Cần công bằng với giá điện

Với người tiêu dùng, không ai muốn điện hay bất kỳ loại hàng hóa nào tăng giá. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện vẫn càng ngày càng cao, trong khi nguồn cung hạn chế; đầu tư bổ sung cũng không thể một sớm một chiều. Do vậy, việc tăng giá điện cần được nhìn nhận khách quan, công bằng.

Vì sao giá điện chỉ tăng?

Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra như vì sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam lãi mà vẫn tăng giá điện, hoặc giá điện tại Việt Nam chỉ có tăng mà không giảm?

Thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2018, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt khoảng 49.000 MW. Nếu xét theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2020, công suất nguồn của Việt Nam phải đạt 60.000 MW; đến 2025, con số này đạt 90.000 MW, năm 2030; công suất nguồn đạt gần 130.000 MW. Có như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2030 là 7,0%. Còn tính đến năm 2020, nguồn điện thiếu tới 11.000 MW. Trong khi đó, nhu cầu điện cho nền kinh tế vẫn tăng trưởng nóng trên 10%, thậm chí có địa phương tăng trên 12%.

Phát triển nhiệt điện than là xu thế tất yếu

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển, cần nguồn vốn lớn đầu tư cho hệ thống điện. Thực tế, để có được hệ thống điện như ngày nay, trong suốt thời gian qua, ngành Điện đã phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau như vốn ODA, vay từ ngân hàng thương mại, trong đó vốn nước ngoài lên tới hàng chục tỷ USD.

Để bảo toàn nguồn vốn, trả chi phí mua điện, các loại chi phí như truyền tải, phân phối bán lẻ, các loại thuế, phí, lương; nợ vay, nộp ngân sách và có lãi để tái đầu tư, việc tăng giá bán điện bù đắp các chi phí trên là đương nhiên.

Nếu không tăng giá, ngành Điện sẽ khó khăn, mặt khác làm méo mó cả nền kinh tế. Đương nhiên, tăng giá sẽ tác động lên mức chi tiêu của từng gia đình, có thể làm giảm sức mua của nền kinh tế, tăng tỷ lệ lạm phát. Nhưng xét ở góc độ nào đó, việc tăng giá cũng có nhiều tác động tích cực như tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, tăng hấp dẫn đầu tư.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long cho biết, giá điện bao gồm 4 thành phần: Giá phát điện, phí truyền tải, phí phân phối và phí dịch vụ phụ trợ. Trong 4 thành phần trên, giá phát điện, hay nói cách khác là nguồn điện chiếm tỷ trọng khoảng 65% trong điều kiện của Việt Nam. Tương lai, giá phát điện ngày càng tăng; ngược lại, ưu thế giá rẻ từ thủy điện của Việt Nam ngày càng giảm.

Hiện nay, nhiệt điện than, chiếm khoảng 40% và sẽ tăng dần trong vòng 10 - 15 năm tới. Than lộ thiên đã khai thác hết, chuyển sang khai thác than hầm lò, xuống sâu trong lòng đất, dẫn đến giá than ngày càng cao. Hơn nữa, giá than nhập lại phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái. Chưa kể đến những biến động của thị trường năng lượng thế giới. Vì vậy, khi tăng giá điện, phải dựa trên những tính toán về biến động giá của các loại tài nguyên này, cộng với tỷ giá ngoại tệ. Giá nguyên liệu tăng, nhân công tăng, tỷ giá hối đoái cũng tăng thì giá điện cũng phải tăng.

Một nguyên nhân khác, việc Việt Nam đang gia tăng nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo với cơ chế hỗ trợ giá ban đầu cao. Nguồn điện năng lượng tái tạo tính ổn định không cao dẫn đến việc cần đầu tư hệ thống nguồn dự phòng hoặc nguồn vốn để phát triển lưới điện thông minh. Tất cả những điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến giá bán điện trong tương lai gần.

