Chia sẻ của người xây dựng đường dây tải điện năm xưa

Là người phụ trách nhiều công trình xây dựng đường dây truyền tải điện, ông Trần Viết Ngãi – Nguyên Phó tổng giám đốc EVN chia sẻ về những năm tháng “nếm mật nằm gai”, rong ruổi trên những tuyến đường dây truyền tải điện từ Bắc vào Nam .

Nhớ lại những công trình đường dây truyền tải điện đã tham gia, ông Trần Viết Ngãi không thể quên được công trình đường dây 220 kV Vinh – Đồng Hới. Lúc đó là năm 1982, ông đang làm Tổng giám đốc Công ty Xây lắp Đường dây và Trạm 5. Đường dây 220 kV Vinh – Đồng Hới có chiều dài 180 km, phải hoàn thành trong vòng 2 năm.

Mọi việc diễn ra suôn sẻ, chỉ đến giai đoạn hoàn thiện thì phát sinh khó khăn. Đó là, làm thế nào để kéo dây qua sông Gianh mà không dính nước mặn từ cửa biển? “Đây thực sự là vấn đề làm tôi đau đầu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng tôi đề xuất ý tưởng mượn thuyền của bà con ngư dân gần đấy, sau đó dùng luồng neo các thuyền lại với nhau. Cuối cùng Công ty đã huy động hàng trăm chiếc thuyền đánh cá, sử dụng hàng ngàn cây luồng neo các thuyền lại thành cầu bắc qua sông, kéo dây đi trên thuyền không bị dính nước mặn. Khi kéo được sợi dây đầu tiên qua sông, anh em công nhân reo hò vui sướng vì đã vượt qua được khó khăn”, ông Ngãi chia sẻ.

Ông Trần Viết Ngãi - Phó Trưởng Ban chỉ đạo công trình đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam, Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3 đang giới thiệu về thiết bị an toàn lao động với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, đối với ông Ngãi, gian nan vất vả nhất chính là việc thi công đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 (giai đoạn 1992-1994). Công trình được chia thành 4 cung đoạn. Trong đó, cung đoạn 2 từ Hà Tĩnh đến Kon Tum dài 624 km do ông Ngãi được giao Tổng chỉ huy là cung đoạn khó khăn, phức tạp nhất. Có khoảng 400 km đồi núi, rừng già cùng với nhiều khoảng vượt sông lớn như sông Lam, sông Gianh, sông Thạch Hãn… Trong nhiều cuộc họp giao ban, nói về tiến độ công trình đường dây 500 kV, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn nhắc “Nếu cung đoạn của Công ty Xây lắp điện 3 xong thì toàn tuyến coi như xong”.

Trong cung đoạn này, đoạn từ đèo Hải Vân đến đèo Lò Xo là “ác liệt nhất”. Ở đây, rừng già mênh mông,  từ quốc lộ 14 vào vị trí đúc móng dài tới 30 km, mà không có cách nào vào được. Chính phủ phải huy động Quân khu 4,5,7, Binh đoàn 15, 12, Quân đoàn 3… đi dọn hành lang tuyến để thi công. Việc tập kết sỏi đá, xi măng vận chuyển lên đỉnh núi  vô cùng  gian nan, vất vả. Có vị trí không thể dùng máy móc đưa vật tư lên được, anh em công nhân và cả người dân địa phương phải gùi từng kg xi măng, sắt thép, cát, đá  đến từng can nước lên đỉnh núi cheo leo để đúc móng tại đỉnh đèo Lò Xo, Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Giằng, Khâm Đức… và có cả sự hi sinh, mất mát trên tuyến đường này.

Có lần, một vị lãnh đạo Bộ Tài chính đi thực địa tại vị trí cột 375. Sau khi xuống đến vị trí cột, vị lãnh đạo này bị ngất vì quá mệt, không chịu nổi. Vị trí này không nằm trên đỉnh mà nằm ở sườn đèo Hải Vân, không có cách nào lên được. Công ty đã cho đào một hố sâu 300 mét, sau đó dùng ròng rọc đưa người đến đó để thi công. Những người được chọn thi công vị trí này phải là người có sức khỏe, gan dạ và thạo việc.

“Trong 2 năm, suốt cả ngày lẫn đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, mưa rét, bão lụt tất cả đều dồn sức để thi công đảm bảo đúng tiến độ. Cán bộ công nhân trong 2 năm đó đều sống trong các lán trại tạm bợ, hoặc ở nhờ nhà dân, không kể muỗi đốt, rắn cắn, sốt rét và kể cả hy sinh tính mạng. Lực lượng hậu cần vận chuyển lương thực, thực phẩm cho hàng vạn người lao động trên các vùng đồi núi, sông suối vô cùng khó khăn gian khổ. Có anh em công nhân còn xin nghỉ vì không chịu được. Tuy nhiên, những động viên bằng vật chất và tinh thần  kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành đã khơi dậy tinh thần lao động quên mình cho CBCN trên đại công trường, giúp họ hiểu được đó là nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc tin tưởng giao cho thế hệ trẻ. Và cuối cùng, họ đã hoàn xuất sắc nhiệm vụ được giao” - ông Ngãi chia sẻ.

Sau đường dây 500 kV mạch 1 đã mở ra nhiều triển vọng để xây dựng nhiều đường dây khác, đặc biệt từ năm 2008, khi Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) được thành lập. Từ đó đến nay, EVN NPT đã đầu tư  trên 61.000 tỷ đồng, đóng điện đưa vào vận hành an toàn 244 công trình, lưới truyền tải điện quốc gia không ngừng phát triển cả về quy mô và công nghệ. Hệ thống lưới truyền tải điện 500 kV không chỉ liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện mà còn tạo các mạch vòng đảm bảo cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế như mạch vòng 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La - Hiệp Hòa - Quảng Ninh - Thường Tín - Nho Quan - Hòa Bình.

Đặc biệt, đường dây 500 kV Bắc - Nam đã được EVN NPT đầu tư, xây dựng, nâng dung lượng tụ bù dọc, nâng khả năng tải trên 2 mạch đường dây 500 kV Bắc - Nam lên tới 2.300 MW, sản lượng truyền tải đạt trên 12 tỷ kWh/năm, cao hơn so với thiết kế. Lưới điện truyền tải hiện nay đã ổn định.

“Điều tôi còn băn khoăn đó là các quy hoạch điện, các tổng sơ đồ đều chậm triển khai so với thực tế, còn có sự chưa hợp lý giữa nguồn và lưới điện. Đặc biệt, trong thời gian qua, nhiều dự án lưới điện chậm tiến độ do thiếu vốn, do giải phóng mặt bằng, gặp rất nhiều khó khăn, điều đó đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, các Bộ, ban ngành và các địa phương trong việc đầu tư xây dựng các công trình lưới điện”, ông Ngãi chia sẻ.

Hiện EVN NPT đang quản lý và vận hành gần 19.000 km đường dây 500 kV và 220 kV, tăng trên 50% so với thời điểm ngày 01/7/2008 – Ngày thành lập Tổng công ty; 99TBA, bao gồm 21 TBA 500 kV, 77 TBA 220 kV và 01 TBA 110 kV với tổng dung lượng MBA 52.236 MVA, tăng trên 85% so với thời điểm ngày 01/7/2008. Lưới truyền tải điện quốc gia đã vươn tới hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và từng bước kết nối với lưới điện truyền tải của các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại.

 


  • 23/01/2015 09:13
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 5119


Gửi nhận xét