Cần thông tin tuyên truyền trung thực, minh bạch về điện hạt nhân

Thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân phải trung thực, minh bạch vì quá trình này có những ảnh hưởng nhất định đến an toàn của nhà máy. Đó là khẳng định của bà Brenda Pagannone, phụ trách tuyên truyền của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Bà Brenda. Ảnh: Phan Trang

PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình phát triển các dự án điện hạt nhân?

Bà Brenda: Đối với bất kỳ một quốc gia nào đang nghiên cứu hoặc đã vận hành nhà máy điện hạt nhân, thông tin tuyên truyền với tất cả các bên liên quan cần đề cập tới lợi ích cũng như những rủi ro, cam kết và nghĩa vụ... Cách tiếp cận trung thực này đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng và duy trì lòng tin của công chúng đối với một chương trình điện hạt nhân.

Đặc biệt, sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima – Nhật Bản (3/2011), rất nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại về tương lai của điện hạt nhân. Trong bối cảnh đó, sức mạnh của các kênh truyền thông với việc cung cấp thông tin cả tích cực và tiêu cực có tầm ảnh hưởng rất mạnh. Vì vậy, IAEA luôn ủng hộ và hy vọng các quốc gia trên thế giới, thông tin thường xuyên, liên tục và tôn trọng các bên liên quan về chương trình điện hạt nhân.

Tuy nhiên, không nên xem thông tin, tuyên truyền chỉ là quan hệ công chúng, cố gắng  đưa thông tin đến với công chúng, mà còn phải tuyên truyền một cách minh bạch, trung thực và an toàn. Bởi, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu không có sự ủng hộ và tham gia của công chúng, điện hạt nhân không thể phát triển bền vững. Nói cách khác, thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng và có những ảnh hưởng nhất định về mặt an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là các quốc gia trong giai đoạn bắt đầu phát triển.

PV: Thông thường khi nói đến an toàn của dự án điện hạt nhân người ta hay nói đến công nghệ, thiết bị xây dựng nhà máy, quy trình vận hành, quản lý chất thải… Bà có thể giải thích rõ hơn về việc thông tin, tuyên truyền ảnh hưởng đến mặt an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân?

Bà Brenda: An toàn là yếu tố đầu tiên và tiên quyết đối với việc phát triển điện hạt nhân. Thông tin, tuyên truyền cũng có những ảnh hưởng nhất định về mặt an toàn của nhà máy. Theo đó, truyền thông về điện hạt nhân cần phải có cơ chế, địa điểm, thời gian, mục đích... không thể làm tùy tiện, bất kỳ. Những thông tin cần tuyên truyền là thông tin chung về an toàn hạt nhân, kinh nghiệm vận hành, công nghệ, xử lý chất thải phóng xạ... Mỗi thông điệp phát đi phải được thiết kế sao cho phù hợp với từng đối tượng truyền thông.

Việc thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân không diễn ra một chiều mà cần phải có sự tiếp nhận phản hồi từ đối tượng được thông tin. Kinh nghiệm thực tế của IAEA cho thấy, khi xây dựng một văn bản, quy định bất kỳ nào, nên công bố dự thảo văn bản đó trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các tổ chức có liên quan có thể xem xét, đóng góp ý kiến, từ đó hoàn thiện văn bản. Việc làm này nhấn mạnh truyền thông hai chiều, vừa thiết lập hệ thống tương tác giữa hai bên, vừa xây dựng được lòng tin, sự ủng hộ của cộng đồng.

Bên cạnh đó, nên thông tin, tuyên truyền ở mức độ vừa đủ để công chúng có thể nhận thức và tự hình thành quan điểm riêng cho mình, tức là không nên tạo sự quá tải thông tin cho công chúng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, một số thông tin sẽ bị giới hạn và cần phải giải thích rõ về giới hạn đó, vì lý do an ninh hay bản quyền thương mại nên không thể đưa toàn bộ thông tin.

