Cấp bách đầu tư xây dựng mới, cải tạo lưới điện Hà Nội

Hiện nay, nhu cầu đầu tư, xây dựng mới và cải tạo lưới điện ở Hà Nội là rất lớn và cấp bách bởi phụ tải tăng trưởng liên tục ở mức cao, nhiều trạm biến áp (TBA) và đường dây 220kV/110kV đang vận hành trong tình trạng đầy hoặc quá tải. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của Tổng công ty Ðiện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) lại hạn hẹp, hơn nữa, thủ tục thẩm định, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng rất phức tạp, khiến nhiều công trình chậm tiến độ.

Khó khăn giải phóng mặt bằng

Phó Tổng giám đốc phụ trách EVN HANOI Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trên địa bàn Hà Nội, nhu cầu phụ tải tăng cao. Chỗ nào cũng cần đầu tư, nâng cấp nhưng nguồn lực của EVN HANOI nói riêng cũng như của ngành Điện nói chung quá hạn hẹp. Vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiều đơn vị điện lực phải thường xuyên thay đổi, nâng cấp các máy biến áp cho những nơi quá tải. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những biện pháp tình thế, về lâu dài, lưới điện Hà Nội cần phải được đầu tư đồng bộ hơn. Trước mắt, đối với những khu vực trọng điểm như quận Cầu Giấy, Tổng công ty ưu tiên dồn vốn đầu tư (dự kiến hơn 100 tỷ đồng) cải tạo lưới điện. Thời gian tới, nếu TP Hà Nội sớm bố trí được mặt bằng  xây dựng TBA 110 kV ở khu vực công viên Thủ Lệ thì việc cấp điện khu vực chung quanh sẽ được tăng cường tính ổn định.

Nhu cầu đầu tư, xây dựng mới và cải tạo lưới điện ở Hà Nội rất lớn bởi phụ tải tăng trưởng liên tục ở mức cao - Ảnh: H.Hiếu

Mới đây, Ngân hàng Vietcombank đã tài trợ tín dụng 950 tỷ đồng cho EVN HANOI cải tạo lưới điện Hà Nội, là yếu tố thuận lợi giúp Tổng công ty đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình lưới điện ở Thủ đô. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình 220 kV theo quy hoạch cấp điện cho khu vực TP Hà Nội triển khai rất chậm, ảnh hưởng không nhỏ việc vận hành ổn định cho lưới 110 kV. Việc triển khai cải tạo xây dựng các công trình 110 kV theo quy hoạch đồng bộ các dự án 220 kV cũng rất khó khăn do một số công trình liên quan sơ đồ đấu nối phía 110 kV khi xuất hiện các TBA 220 kV.

Theo Quy hoạch điện VI trước đây, đến năm 2010, Hà Nội phải xây dựng mới 6 TBA 220 kV với tổng công suất 1.500 MVA, nhưng đến nay chưa hoàn thành trạm nào. Trong vùng "lõi" của Hà Nội, hiện chưa có TBA 220 kV nào đi vào hoạt động do khó khăn về giải phóng mặt bằng. Trước tình hình đó, EVN đã giao cho Tổng công ty bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực bốn công trình 110 kV: Cải tạo đường dây 110 kV Phủ Lý - Vân Ðình, Hà Ðông - Mai Ðộng, Chèm - Yên Phụ và xây dựng mới các xuất tuyến 110 kV đấu nối vào TBA 500/220 kV Thường Tín.

Công tác dự báo tốc độ tăng trưởng của phụ tải từng khu vực còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan như: Sự thiếu đồng bộ giữa Quy hoạch phát triển điện lực và Quy hoạch xây dựng Thủ đô tại một số khu vực như huyện Ðông Anh,  Chương Mỹ... Công tác xin thỏa thuận hướng tuyến đường dây điện, thỏa thuận địa điểm xây dựng TBA khó khăn, phức tạp; thời gian xin cấp đất kéo dài. Trình tự hoàn thiện hồ sơ xin cấp đất phải qua nhiều giai đoạn, nhiều ban, ngành và các cấp chính quyền làm cho dự án từ khi được duyệt đến khi triển khai thực hiện mất rất nhiều thời gian. Công tác giải phóng mặt bằng cũng hết sức phức tạp và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Vấn đề nổi cộm là đơn giá đền bù đất của Thành phố áp dụng cho Dự án vẫn còn chênh lệch rất nhiều so với đơn giá thực tế trên thị trường nên các hộ dân thuộc diện thu hồi đất không đồng thuận, không nhận tiền đền bù. Ðiển hình là vướng mắc đền bù mặt bằng Dự án TBA 220 kV Tây Hồ ở Phú Thượng nhiều năm qua chưa dứt điểm. Nguồn vốn khấu hao cơ bản của Tổng công ty chỉ đủ trả gốc, lãi hằng năm và vốn đối ứng cho các dự án vay vốn tín dụng thương mại, vay nước ngoài (WB, JICA, ADB,...). Nguồn vốn do thành phố cho vay cũng hạn chế do nhiều ràng buộc của cơ chế đối với nguồn vốn ngân sách...

Dành quỹ đất cho các công trình điện

Ðể đẩy nhanh quá trình đầu tư, cải tạo lưới điện Hà Nội, EVN HANOI mong muốn UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành xem xét, giải quyết cấp đất, thỏa thuận phương án các công trình điện gồm địa điểm các TBA và các tuyến đường dây 110 kV theo quy hoạch phát triển lưới điện TP Hà Nội đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Ðối với tuyến đường dây trung hạ thế, do đặc thù trải dài trên diện rộng, diện tích chiếm đất nhỏ (từ một đến 5 m2/cột), do vậy, EVN HANOI kiến nghị Thành phố cho phép thỏa thuận đền bù trực tiếp (không phải làm thủ tục thu hồi đất); chỉ đạo các cơ quan chức năng khi lập quy hoạch và triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch giao thông, và các khu đô thị, khu dân cư phải dành quỹ đất cho các công trình điện; và xây dựng tuy-nen kỹ thuật đối với những khu vực có yêu cầu hạ ngầm hệ thống điện. Ðối với các khu công nghiệp, khu đô thị và các dự án có nhu cầu điện lớn, Thành phố cần chỉ đạo các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với EVN HANOI để có kế hoạch cấp điện kịp thời.

EVN sớm xem xét các dự án 220, 110 kV mà Tổng công ty dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2013 - 2015 để kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương chấp thuận và cho phép bổ sung vào danh mục công trình trọng điểm, cấp bách cấp điện cho Hà Nội nhằm tạo hành lang, cơ chế cho EVN HANOI thuận lợi trong quá trình thực hiện. Ðối với các xã nông thôn vùng xa, nghèo, việc đầu tư xây dựng các công trình điện phục vụ mục đích dân sinh không có hiệu quả, không đủ điều kiện để vay vốn.

Còn nguồn vốn cho đầu tư, phát triển lưới điện nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 theo Ðề án Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030 là rất lớn, lên tới hơn 1.387,8 tỷ đồng. Vì vậy, EVN HANOI đề nghị UBND Thành phố xem xét, cho Tổng công ty vay ưu đãi đối với hai chương trình trên với lãi suất 0%. Ðối với các dự án hạ ngầm, chỉnh trang đô thị,  hiệu quả đầu tư của ngành Điện là không có. Tổng công ty đã kiến nghị với UBND thành phố Hà Nội đầu tư sau đó bàn giao cho Tổng công ty quản lý vận hành theo hình thức tăng giảm vốn...

 


  • 10/10/2013 04:44
  • Theo Nhân dân
  • 3592


Gửi nhận xét