Chủ động điều tiết các hồ chứa thủy điện đã đầy nước để sẵn sàng đón lũ

Đó là chỉ đạo của ông Trần Quang Hoài – Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai tại cuộc họp với các Bộ, ngành về việc chủ động ứng phó với bão số 12. Cuộc họp diễn ra sáng 9/11.

Ông Trần Quang Hoài phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Lúc 8h sáng nay, bão cách bờ biển Bình Định - Khánh Hòa 450km với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo, do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh. Từ đêm nay (9/11), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11.

Từ đêm 9/11 đến 12/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến phía Bắc Khánh Hòa có mưa từ 200-400mm; Quảng Bình, phía Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên mưa từ 100-200mm.

Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, dự báo khoảng đêm 11/11 đến rạng sáng 12/11, một áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 13 và đi vào Biển Đông. Khoảng ngày 14/11, bão số 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Bộ. Theo nhận định, bão số 13 sẽ đạt cường độ cấp 11 trên Biển Đông.

Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai lưu ý, các tỉnh miền Trung không chỉ ở tâm thế ứng phó với bão số 12, mà còn chuẩn bị tinh thần ứng phó với bão số 13. Trong đó, bão số 12 được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận - khu vực này trước đó chưa chịu tác động nhiều bởi mưa bão nên người dân có thể sẽ có tâm lý chủ quan.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. Đối với các hồ đã đầy nước, cần chủ động điều tiết để đón lũ, kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định. Tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các trọng điểm đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai ven biển, đặc biệt là các vị trí bị hư hỏng, do mưa lũ vừa qua để kịp thời phát hiện và xử lý khi có tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại. Chuẩn bị sẵn sàng vận hành công trình tiêu thoát nước khi có mưa lớn để bảo vệ sản xuất, đề phòng ngập úng khu vực đô thị; hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhất là các khu vực chăn nuôi tập trung. Tăng cường dự báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp tình trạng diễn biến của bão để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh.


  • 09/11/2020 01:00
  • Huyền Thương
  • 3566