Chi phí sản xuất điện tăng 5.500 tỷ đồng

Chi phí sản xuất điện năm 2014 của các doanh nghiệp điện tăng thêm khoảng 5.500 tỷ đồng bởi tác động của giá than, giá khí, thuế tài nguyên nước… tăng.

Chi phí sản xuất điện năm 2014 của các doanh nghiệp điện tăng thêm khoảng 5.500 tỷ đồng bởi tác động của giá than, giá khí

Chi phí giá điện tăng theo giá khí, giá than

Theo tính toán của các chuyên gia, giá khí trên bao tiêu bán cho sản xuất điện tăng từ ngày 1/4/2014, làm chi phí ở khâu phát điện tăng thêm 1.178 tỷ đồng.

Trước đó, tại Thông báo 2175/VPCP-KTTH, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với phương án giá khí đầu vào (cho sản xuất điện với lượng khí trên bao tiêu) từ ngày 1/4/2014 bằng 70% giá thị trường (cộng với chi phí vận chuyển, phân phối). Từ ngày 1/7/2014, sẽ tăng lên 80%; từ ngày 1/10/2014, tăng tiếp lên 90% và từ ngày 1/1/2015, sẽ bằng 100% mức giá thị trường.

Giá khí thị trường được xác định ở đây là mức giá khí miệng giếng được xác định bằng 46% giá dầu FO trung bình tại thị trường Singapore (theo tạp chí Platt’s).

Theo số liệu mà Báo Đầu tư có được, hiện tại, chỉ có nguồn khí Nam Côn Sơn có giá khí bán cho điện chưa theo giá thị trường quốc tế, còn giá khí đầu vào cho Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 đã theo giá thị trường quốc tế, khoảng 8 USD/triệu BTU. Được biết, cho đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hay các đơn vị có trách nhiệm bán khí của PVN vẫn chưa công bố các mức giá khí mới, dù thời điểm ngày 1/4/2014 đã trôi qua tới hơn 2 tháng.

Tuy nhiên, do sự biến động mạnh với giá khí cho lượng khí (ngoài hợp đồng bao tiêu đã được ký kết) có tác động không nhỏ tới chi phí sản xuất điện của cả nước, nên ngành điện đã phải tự tính toán dựa trên cơ sở giá dầu công bố của thị trường Singapore. Như vậy, ở mức 70% giá thị trường, thì giá khí đầu vào cho điện sẽ là 5,78 USD/triệu BTU (đã có phí vận chuyển, phân phối). Còn nếu tính mức 90% giá thị trường thì giá khí lên tới 7,43 USD/triệu BTU.

Năm 2012, tổng lượng khí tiêu thụ của các nhà máy điện từ nguồn Nam Côn Sơn là 6,05 tỷ m3, lượng khí trong mức bao tiêu là 3,55 tỷ m3/năm, chiếm khoảng 58% tổng lượng khí bán cho điện tại khu vực Đông Nam Bộ. Năm 2013, tổng lượng khí cho các nhà máy điện được cấp từ nguồn Nam Côn Sơn vào khoảng 6,7 tỷ m3 và nguồn khí trong bao tiêu biến động không nhiều.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất điện tại khu vực này cho hay, trước khi có điều chỉnh theo giá thị trường quốc tế, giá khí ngoài bao tiêu cho sản xuất điện vào khoảng 5,39 USD/triệu BTU.

Chi phí giá điện tăng theo chi phí sản xuất điện năm 2014 cũng còn chịu tác động bởi sự tăng giá than. Năm 2013, giá than cho điện được tính bằng giá thành sản xuất và từ ngày 1/1/2014, được áp theo giá thị trường. Với mức giá mới này, chi phí mua than của các nhà máy điện trong hệ thống sẽ tăng thêm 1.818 tỷ đồng so với các tính toán trước đó. Năm nay, phần đóng góp của các nhà máy nhiệt điện chạy than vào nguồn điện là 35,208 tỷ kWh.

… và cả thuế tài nguyên nước và tiếp nhận lưới điện nông thôn

Ngoài giá than và giá khí đều được điều chỉnh tăng theo hướng ngang bằng với thị trường, thì sản xuất điện năm nay cũng tiếp tục phải đối mặt với việc tăng của thuế tài nguyên nước từ 2% lên 4% (áp dụng từ đầu năm 2014).

Với kế hoạch sản xuất 59,479 tỷ kWh từ nguồn thủy điện, phần tăng của thuế tài nguyên nước này đã làm chi phí phát điện của các nhà máy thủy điện trong cả nước tăng thêm 1.489 tỷ đồng.

Cũng trong năm nay, chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phân bổ là 1.019 tỷ đồng để hoàn tất mục tiêu, từ năm 2015, ngành Điện sẽ thống nhất quản lý và bán điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn và 100% người dân nông thôn được hưởng chính sách giá điện chung của Chính phủ.

Dẫu chi phí sản xuất điện của các yếu tố trên có tăng thêm khoảng 5.500 tỷ đồng trong năm 2014, nhưng việc tính bao nhiêu vào giá điện lại là câu chuyện khác.

Không thể tuỳ tiện tăng giá điện

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho rằng, các chi phí tăng thêm trong sản xuất điện của năm 2014 sẽ do EVN tính toán và trình lên Cục Điều tiết Điện lực. Trả lời câu hỏi về khả năng tăng giá điện trong thời gian tới (do áp lực tăng thêm của các chi phí sản xuất điện liên quan nói trên), ông Cường cũng cho biết, việc tăng giá điện sẽ tuân thủ theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện tại là 1.508,8 đồng/kWh được áp dụng từ ngày 1/8/2013. Lần thay đổi mức giá bán lẻ điện cụ thể cho các đối tượng khách hàng từ ngày 1/6/2014 không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân trên.

Theo các quy định hiện hành, giá bán lẻ điện bình quân trong các năm 2013-2015 sẽ không thấp hơn mức 1.437 đồng/kWh và không cao hơn mức 1.835 đồng/kWh.

Quyết định 69/2013/QĐ-TTG cũng quy định, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng và với mức điều chỉnh từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.


  • 18/06/2014 10:00
  • Theo Báo Đầu tư
  • 2524


Gửi nhận xét