Theo các phân tích trên, có lẽ chỉ đến khi nào nâng cao được hiệu suất sử dụng năng lượng của cả nền kinh tế, cân bằng được cung và cầu năng lượng, nhà nước không bao cấp giá năng lượng, lúc đó giá điện sẽ tăng giảm theo đúng giá nhiên liệu của thị trường.

Sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm

Theo bà Phạm Chi Lan - Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - hiện nay, Việt Nam vẫn còn bao cấp giá điện, nên nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiều điện năng, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất thép, xi măng... Do đó, Việt Nam cần xóa bỏ bao cấp giá điện, chấp nhận giá điện cao hơn, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.

TS. Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã từng nhấn mạnh rằng, giải quyết vấn đề cung - cầu điện là bài toán của cả nền kinh tế, chứ không phải riêng của ngành Điện và phải có chiến lược dài hạn. Trước hết, phải thay đổi cách tiếp cận, thay đổi tư duy trong tái cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng theo hướng sử dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, tiêu tốn ít năng lượng nhưng vẫn hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường.

Trên cơ sở phân tích hiệu quả sử dụng năng lượng trong nền kinh tế, các chuyên gia chỉ ra rằng, ở các nước phát triển, hệ số đàn hồi điện theo tỷ lệ 1:1 hoặc thấp hơn nhưng con số này ở Việt Nam đang là 1: 1,7 (gần gấp đôi). Nguyên nhân của hệ số đàn hồi cao có yếu tố lịch sử. Sau hơn ba thập kỷ đổi mới, vẫn còn tồn tại nhiều ngành sản xuất như xi măng, sắt thép... với công nghệ lạc hậu, sử dụng tiêu tốn năng lượng. Cộng với ý thức trách nhiệm thấp nên Việt Nam cứ phải “gồng lên để cung ứng, đuổi theo cầu”. Và từ trước tới nay, mọi cơ chế, chính sách đều tập trung kêu gọi đầu tư phát triển nguồn cung (nhà máy điện, hệ thống truyền tải) chứ chưa tính đến hạn chế, giảm nguồn cầu (phía người tiêu dùng điện).

Để tránh áp lực lên hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực giá điện, giải pháp quan trọng cấp bách là tăng cường tiết kiệm điện. Thực tế, nhiều năm qua, Bộ Công Thương, EVN đã chủ động triển khai nhiều chương trình, hoạt động về sử dụng năng lượng hiệu quả tiết kiệm. Điển hình như Giờ Trái đất; chương trình gia đình, trường học tiết kiệm điện; hỗ trợ kiểm toán năng lượng... Nhờ đó, hàng năm đã tiết kiệm được trên 1,5% sản lượng điện thương phẩm; đồng thời, tạo ra sự chuyển biến tích cực về ý thức tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp.

Có lẽ trong hiện tại, chúng ta cần đồng ý rằng giải pháp duy nhất vẫn là tiết kiệm điện. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp đều mong muốn ngành điện cần nâng cao năng suất lao động, cải tiến công nghệ, cắt giảm chi phí, đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa, thu gọn bộ máy, nhân sự; thực hiện công khai, minh bạch hơn nữa chi phí của ngành Điện, để người dân trong xã hội hiểu được. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện, tạo môi trường lành mạnh, đẩy nhanh việc thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý và ngành Điện cần đẩy mạnh tuyên truyền trước khi tăng giá để người dân ước lượng được mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá. Bởi lẽ, việc tăng giá không quá ảnh hưởng mang tính dây truyền cho các ngành khác nhưng vì vấn đề tâm lý nên nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất thường lợi dụng để tăng giá cao hơn mức được phép nhằm trục lợi. Mặt khác, cũng có thể tính toán để đưa ra những mặt hàng có thể bị ảnh hưởng, nhờ đó tăng cường việc giám sát để người tiêu dùng không thiệt thòi.

Giải pháp cân bằng năng lượng phải dựa trên lợi ích tổng thể, trong đó có việc tính giá điện theo cơ chế thị trường, có hỗ trợ người nghèo.

Giá cao sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, đặc biệt là doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ.


  • 21/05/2019 10:01
  • Theo Báo Công Thương
  • 13654