Cuối cùng, thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân không nên chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia mà còn truyền thông cho cả các quốc gia láng giềng. Chọn đúng thời điểm để tuyên truyền cũng là một những lý do để đảm bảo sự an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.

Đoàn chuyên gia của IAEA và đại diện cơ quan quản lý nhà nước, EVN thăm địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: Phan Trang

PV: Vậy, IAEA hiện đã xây dựng những quy tắc áp dụng chung về thông tin, tuyên truyền trong phát triển điện hạt nhân chưa, thưa bà?

Bà Brenda: Thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân không phải nhằm mục đích đạt được 100% sự ủng hộ của công chúng, mà tạo điều kiện cho các bên liên quan hình thành quan điểm riêng của họ và tiếp nhận, xem xét, từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.  

Trong suốt vòng đời của điện hạt nhân, công chúng cần được tiếp cận dễ dàng với các thông tin liên quan, có thể được đăng tải trên internet hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác. Quy trình tham gia của công chúng cũng cần được xây dựng rõ ràng, quy định trong các văn bản chính thức, đảm bảo rằng, các thông tin nhạy cảm, độc quyền thương mại vẫn được tôn trọng.

Hiện nay, những tài liệu về thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân như vậy đang nằm rải rác ở nhiều nơi và chưa có sự thống nhất. Vì vậy, IAEA đang xây dựng một văn bản hướng dẫn an toàn mới đề cập đến vấn đề thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân. Tuy nhiên quá trình từ xây dựng đến khi công bố là khá dài do phải tham khảo ý kiến của các bên liên quan. Sớm nhất đến năm 2015, Bộ quy tắc chung về thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân của IAEA mới được ban hành.

PV: Bà nhận xét thế nào về công tác thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân ở Việt Nam hiện nay?

Bà Brenda: Vài tháng sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản – 3/2011), tôi đã đến Việt Nam và tham dự một hội thảo thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân. Theo tôi, lúc đó công tác này tại Việt Nam còn khá hạn chế, lại thêm sự cố trên, khiến người dân càng thêm lo ngại. Tuy nhiên, hai năm sau tôi trở lại Việt Nam và cũng tham dự hội thảo tương tự, mức độ quan tâm của Chính phủ, các cơ quan nhà nước và đặc biệt là chính quyền địa phương đối với điện hạt nhân đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Đó chính là kết quả đáng mừng của công tác thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian qua.

Việt nam hiện nay đang ở giai đoạn 2 của quá trình phát triển điện hạt nhân và Chính phủ cần phải thông tin cho tất cả các bên liên quan về hệ quả của an toàn. Sau đó bước sang giai đoạn 3, mặc dù đã có được sự ủng hộ của công chúng, nhưng làm thế nào để tiếp tục duy trì và nâng cao niềm tin, đó là nhiệm vụ của công tác thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn bà!

Ông Lê Kim Hùng – Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Ninh Thuận: Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện dự án xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan và chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã nhận thức rõ thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân là một nhiệm vụ quan trọng cần được tiến hành một cách thường xuyên, lâu dài. Truyền thông hiệu quả sẽ tạo ra nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tổ chức và tầng lớp nhân dân về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội; góp phần duy trì và nâng cao sự đồng thuận của công chúng phục vụ việc triển khai thực hiện thành công dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tuy nhiên, sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), người dân tỉnh Ninh Thuận vẫn còn lo lắng về an toàn điện hạt nhân. Vì vậy, cơ quan chủ trì và các đơn vị tham gia thực hiện Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 cần có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện, đặc biệt là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ở Ninh Thuận.

 Một số thông tin về tiến độ thực hiện, khởi công dự án, động đất, sóng thần, xử lý và quản lý chất thải phóng xạ... cần được thông tin thường xuyên, kịp thời và đầy đủ.

 


  • 26/09/2013 03:01
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3912


Gửi nhận xét