Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành trong phòng chống thiên tai

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia khi trao đổi với Tạp chí Điện lực về khả năng xảy ra thiên tai năm 2018 và các giải pháp ứng phó.

Ông Hoàng Đức Cường

Phóng viên (PV): Thưa ông, dự báo tình hình thời tiết năm 2018 có gì đặc biệt so với những năm trước đây?

Ông Hoàng Đức Cường: Năm 2018, hiện tượng ENSO (1) nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ khoảng tháng 6/2018 và duy trì đến hết năm 2018. Theo dự báo, số cơn bão năm nay không nhiều như 2017 và ở mức trung bình so với nhiều năm, với khoảng 12-14 cơn bão xuất hiện trên biển Đông; trong đó có 4 - 6 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta.

Tuy số lượng bão không lớn, nhưng ở trên biển, đặc biệt là phía đông biển Đông, cần đề phòng những cơn bão có cường độ mạnh. Khi vào bờ, bão thường yếu đi, nhưng vẫn có thể gây ra gió mạnh cấp 12 và trên cấp 12 cho đất liền và các đảo ven biển nước ta.

Cần lưu ý, vào đầu mùa, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) ở khu vực phía bắc biển Đông và sẽ dịch dần về phía nam biển Đông trong những tháng cuối năm.

Năm nay, bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng nhiều hơn đến khu vực Trung bộ. Ngoài ra, trong những tháng chuyển mùa, nhiều khả năng các hiện tượng mưa giông kèm tố lốc, mưa đá sẽ xuất hiện trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt khu vực Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ.

Thiên tai nói chung và diễn biến tình hình mưa bão nói riêng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rất khó lường. Chính vì vậy, yêu cầu công tác dự báo không những phải có độ tin cậy cao, mà còn phải có cảnh báo sớm, từ đó có sự tư vấn và lập kế hoạch kịp thời phòng, tránh, giảm thiệt hại cho cả xã hội. Nói cách khác, các khó khăn không chỉ đến từ ngành Khí tượng - Thủy văn mà còn đến từ phía các đơn vị được sử dụng các thông tin cảnh báo, dự báo...

PV: Vậy cần phải làm gì để giảm nhẹ được những thiệt hại do thiên tai gây ra, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Thiên tai là bất khả kháng và có sức tàn phá rất ghê gớm, nên việc phòng chống, ứng phó kịp thời là hết sức quan trọng, cần phải đặc biệt quan tâm.

Ở Việt Nam, việc phòng, chống thiên tai luôn là những ưu tiên hàng đầu của Nhà nước. Tuy nhiên, để có được hiệu quả trong phòng chống thiên tai, rất cần sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng xã hội.

Các cơ quan, ban, ngành, người dân… cần nâng cao nhận thức, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan phòng chống thiên tai; tuân thủ nghiêm các quyết định, các giải pháp cụ thể, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hạ do thiên tai gây ra. 

Đặc biệt, các bộ, ngành cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, giúp họ có được những tư vấn, quyết định, chủ trương kịp thời, chính xác, trong những diễn biến bất thường của thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Hiện nay, nhờ có các phương tiện truyền thông hiện đại, thông tin về thiên tai, dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng có độ tin cậy cao hơn và kịp thời hơn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang tiếp tục tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, hải văn năm 2018, phục vụ tốt công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi toàn quốc. 

PV: Ngành Điện là một ngành kinh tế đặc thù và thường bị ảnh hưởng rất lớn khi thiên tai xảy ra. Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống thiên tai của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) những năm qua?

Ông Hoàng Đức Cường: Trong những năm vừa qua, thiên tai đã xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng trên phạm vi cả nước đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ của ngành Điện. Do tính đặc thù, phần lớn tài sản đều nằm ở ngoài trời như, đường dây, cột điện, TBA…, nên ngành Điện nên thường bị thiệt hại lớn khi thiên tai, bão lũ  xảy ra. 

Những năm qua, với nhiều giải pháp chủ động, hiệu quả trong phòng chống và ứng phó với thiên tai, ngành Điện cũng đã giảm được nhiều thiệt hại do thiên tai, bão lũ  gây ra. Đặc biệt, việc đảm bảo an toàn các hồ đập thủy điện lớn của EVN đã góp phần chống lũ hiệu quả cho các vùng hạ du, trong đó có thủ đô Hà Nội, đặc biệt là  năm 2017, năm xảy ra kỷ lục về thiên tai, bão lũ. Ngoài ra, việc chủ động gia cố các công trình, cơ sở hạ tầng trước mỗi đợt thiên tai lớn cũng đã giúp EVN giảm các thiệt hại…

PV: Trước tình hình thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, theo ông, ngành Điện cần phải làm gì để ứng phó hiệu quả hơn nữa với thiên tai?

Ông Hoàng Đức Cường: Việc khôi phục lưới điện sau khi thiên tai là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Điện, giúp ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Chính vì vậy, ngành Điện cần có những giải pháp đồng bộ, ứng phó với những kịch bản thiên tai khác nhau; cần phải nâng cao tính chủ động, làm tốt công tác “phòng” trước khi “chống” trong ứng phó với thiên tai. 

Ngoài ra, sự phối hợp liên ngành là rất quan trọng và cần thiết. Các ban ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với các đơn vị ngành Điện, tìm các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ tác động thiên tai, khắc phục nhanh các sự cố. Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin giữa cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các đơn vị ngành Điện cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, giúp ngành Điện nắm bắt kịp thời diễn biến thời tiết, từ đó có những giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Thiệt hại do thiên tai gây ra trên cả nước năm 2017:

- 386 người chết và mất tích, 664 người bị thương;
- Thiệt hại ước tính khoảng 60.000 tỷ đồng.
- Riêng ngành Điện:
+ 3 đường dây 500 kV, 13 đường dây 220 kV, 43 đường dây 110 kV bị sự cố; 
+ Hơn 18.200 cột điện cao, hạ thế bị gãy, đổ. 
+ Thiệt hại ước tính 488 tỷ đồng.


  • 28/06/2018 02:23
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14043