Chăm lo sinh kế cho người dân khu tái định cư Thủy điện Sông Bung 4

Sau gần 10 năm kể từ khi người dân di dời vào năm 2013, chúng tôi đến với Pa Păng, một trong các khu tái định cư của Thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Trên vùng quê mới là những ngôi nhà kiên cố nằm san sát dọc theo tuyến đường bê tông phẳng lỳ. Trước nhà, người dân còn trồng nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc. Tất cả đã tạo nên một khung cảnh rất đỗi yên bình...

Năm 2007, Dự án Thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), thuộc Quy hoạch bậc thang thủy điện hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, được triển khai. Có tổng số 232 hộ dân đã nhường đất cho dự án, đa phần là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Tất cả được di dời đến các khu tái định cư Pa Păng, Pa Rum A, Pa Rum B và Pa Đhí, huyện Nam Giang. Khi ấy, việc vận động người dân di dời không gặp nhiều khó khăn, bởi các khu tái định cư đã được xây dựng có đường bê tông, nhà ở kiên cố, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, trạm y tế, nước sinh hoạt hợp vệ sinh và điện lưới quốc gia.

Người dân ở Pa Păng nói riêng và các khu tái định cư của Thủy điện Sông Bung 4 đã cảm nhận được những đổi thay tích cực khi về nơi ở mới. Ở nơi đây cuộc sống của bà con được chăm sóc tốt hơn, tương lai của những đứa trẻ cũng có thêm những gam màu tươi sáng.

Khu tái định cư Pa Păng nhìn từ trên cao

Nhớ về những ngày chưa về khu tái định cư, chị Bnướch Thị Chiêng - người dân tộc Cơ Tu chia sẻ với chúng tôi: “Nơi ở trước đây không gần chợ, mỗi lần đi chợ mua đồ dùng cần phải băng qua sông Bung và sông Rinh, rồi đi bộ thêm một quãng đường nữa mới đến. Mỗi lần đi về mất khoảng 2 ngày. Giờ thì mình muốn đi lúc nào mình đi. Trước tụi nhỏ đi học cũng phải lội suối, lội sông, phải có người nhà đi theo, còn bây giờ học từ mẫu giáo tới lớp ba thì trường cách nhà có 5 phút, còn lớp 4 trở lên đi học trên xã cũng cách nhà không bao nhiêu”.

Một lớp mẫu giáo tại khu tái định cư

Không chỉ chuyện học hành của con trẻ, hay chuyện đi mua lương thực thực phẩm, cuộc sống của bà con dân tộc Cơ Tu trước khi về các khu tái định cư còn nhiều lắm những thiếu thốn, khó khăn. Ông Pơ Loong Dương – Già làng Thôn 2 nói: “Hồi trước, người dân ít được đi bệnh viện, do bệnh viện, bệnh xá ở xa. Giờ đau, sốt là người dân chạy luôn lên bệnh viện. Bây giờ ở tái định cư mới, đường xá tiện lợi, người dân tiếp xúc xã hội rộng rãi hơn”.

Giờ đây, những khu tái định cư thuộc Thủy điện Sông Bung 4 như Pa Păng đã thật sự là chốn đi về, là ngôi nhà ấm cúng của người dân. Nếu như vào năm 2012, Pa Păng có 76 hộ dân (trong đó 53 hộ di dời từ Dự án Thủy điện Sông Bung 4) thì thống kê đến đầu năm 2022 con số này tăng lên 111 hộ. Nhu cầu lớn nhất lúc này của người dân là việc phát triển kinh tế bền vững. Hiện nay người dân không còn khai thác rừng như trước đây mà chuyển sang bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật. Sinh kế hiện tại của bà con chủ yếu từ trồng lúa, trồng màu và chăn nuôi gia súc.

Điểm trường thôn Tơ Pơơ nhìn từ trên cao

Mới đây, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt và giao UBND huyện Nam Giang làm chủ dự án đầu tư công trình ổn định đời sống và sản xuất người dân vùng tái định cư Thủy điện Sông Bung 4 với tổng kinh phí 100 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương). Dự án thực hiện từ nay đến năm 2024, nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất cho người dân tái định cư. Địa phương sẽ đầu tư xây dựng 5 tuyến đường giao thông kết nối giữa các khu tái định cư thuộc Thủy điện Sông Bung 4 với khu sản xuất và san nền 4,8ha làm khu tái định cư mở rộng; tổng chiều dài các tuyến đường giao thông gần 15km. Đồng thời sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình hạ tầng thiết yếu khu vực tái định cư hiện tại và khu tái định cư mở rộng.

Công ty Thủy điện Sông Bung – Tổng công ty Phát điện 2 sẽ tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương để hỗ trợ mang về những mô hình sản xuất mới, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với điều kiện người dân. Trong tương lai, người dân ở những khu tái định cư thuộc Dự án Thủy điện Sông Bung 4 sẽ có thêm nguồn thu nhập, giúp nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần. Sẽ có thêm nhiều nữa những lớp mẫu giáo rộn rã tiếng con trẻ học hát, học chữ, những mái nhà khang trang, những con đường bê tông được nối dài và những nụ cười hạnh phúc của người dân trên vùng quê mới.


  • 12/07/2022 04:22
  • Ngọc Mai - Minh Lương
  • 5862