Chuẩn hóa, số hóa, xây dựng tài sản tri thức

Đó là những mục tiêu quan trọng trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Trưởng ban Tổ chức và Nhân sự EVN Trần Việt Anh nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực.

Phóng viên (PV): Đối với EVN, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực (ĐT PTNNL) có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Việt Anh: ĐT PTNNL là một trong những hoạt động có vai trò và ý nghĩa to lớn trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Trước tiên, sẽ giúp mỗi CBCNV nâng cao năng suất lao động, từ đó nâng cao năng suất lao động toàn EVN. Ở góc độ quản lý, nhân sự giỏi chính là “cái khiên” bảo vệ, giúp EVN tự tin hơn trước những biến động kinh tế, xã hội. 

Ngoài ra, khi sở hữu đội ngũ nhân sự chất lượng cao, EVN sẽ tăng lợi thế cạnh tranh, nâng cao được tính ổn định và năng động. Thực hiện tốt công tác này còn giúp cho EVN dễ dàng tiếp cận, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, những kiến thức về quản lý doanh nghiệp hiện đại. Chính vì lẽ đó, đây là công tác thường xuyên, liên tục và rất được quan tâm trong toàn Tập đoàn. Với đích đến là EVN trở thành một doanh nghiệp phát triển bền vững, một tổ chức có văn hoá học tập hiệu quả, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay. 

Ông Trần Việt Anh

PV: Xin ông cho biết kết quả nổi bật trong công tác ĐT PTNNL của EVN những năm gần đây?

Ông Trần Việt Anh: Công tác ĐT PTNNL của EVN đã được xây dựng nề nếp, đem lại cơ hội học tập và phát triển cho mỗi CBCNV. Tập đoàn và các đơn vị đã tập trung nhiều hơn vào các chương trình đào tạo trọng điểm, đáp ứng kịp thời việc trang bị kiến thức phục vụ các mục tiêu sản xuất - kinh doanh trong năm.

Đặc biệt, chương trình đào tạo cán bộ quản lý dần được hoàn thiện, trang bị kiến thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến cho đội ngũ quản lý các cấp, xây dựng lực lượng kế cận đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục. Giữa các thế hệ trong các chương trình đào tạo CBQL gần đây, EVN tăng thời lượng chia sẻ kinh nghiệm áp dụng vào thực tế của các doanh nghiệp trong và ngoài EVN.

Chương trình đào tạo kỹ sư tài năng của EVN đã thành công trong việc thu hút và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề án đào tạo chuyên gia cũng đã được phê duyệt và triển khai thực hiện, trong đó khung năng lực các vị trí chuyên gia đã hướng đến những chuẩn mực ngang tầm khu vực và quốc tế. 

Không chỉ có vậy, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong việc đào tạo, góp phần tiết giảm chi phí và bước đầu thay đổi văn hóa học tập của người lao động. Điển hình, với phần mềm E-Learning được triển khai từ tháng 11/2018 đến nay, CBCNV đã bắt đầu hình thành thói quen tự học mọi lúc, mọi nơi, công tác đào tạo không bị gián đoạn kể cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp 2 năm vừa qua.

PV: EVN đang có những lợi thế và khó khăn gì trong công tác ĐT PTNNL, thưa ông?

Ông Trần Việt Anh: Nói về thuận lợi, có thể khẳng định, lãnh đạo EVN nói chung và các đơn vị trực thuộc nói riêng, đều dành sự quan tâm lớn cho công tác này; liên tục đa dạng hóa các hình thức đào tạo, từ đào tạo trực tiếp đến trực tuyến; hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước… Qua đó, người EVN đã tiếp cận được với công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến trên thế giới. 

Để hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược phát triển EVN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN cần có một đội ngũ năng động, sáng tạo, có trình độ chuyên môn cao, làm chủ công nghệ, có khả năng thích ứng nhanh, giỏi ngoại ngữ để sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này cũng đặt ra những thách thức lớn trong công tác này, đặc biệt trong bối cảnh EVN đang chuyển đổi số mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, EVN cũng phải đối mặt với áp lực tăng năng suất lao động, trong khi lực lượng lao động đang bị già hóa với tốc độ nhanh hơn; áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường lao động, đặc biệt là việc tuyển dụng lao động có tay nghề giỏi, trình độ cao. Sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, chuyển dịch cơ cấu năng lượng cũng gây áp lực lớn đối với EVN trong việc kịp thời tuyển dụng hoặc trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mới cho lực lượng lao động…

PV: Những mục tiêu trọng tâm trong công tác ĐT PTNNL (giai đoạn đến năm 2025) của EVN là gì, thưa ông? 

Ông Trần Việt Anh: Tập đoàn đã đề ra mục tiêu tổng quát với 3 mục tiêu chính là (1) Chuẩn hóa: tiếp tục chuẩn hoá năng lực nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; (2) Số hóa: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong đào tạo, xây dựng môi trường học tập hiện đại, để hỗ trợ thúc đẩy văn hóa học hỏi chủ động, nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí đào tạo; (3) Xây dựng tài sản tri thức: Xây dựng hệ thống tài sản tri thức, biến tri thức, kinh nghiệm cá nhân thành tài sản của doanh nghiệp, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại, từng bước phổ biến kiến thức chuyên gia thành kiến thức phổ thông, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

PV: Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, EVN đề ra những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Trần Việt Anh: Trước tiên, để hướng đến mục tiêu Chuẩn hóa, EVN tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn hóa tiêu chuẩn đánh giá công tác đào tạo, PTNNL, điều chỉnh các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đào tạo của CBCNV. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá trách nhiệm của các đơn vị trong việc sàng lọc, lựa chọn học viên, ứng viên chuyên gia các chương trình đào tạo...

Với mục tiêu Số hóa, Tập đoàn sẽ tập trung hoàn thiện các phần mềm HRMS, E-learning, đồng thời tăng cường số lượng và chất lượng bài giảng (đơn giản hóa, dễ học, dễ nhớ).

Cuối cùng, để xây dựng Tài sản tri thức, EVN sẽ tập trung xây dựng kho tài liệu các bài giảng đã được chuẩn hóa, ngân hàng câu hỏi, tài liệu tham khảo… và chia sẻ chung trong toàn EVN; sử dụng đội ngũ chuyên gia xây dựng các chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy chuyên sâu, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích người lao động chia sẻ kiến thức chuyên môn trong từng lĩnh vực. 

Ngoài ra, EVN cũng thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung, phương thức ĐT PTNNL; xây dựng hệ thống truyền thông song hành cùng các hoạt động ĐT PTNNL để đảm bảo thông tin đầy đủ, minh bạch về các chương trình ĐT PTNNL, tạo môi trường thúc đẩy văn hóa học tập trong toàn Tập đoàn. 

Tuy nhiên, để làm được những điều này, tôi rất mong khối tổ chức nhân sự của các đơn vị thành viên EVN sẽ phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, xây dựng và trau dồi tư duy thiết kế, tư duy phản biện, để đưa các sáng kiến, đổi mới trong công tác đào tạo, hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng đều trong toàn EVN.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! 
 


  • 09/10/2022 10:28
  • Theo Tạp chí Điện lực số quý III/2022
  • 5796