Cấp điện tại các huyện đảo: Còn nhiều khó khăn

Đảm bảo được nguồn điện ổn định với giá điện hợp lý là mong muốn của người dân tại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận).

Ông Đoàn Văn Tranh, Giám đốc Điện lực Côn Đảo cho biết, nguồn cung cấp điện chủ yếu hiện nay trên địa bàn huyện Côn Đảo là máy phát điện diesel tại Nhà máy điện trung tâm và Nhà máy điện An Hội có tổng công suất phát điện là 4.162 kW, công suất khả dụng khoảng 2.500 kW.

Cơ cấu sản lượng điện tiêu thụ trên đảo gồm: Điện sinh hoạt, tiêu dùng, dân cư chiếm 46,6%; dịch vụ du lịch, khách sạn chiếm khoảng 31,7%.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Phi Yến, chủ khách sạn Phi Yến nằm trên đường Tôn Đức Thắng, thị trấn Côn Đảo cho biết, về cơ cấu sản lượng điện tiêu thụ, ngành dịch vụ du lịch, khách sạn trên đảo chiếm tỷ trọng cao, chỉ sau sản lượng điện sinh hoạt, tiêu dùng, dân cư. Tuy vậy, dù đã được cấp điện 24/24 giờ, nhưng nguồn điện vẫn chưa ổn định và giá bán còn cao.

Bà Trần Thị Minh Thu, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thu Tâm, doanh nghiệp có nhà máy sản xuất nước đá cho biết, việc sản xuất của nhà máy gặp nhiều khó khăn, do nguồn điện yếu, chưa ổn định, giá bán điện còn cao (8.221 đồng/kWh).

Lý giải về vấn đề này, ông Đoàn Văn Tranh, Giám đốc Điện lực Côn Đảo cho biết, do công suất nguồn phát diesel có hạn nên hệ thống điện trên địa bàn huyện Côn Đảo chỉ đáp ứng được nhu cầu điện sinh hoạt và 1 phần nhu cầu điện cho dịch vụ, du lịch. Nhu cầu dùng điện để sản xuất bị hạn chế do nhà máy điện không đủ công suất để cung cấp.

Huyện đảo Côn Đảo, cần có kế hoạch đầu tư phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện trên địa bàn để đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: N.Tuấn

Theo thống kê, tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân tại Côn Đảo từ năm 2009 đến năm 2013 là 6,67%, dự báo trong 5 năm tới sẽ là 8%. Để đảm bảo nguồn điện cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên đảo, cần có kế hoạch đầu tư phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện trên địa bàn.

Theo ông Tranh, tháng 5/2014, sau khi dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất Nhà máy điện An Hội do UBND tỉnh  Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư sẽ hoàn tất và đi vào vận hành, nguồn cung trên đảo sẽ tăng thêm 3.000 kW.  Khi đó, sẽ có điều kiện cung cấp thêm cho phụ tải trên đảo.

Tại huyện đảo Phú Quý, nguồn điện đang sử dụng bao gồm 6 máy phát diesel mỗi máy 500 kW, hiện phát điện 16 giờ trên ngày. Ngoài nguồn điện diesel, đảo Phú Quý còn cung cấp điện bằng nguồn điện gió với hệ thống 3 tuabin gió. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có gió để phát điện. Đồng thời, việc vận hành hệ thống lai ghép tuabin gió – diesel không ổn định, nguy cơ sự cố rã lưới cao.  

Theo ông Trần Quý Hải, một doanh nghiệp chế biến hải sản trên đảo Phú Quý, từ năm 2010, giá bán điện trên đảo theo quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận còn cao, điện vốn được cấp 16 giờ/ngày, nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

Cùng với nguồn điện diesel hiện có trên đảo, thời gian tới các hộ dân trên huyện đảo Phú Quý còn được sử dụng nguồn điện gió và được sử dụng điện 24/24 giờ trong ngày. Ảnh: N.Tuấn

Theo ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận (đơn vị quản lý Điện lực Phú Quý), việc cung cấp điện cho khách hàng trên địa bàn huyện đảo Phú Quý dù được đảm bảo nhưng Điện lực vẫn gặp nhiều khó khăn như: Máy phát diesel đã vận hành liên tục nhiều năm trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên thường xuyên xảy ra sự cố, lưới điện vận hành trong môi trường khí hậu bị nhiễm mặn nên các thiết bị trên lưới bị oxy hóa, rỉ sét nặng và mau bị hư hỏng... hệ thống tuabin gió nếu sau này có bàn giao cho Điện lực thì Điện lực cũng gặp những khó khăn về kỹ thuật, bảo trì sửa chữa, hiệu quả khai thác điện gió và quản lý nhân sự...

Ông Trần Ngọc Linh cho biết thêm, để đảm bảo quản lý vận hành nguồn điện gió, Điện lực Phú Quý cần phải có đội ngũ kỹ thuật được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp trước khi tiếp nhận vận hành nguồn điện này.

Mặc dù trong những năm qua, ngành Điện đã rất nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, cấp điện cho các huyện đảo trên cả nước, nhưng để giải quyết những vướng mắc nêu trên, rất cần sự quan tâm của các bộ, ban ngành cũng như chính quyền địa phương, để người dân trên các đảo được hưởng quyền lợi chính đáng, sử dụng điện chất lượng với giá thành hợp lý.  
 

Nguồn và lưới điện trên huyện Côn Đảo

- 2 Nhà máy điện diesel, công suất khả dụng 2.500 kW.
- 49,021 km đường dây trung thế.
- 12,568 km đường dây hạ thế.
- 77 trạm biến áp, tổng công suất 7.120 kVA.
- 1.827 khách hàng.

Nguồn và lưới điện trên đảo Phú Quý

- 6 máy phát diesel (6 X 500 kW)
- 3 tuabin điện gió, công suất 2 MW/1 tuabin.
- 22,432 km đường dây trung thế (trong đó Điện lực là 20,010 km).
- 37,261 km đường dây hạ thế (trong đó Điện lực là 22,889 km).
- 36 trạm biến áp, tổng công suất là 4.250 kVA (trong đó Điện lực là 26 trạm biến áp, tổng công suất là 3.360 kVA).
-5.702 khách hàng.

 


  • 20/06/2014 09:38
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2324


Gửi nhận xét