Cần sớm hoàn thiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài Nguyên nước

Ngày 19/8, tại thành phố Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Tìm hiểu Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định thi hành phục vụ công tác vận hành, khai thác công trình thủy điện”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hiện nay, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, với tổng công suất đặt toàn hệ thống đạt 80.555MW, trong đó tổng công suất thủy điện là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%. Các công trình thuỷ điện có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống lũ cho hạ du, tưới tiêu phục vụ nhu cầu của người dân và phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải phát biểu khai mạc

“Việc vận hành các công trình thuỷ điện an toàn, hiệu quả, tối ưu nguồn nước, đúng quy trình, quy định của pháp luật là vô cùng quan trọng, đây cũng trách nhiệm và nghĩa vụ của EVN nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng, được lãnh đạo EVN quán triệt, chấp hành nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương”, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho hay.

Cũng theo lãnh đạo EVN, hội thảo này không chỉ nâng cao kiến thức về pháp luật cho các đơn vị quản lý, vận hành công trình thuỷ điện, mà còn được giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong khi thực thi pháp luật về tài nguyên nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia của Cục Quản lý tài nguyên nước đã trình bày các chuyên đề chính: Giới thiệu Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chính sách pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện và nhiệt điện; Điều hòa phân phối nguồn nước, tối ưu hóa vận hành hồ chứa, hướng tới vận hành hồ chứa theo thời gian thực.

Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng để Luật Tài nguyên nước năm 2023 đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan cần sớm hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật và xây dựng các văn bản dưới luật, trong đó có các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng những điểm mới, quy định mới của Luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cần thiết xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản để giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách tại các địa phương có đầy đủ thông tin để ra quyết định điều hòa phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông.

Luật Tài nguyên nước năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, nhằm mục tiêu quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên nước một cách hiệu quả và bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây là một trong những luật quan trọng, không chỉ điều chỉnh hoạt động quản lý nhà nước mà còn là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, trong đó có các nhà máy thuỷ điện về việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

Luật gồm 10 chương, 86 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ nước Việt Nam. Luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua bốn nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.


  • 19/08/2024 11:14
  • Nguyễn Thủy
  • 6118