Cảnh giác với các “chiêu thức” mạo danh EVN để lừa đảo

Thời gian gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục cảnh báo người dân, khách hàng sử dụng điện về việc các đối tượng xấu giả mạo nhân viên điện lực, công ty điện lực để lừa đảo, làm ảnh hưởng đến uy tín ngành Điện. EVN một lần nữa khuyến cáo người dân, khách hàng sử dụng điện cần hết sức tỉnh táo trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi này.

Đủ mọi “chiêu trò”

Phản ánh đến đường dây nóng của các trung tâm chăm sóc khách hàng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam thời gian gần đây, nhiều người dân thông báo về việc có những số điện thoại lạ, giả danh nhân viên điện lực với mục đích lừa đảo. Các đối tượng thường thông báo khách hàng đang thiếu nợ tiền điện hoặc chưa thanh toán tiền điện, nếu không nhanh chóng thanh toán sẽ bị cắt điện. Bên cạnh đó, các đối tượng còn gợi ý người dân, khách hàng truy cập các đường link, app (ứng dụng) giả mạo. Không ít người đã bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng khi truy cập vào các website, app “rởm” này.

Mặc dù các cơ quan chức năng, báo chí đã nhiều lần cảnh báo về những hình thức lừa đảo này, vẫn có khách hàng “nhẹ dạ, cả tin” bị những đối tượng này lừa đảo.

Điển hình, ngày 6/11, Công an thành phố Sơn La đã tiếp nhận trình báo của anh T.A.T về việc nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên điện lực yêu cầu tải app thanh toán tiền điện. Sau khi tải xong, đối tượng gửi mã QR code và yêu cầu anh ấn giữ 2 giây để lưu mã. Tiếp đó, anh T thực hiện nhập mã OTP và quét sinh trắc học theo “hướng dẫn”. Thực hiện xong, anh T ngay lập tức bị trừ tiền trong tài khoản ngân hàng với số tiền lên tới hơn 256 triệu đồng. Đó cũng là lúc anh nhận ra mình đã bị lừa.

Hay trường hợp của bà N.T.N, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang vừa trình báo bị đối tượng giả danh nhân viên điện lừa đảo và chiếm đoạt hơn 90 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Theo bà N chia sẻ, ngày 10/11/2024, bà nhận được cuộc gọi từ số máy lạ xưng là nhân viên điện lực thành phố Bắc Giang. Người gọi thông báo rằng gia đình bà chưa thanh toán tiền điện, chưa có số liệu hiển thị trên phần mềm quản lý của cơ quan điện lực. Khi bà N khẳng định đã thanh toán đầy đủ thì đầu dây bên kia yêu cầu chụp ảnh giao dịch gửi qua Zalo để tiến hành xác minh thông tin. Sau đó, đối tượng đã hướng dẫn bà N cài ứng dụng khác trên điện thoại để thanh toán tiền điện tự động. Hoàn thành cài đặt ứng dụng, bà N cũng bấm vào đường link liên kết với tài khoản ngân hàng, thực hiện sinh trắc học. Ngay lúc này, đối tượng đã chiếm quyền điều khiển lấy được toàn bộ số tiền hơn 90 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. 

Còn bà Tr.N.B (ngụ phường Thới An, quận 12, TPHCM) nhận được điện thoại từ 1 người xưng là nhân viên điện lực thông báo làm hồ sơ điện tử, cần lấy thông tin, giấy tờ tùy thân để cập nhật hồ sơ hợp đồng mua bán điện. Nếu khách hàng làm sớm sẽ được hoàn 15% tiền điện. Bà cho biết đã kết bạn Zalo, cài app từ một đường link do họ hướng dẫn thông qua video call. Khi thao tác thì màn hình hiện lên mã chuyển tiền QR, nhưng do tài khoản bà B không còn tiền nên không bị mất…

Thậm chí, mới đây còn xuất hiện văn bản giả mạo thương hiệu, con dấu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hướng dẫn khách hàng cách "chuyển tiền điện"; hoặc mạo danh Tập đoàn và các đơn vị thành viên của Tập đoàn lập các trang web kêu gọi góp vốn cho các dự án năng lượng… Hành vi của những đối tượng này gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân và ảnh hưởng đến uy tín của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Khi nhận được cuộc gọi nghi ngờ mạo danh nhân viên ngành Điện, khách hàng sử dụng điện hãy gọi đến tổng đài của các trung tâm chăm sóc khách hàng trong EVN để được tư vấn, hỗ trợ. Nguồn ảnh: EVNHANOI.

Nâng cao tinh thần cảnh giác

Trao đổi về khung hình phạt dành cho các hành vi lừa đảo trên, Luật sư Nguyễn Minh Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Cường và cộng sự (Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm, hành vi lừa đảo thông qua việc mạo danh là nhân viên Điện lực, hay tổng đài ngành Điện để chiếm đoạt tài sản, có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính (XPHC) trong lĩnh vực an ninh trật tự, hành vi dùng thủ đoạn gian lận hoặc lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Hành vi gọi điện lừa đảo qua điện thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội có thể bị xử phạt ít nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp tính chất nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù 2 - 7 năm khi thuộc một trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng. Phạt tù từ 7 - 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Nặng nhất, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Dưới góc độ pháp lý, Văn phòng luật sư Nguyễn Cường và cộng sự khuyến cáo khách hàng của ngành Điện tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống đã được ngành Điện công bố; tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc chuyển tiền vào tài khoản khi chưa xác minh thông tin. Đối với khách hàng đã bị kẻ xấu lừa đảo, cần nhanh chóng gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an để nhờ hỗ trợ giải quyết, thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt.

Nhằm ngăn ngừa hiện tượng giả mạo trên, EVN cũng đưa ra khuyến cáo quý khách hàng tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của đối tượng giả mạo, văn bản giả mạo, không để kẻ gian đánh cắp thông tin cá nhân và trục lợi gây thiệt hại cho chính khách hàng và làm ảnh hưởng uy tín của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

EVN khẳng định tất cả các giao dịch thu tiền điện hiện nay đều được thực hiện qua các kênh chính thống của các Tổng công ty Điện lực, tuyệt đối không sử dụng tài khoản cá nhân để thu tiền. Nhân viên Điện lực khi giao tiếp với khách hàng luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chăm sóc khách hàng.

Khách hàng nên lựa chọn các kênh thanh toán tiền điện an toàn như: Qua ngân hàng (thanh toán tự động, Internet banking hoặc Mobile banking); ví điện tử và cổng thanh toán trực tuyến (như Viettel Money, VNPT Money, Vnpay, Momo…).

Nếu nhận được cuộc gọi nghi ngờ là lừa đảo, khách hàng nên liên hệ ngay với Tổng đài chăm sóc khách hàng (theo từng khu vực) để xác minh thông tin và được hỗ trợ kịp thời.

Các số điện thoại tổng đài Chăm sóc khách hàng ngành Điện:

- Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC): 19006769

- Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC): 19001909

- Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC): 19001006/19009000

- Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI): 19001288

- Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC): 1900545454


  • 15/11/2024 10:19
  • T.Huyền
  • 7304