Cần gia hạn cơ chế giá FIT để thúc đẩy phát triển điện gió ở Việt Nam

Đó là quan điểm của các chuyên gia, nhà đầu tư tại tọa đàm trực tuyến “Cơ chế hỗ trợ và phát triển điện gió ở Việt Nam”, do Tổ chức Sáng kiến Chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET) phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch (VCEA) Văn phòng đại diện TP.HCM và Hiệp hội Điện gió Bình Thuận tổ chức chiều 18/4.

Theo tiến sỹ Hoàng Giang - Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch (VCEA) TP.HCM, với tiềm năng lớn, điện gió sẽ là một trong những nguồn điện quan trọng góp phần đảm bảo điện trong giai đoạn 2021 - 2025, nhất là khi nhiều dự án nguồn điện lớn đang chậm tiến độ. Tuy nhiên, thời hạn được hưởng giá FIT theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến 31/10/2021 đang là một trong những trở ngại cho các dự án điện gió, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió, ngày 9/4/2020, Bộ Công Thương đã có Công văn số 2491/BCT-ĐL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn thời gian áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió ở Việt Nam đến tháng 12/2023, đồng thời giao Bộ Công Thương tính toán, đề xuất giá mua điện gió mới áp dụng cho các dự án điện gió có ngày vận hành từ 1/11/2021 đến 31/12/2023.

Ông Lê Anh Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Ecotech Việt Nam, nhà đầu tư dự án điện gió chia sẻ, đề xuất của Bộ Công Thương là cần thiết, bởi hiện nay, do dịch COVID-19, nhiều hãng ngừng sản xuất tuabin, chậm giao hàng. Đáng ngại hơn, dịch COVID-19 chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Trong khi đó, nếu không có mốc thời gian hoàn thành dự án thì không có ngân hàng nào dám cho nhà đầu tư vay tiền để triển khai dự án. “Việc gia hạn giá FIT sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư”, ông Lê Anh Tùng chia sẻ.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia và nhà đầu tư cũng đã phân tích và thảo luận những điểm hạn chế về giải tỏa công suất của lưới điện; các chính sách trung và dài hạn nhằm thúc đẩy phát triển điện gió ở Việt Nam như chính sách thuế, các giấy phép cần có để triển khai điện gió ngoài khơi; cơ chế đấu thầu điện gió và trách nhiệm các bên tham gia... Ngoài ra, các đại biểu còn đề xuất các vấn đề cần được luật hóa để thúc đẩy điện gió phát triển; các cơ chế thiết lập chuỗi cung ứng phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến tháng 3/2020, Việt Nam đã có 78 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 4,8GW được bổ sung quy hoạch; 11 dự án (tổng công suất 377MW) đã vận hành phát điện; 31 dự án (tổng công suất 1,62GW) đã ký hợp đồng mua bán điện dự kiến đi vào vận hành năm 2020 - 2021. Ngoài ra, còn 250 dự án với tổng công suất khoảng 45GW đang đề nghị được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực.

 

 


  • 20/04/2020 12:42
  • Thùy Lê
  • 23114