn cần bổ sung để tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bằng 3 của EVN GENCO 1 là 3.468 tỷ đồng. Theo đó, hướng giải quyết của EVN GENCO 1 là tái cấu trúc các hợp đồng vay vốn, tức là lấy nguồn vốn vay của các hợp đồng dài hạn trả nợ các hợp đồng ngắn hạn, đồng thời tiếp nhận các dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành về EVN GENCO 1 để tăng tổng giá trị tài sản. Đối với các dự án có nguồn vốn vay nước ngoài và vốn đối ứng trong nước lớn, EVN GENCO 1 vẫn cần có sự bảo lãnh của Chính phủ và EVN.

Thuận lợi hơn so với EVN GENCO 1 và EVN GENCO 3, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của EVN GENCO 2 hiện nay là 1,93. Tổng giám đốc EVN GENCO 2 – ông Ngô Việt Hải cho rằng, đây được xem là điều kiện cơ bản của EVN GENCO 2 trong quá trình thu xếp vốn.

Tuy nhiên, theo phương pháp xác định giá phát điện và thực tế đầu tư nguồn điện hiện nay, các hợp đồng vay tín dụng vó thời gian khoảng 10 năm. Trong khi đó, hoạt động của nhà máy điện có vòng đời từ 25 - 40 năm, dòng tiền ban đầu từ khi vận hành cho đến 10 năm đầu trả nợ không đủ bù đắp chi phí.

Như vậy, với các dự án có tổng mức đầu tư cao sẽ tạo áp lực phải trả gốc và lãi vay rất lớn đối với các EVN GENCO trong vai trò là chủ thể. Đứng trước áp lực này, buộc EVN GENCO 2 phải năng động hơn, tìm mọi cách sớm trả nợ, đồng thời tìm kiếm nguồn vốn vay để tiếp tục đầu tư cho các dự án mới.
 

Theo ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc EVN, hiện, EVN đang tái cấu trúc các khoản nợ của 3 EVN GENCO, thông qua chương trình làm việc với các ngân hàng trong nước về chuyển chủ thể hợp đồng vay, kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi suất... Đồng thời, EVN sẽ phát hành trái phiếu cho các EVN GENCO vay lại, đảm bảo mục tiêu lành mạnh hóa tài chính trong thời gian đầu tiên sau khi tiếp nhận đầy đủ hợp đồng tín dụng từ EVN.

 


  • 22/09/2014 04:33
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3847


Gửi nhận xét