Cấp điện Làng Nủ: Chuyện bây giờ mới kể

Trời vẫn mưa, nước lũ vẫn cuồn cuộn nhưng cán bộ, công nhân Điện lực Bảo Yên (Công ty Điện lực Lào Cai) vẫn không quản ngại hiểm nguy, chạy đua với thời gian để cấp điện trở lại cho Làng Nủ trong thời gian sớm nhất có thể, phục vụ công tác tìm kiếm người mất tích trong trận lũ quét kinh hoàng.

Gương mặt của anh Nguyễn Văn Du, Giám đốc Điện lực Bảo Yên phờ phạc vì những đêm trắng chỉ đạo anh em duy trì lưới điện trong mưa lũ và khắc phục hậu quả do trận mưa lũ lịch sử để lại trong những ngày qua. Vài chục năm trong nghề, cũng đã trải qua nhiều gian nan nhưng đây là lần đầu tiên anh Du cũng như cán bộ, công nhân của mình phải đối mặt với thách thức cực đại: 206/224 thôn, bản mất điện.

Đặc biệt, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra sáng 10/9 đã khiến thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh chìm trong tận cùng tang thương. Lúc này, yêu cầu tối quan trọng đặt ra là huy động tất cả vào cuộc để kịp thời hỗ trợ các hộ dân, đồng thời khẩn trương tìm kiếm nạn nhân mất tích trong cơn lũ dữ. Để phục vụ công tác chỉ đạo tìm kiếm, cứu nạn bắt buộc phải có sóng điện thoại di động, điện lưới, trong khi đó trạm biến áp Long Khánh 6 cấp điện cho thôn Làng Nủ bị gãy đổ, vùi lấp sâu trong bùn đất.

Trên đường vào Làng Nủ

Sau khi nhận được chỉ đạo của huyện Bảo Yên và của Công ty Điện lực Lào Cai về việc phải cấp điện trở lại cho Làng Nủ ngay trong ngày 11/9. “Đó là trách nhiệm và cũng là mệnh lệnh của trái tim những người thợ điện Bảo Yên”, anh Du trải lòng.

Ngay sáng sớm 11/9, nhóm công tác gồm 7 người, cùng với xe cẩu, dây điện và các thiết bị đã khẩn trương “hành quân” vào Làng Nủ. Do sạt lở, đường tắc nên phải chờ thông đường tạm thời, mỗi giây, mỗi phút chờ thông đường, người thợ điện Bảo Yên cảm giác như dài đến cả tiếng đồng hồ.

Tuyến đường từ trung tâm thị trấn Phố Ràng đến thôn Làng Nủ khoảng 20 km, bình thường chỉ mất gần 1 tiếng đồng hồ nhưng hôm nay mất gần 3 tiếng đồng hồ. Bắt đầu xuất phát từ Điện lực Bảo Yên lúc 7h30 nhưng đến 11h30 mới tới Làng Nủ. Tận mắt thấy Làng Nủ tan hoang sau trận lũ quét, những người thợ điện không cầm được lòng, tất cả đều quyết tâm biến đau thương thành hành động. Lúc này, trời vẫn mưa, nước đã rút bớt nhưng vẫn chảy xiết. Quan sát thấy trạm biến áp Long Khánh 6 bị gãy đổ, anh Phí Anh Ngọc - người trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường đã quyết định đấu nối dây từ cột cuối cùng của trạm biến áp Long Khánh 1 vào cột hạ thế gần Nhà văn hóa thôn Làng Nủ (nơi đặt Sở Chỉ huy tiền phương để tìm kiếm, cứu nạn) với khoảng cách lên tới 175m.

Rải dây điện qua dòng nước lũ.

Nói thì như vậy, nhưng để kéo được sợi cáp vặn xoắn 4x70 thực sự không dễ dàng, trong khi thời tiết, địa hình rất bất lợi cho việc triển khai do mưa lớn, lại phải rải dây qua dòng nước lũ chảy xiết. Làm thế nào để rải được dây? Câu hỏi đặt ra và buộc anh Ngọc cùng các anh em phải khẩn trương tìm câu trả lời. Anh Ngọc đã nghĩ ra cách: Buộc chặt đầu dây cáp vặn xoắn vào sợi dây dài có buộc thêm nửa viên gạch, rồi ném thật mạnh sang bờ bên kia của dòng suối. Lúc này, 10 chiến sĩ của Sư đoàn 316 được huy động sẽ đón và cùng hợp sức kéo sợi dây cáp lên phía cột hạ thế. Sau khi cố định sợi cáp vào cột hạ thế, máy cẩu bên kia sẽ kéo sợi cáp căng dần và anh Ngọc trực tiếp trèo lên để cố định sợi cáp vào cột 35kV (đã cắt điện).

  “Đã 26 năm làm nghề, chưa bao giờ tôi gặp tình huống này, mưa to, nước chảy xiết, vừa nâng sợi dây cáp to và nặng vừa cố định vào cột 35kV. Nếu không có sức khỏe và kinh nghiệm thì khó có thể thực hiện được”, anh Ngọc chia sẻ.

Rải dây đã khó, kéo dây còn khó hơn gấp nhiều lần, bởi khoảng vượt từ cột 35kV đến cột hạ thế tới 120 m, trong khi khoảng vượt tối đa chỉ là 40 m dẫn đến không thể lấy được độ võng. Mặt khác, theo yêu cầu kỹ thuật, trong trường hợp này, cột điện phải là cột kép trong khi cột hạ thế là cột đơn, dẫn đến việc kéo dây phải hết sức cẩn thận, phối hợp nhịp nhàng, tính toán thật chuẩn lực kéo, chấp nhận thả dây võng tự do nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho người qua lại, bởi chỉ cần kéo căng một chút là có thể gẫy cột hạ thế.

Vượt qua tất cả những thách thức và giới hạn, chỉ mất 5 giờ 40 phút tính từ khi bắt đầu chuyển vật tư và nhân lực từ thị trấn Phố Ràng vào Làng Nủ, điện lưới đã được cấp trở lại, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo tìm kiếm, cứu nạn nơi tâm lũ. Chuyện cấp điện cho Làng Nủ là minh chứng rõ nét về bản lĩnh, trí tuệ của thợ điện Bảo Yên, góp phần làm sáng thêm “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” trong lúc hoạn nạn, khó khăn nhất.

Link gốc


  • 19/09/2024 03:58
  • Theo báo Lào Cai
  • 6825