Cấp điện cho biển đảo: Rất cần chung sức

Ðầu tư cấp điện cho khu vực biên giới, hải đảo là nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế -  xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia tại các khu vực này.

Nỗ lực vượt khó           

Vùng biển nước ta có khoảng trên 2.800 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, phần lớn các đảo nằm ở khu vực ven bờ, hợp thành một hệ thống với tổng diện tích là 1.638 km2. Tính đến thời điểm hiện tại, 9 huyện đảo thuộc 7 tỉnh ven biển do EVN quản lý và cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Trong đó, duy nhất chỉ có huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, các đảo còn lại được cấp điện từ các trạm diesel kết hợp với năng lượng gió, mặt trời.

Nghề nghiệp truyền thống của người dân nơi biển đảo trước đây chủ yếu là sản xuất nước mắm, trồng hồ tiêu, trồng tỏi, khai thác hải sản… thì trong những năm gần đây, nhờ có điện, các hoạt động du lịch, dịch vụ trên đảo phát triển rất nhanh. Một bộ phận cư dân đã chuyển sang cung cấp các dịch vụ phục vụ nhà hàng, khách sạn… Chính vì vậy, việc cung ứng điện là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng trên các  huyện đảo.

Công nhân Điện lực Lý Sơn (Quảng Ngãi) trực vận hành máy Diesel cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Dương Anh Minh

Có thể khẳng định, việc EVN tiếp nhận các trạm diesel, quản lý vận hành và bán điện trực tiếp tới người dân biển đảo có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Chương trình này đã cải thiện đáng kể tình trạng thiếu điện, đồng thời hỗ trợ các huyện đảo khai thác có hiệu quả lợi thế cũng như  tiềm năng kinh tế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người dân vùng biển đảo được mua điện theo giá quy định của Nhà nước, trực tiếp được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Các trạm phát điện diesel và lưới điện trên huyện đảo sau khi được bàn giao cho ngành Điện đã  thường xuyên được đầu tư, cải tạo và bảo dưỡng nên đảm bảo chất lượng kỹ thuật và an toàn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng điện và nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng phục vụ sản xuất – kinh doanh và sinh hoạt của người dân huyện đảo.

Chung tay, góp sức…

Khu vực biển đảo của Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ và kinh tế biển, đồng thời  giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên hiện nay, các huyện đảo vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có của mình để phát triển kinh tế. Nguyên nhân cơ bản là do kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, trong đó, việc cung cấp điện cho các huyện đảo chưa đáp ứng được yêu cầu vì hầu hết điện được cung cấp bởi các trạm diesel nhỏ lẻ, công suất thấp, điện áp không ổn định.

Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện tại các huyện đảo đều đã xuống cấp, không đáp ứng được lượng phụ tải ngày càng tăng. Giá bán điện cho các hộ dân tại một số huyện đảo do UBND địa phương quản lý còn  cao hơn giá bán điện do Chính phủ quy định, mặc dù địa phương đã phải bù lỗ 50% giá thành sản xuất điện. Ðối với các huyện đảo mà giá bán điện do ngành Điện quản lý và kinh doanh thì số tiền bù lỗ cho bán điện là quá lớn. Ai cũng biết, phát triển kinh tế - xã hội của các huyện đảo đều nhằm mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên,  các huyện đảo đều xa đất liền, khả năng đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo là rất khó khăn, tốn kém, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Mới đây, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) và Prysmian PowerLink SRL thuộc Tập đoàn Prysmian, Italia đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu EPC: Thiết kế, cung cấp, lắp đặt hệ thống cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc. Theo ông Phạm Ngọc Lễ - Phó Tổng giám đốc EVN SPC, đây là dự án có qui mô lớn và lần đầu tiên được thực hiện tại nước ta cũng như khu vực Đông Nam Á, đồng thời công nghệ phức tạp nên rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ban, ngành đảm bảo cho Dự án được triển khai đúng tiến độ và đạt chất lượng cao.

Hiện nay, tiềm năng phát triển du lịch của các huyện đảo tại miền Trung đang thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư. Vì vậy, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) đã xây dựng kế hoạch kéo điện lưới quốc gia đến các huyện đảo. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của EVN CPC lúc này là rất khó tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi trong nước và quốc tế. Vì vậy, EVN CPC rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan góp sức cùng ngành Điện khắc phục khó khăn, đưa điện lưới quốc gia về khu vực biên giới hải đảo miền Trung.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) cũng đang phối hợp với tỉnh Quảng Ninh triển khai dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, góp phần  phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống dân sinh, củng cố an ninh - quốc phòng cho đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc Tổ quốc. Để dự án thành công rất cần sự quan tâm của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của chính quyền địa phương, Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam….

Một số đảo sẽ được đầu tư cấp điện trong thời gian tới:

ª Đảo Phú Quốc (Kiên Giang): Cấp điện lưới quốc gia, sử dụng cáp ngầm xuyên biển 110 kV Hà Tiên – Phú Quốc, tổng mức đầu tư là 2.336 tỷ đồng.

ª Đảo An Bình (huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi): Cấp điện bằng năng lượng tái tạo, tổng mức đầu tư hơn 500.000 USD.

ª Đảo Cô Tô (Quảng Ninh): Cấp điện lưới quốc gia. Dự án gồm 3 nội dung: Đầu tư xây dựng trạm 110 kV tại Vân Đồn, kéo điện từ trạm 110 kV Vân Đồn ra xã đảo Quan Lạn và kéo điện từ Quan Lạn ra huyện đảo Cô Tô.

 


  • 26/06/2012 09:12
  • Theo TCDL chuyên đề QLHN
  • 8676


Gửi nhận xét