Cần có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời

Bên cạnh các nguồn năng lượng điện quan trọng như nhiệt điện, thủy điện,… việc phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT) có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp sản lượng vào hệ thống điện quốc gia, phát triển các dạng năng lượng xanh, tái tạo, bảo vệ môi trường.

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời (NLMT), song đến nay, các dự án ĐMT chưa phát triển mạnh, tỷ trọng trong tổng công suất hệ thống điện còn rất nhỏ. Để khuyến khích các nhà đầu tư (NĐT) tích cực bỏ vốn xây dựng dự án ĐMT, Chính phủ và các bộ, ngành cần chung tay, tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Nước ta là một trong những quốc gia có nắng nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000 đến 2.600 giờ/năm; bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2 chiếm khoảng 2.000 đến 5.000 giờ/năm, ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ tấn TOE (dầu quy đổi). Do lãnh thổ nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, mật độ NLMT trung bình khoảng 4,3 kW giờ/m2/ngày và số ngày nắng trung bình khoảng 2.000 giờ/năm.

Từ Đà Nẵng trở vào, mật độ năng lượng bức xạ trong khoảng 4,5 đến 5,5kW giờ/m2/ngày và số ngày nắng trung bình khoảng 2.200 đến 2.500 giờ/năm. Những năm trước, để phát triển nguồn ĐMT, đòi hỏi suất đầu tư khá lớn. Hiện nay trên thế giới, suất đầu tư ĐMT đã giảm, dao động từ 1.400 đến 1.800 USD/kW, tùy địa điểm và có xu hướng giảm dần. Thậm chí, một số nước sản xuất pin NLMT, suất đầu tư chỉ còn từ 1.100 đến 1.300 USD/kW. Một lợi thế lớn của ĐMT là các dự án xây dựng tại những nơi không sử dụng để canh tác, có thể kết hợp các trang trại điện gió với nhà máy ĐMT, hoặc trên các hồ thủy lợi, thủy điện, nhờ đó giảm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, đường dây, đem lại hiệu quả cao.

Kiểm tra việc vận hành các tấm pa-nen năng lượng mặt trời tại Nhà máy điện mặt trời Côn Đảo

Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm, đề ra nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nguồn năng lượng sạch này. Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án ĐMT như biểu giá điện kèm các ưu đãi về thuế. Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh) yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMT, gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và các nguồn riêng lẻ lắp trên nóc nhà, nhằm đưa công suất nguồn ĐMT lên 850 MW vào năm 2020 và 4.000 MW vào năm 2025. Đến năm 2020, mỗi năm chúng ta cần xây dựng các dự án ĐMT với công suất 200 MW, từ năm 2020 đến 2025, mỗi năm phải lắp đặt hơn 600 MW và 5 năm tiếp theo, mỗi năm phải lắp đặt 1.600 MW mới đạt kế hoạch đề ra.

Hiện các NĐT trong nước cũng đang bắt đầu nghiên cứu, đầu tư vào thị trường năng lượng sạch nhiều hơn. Tổng Công ty Điện lực miền trung ấp ủ dự án nhà máy ĐMT Điện lực miền trung công suất dự kiến 150 MW tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự định nghiên cứu phát triển hai dự án ĐMT tại Nhà máy Thủy điện Trị An (Đồng Nai) và một dự án nổi trên mặt nước tại hồ Thủy điện Đa Mi (Bình Thuận). EVN cũng vừa đề xuất tỉnh Ninh Thuận về việc đầu tư dự án NLMT với công suất 200 MW trên diện tích 400 ha tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, dự kiến tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, khởi công năm 2018 và 2019 đi vào hoạt động.

Đến thời điểm này, dự án ĐMT Quảng Ngãi nối lưới là dự án đầu tiên có quy mô tương đối lớn đã cơ bản hoàn thành xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành. Dự án ĐMT nối lưới đầu tiên đi vào hoạt động là Nhà máy ĐMT Côn Đảo trong khuôn viên Nhà máy điện Côn Đảo, công suất 36 kW, được xây dựng tháng 3-2014, đấu nối lưới điện Côn Đảo tháng 12-2014, sản lượng điện hằng năm khoảng 50 MW giờ với tổng mức đầu tư 140 nghìn ơ-rô, do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ.

Dù tiềm năng ĐMT rất lớn nhưng việc khai thác nguồn NLMT ở Việt Nam đến thời điểm này không đáng kể. Hầu hết các dự án ĐMT trên cả nước mới chỉ ở quy mô nhỏ và tập trung chủ yếu khai thác nhiệt năng từ NLMT như các ứng dụng ĐMT cho hộ gia đình và các trung tâm dịch vụ, hệ thống đun nước mặt trời, đèn điện và sấy. Trong đó công nghệ đun nước bằng NLMT được xem là có giá trị kinh tế và phổ biến hiện nay. Thách thức lớn nhất đối với phát triển ĐMT là biểu giá hiện hành chưa hấp dẫn các NĐT, suất đầu tư ĐMT còn rất cao và Chính phủ chưa ban hành giá bán năng lượng ĐMT. Mặt khác, NĐT chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ mà phải dùng vốn trong nước, phần lớn các thiết bị đều nhập khẩu, cho nên giá bán còn cao.

Các dự án ĐMT có độ tin cậy thấp với thời gian huy động hạn chế khi tham gia hệ thống điện có tỷ trọng nhiệt điện than lớn, đòi hỏi phải tăng nhu cầu công suất dự phòng nóng hỗ trợ khi bị mây che phủ làm giảm công suất phát. Với các dự án ĐMT phát triển chủ yếu ở miền trung và miền nam là những nơi tỷ trọng nhiệt điện than rất lớn, đơn vị cung cấp điện sẽ phải tính toán, bổ sung công suất dự phòng nóng phù hợp tỷ lệ thâm nhập của ĐMT. Dao động công suất phát của ĐMT do tác động của mây có thể rất lớn, dẫn đến những tác động không mong muốn trong hệ thống điện, như gây dao động cả điện áp và tần số, ảnh hưởng trực tiếp các hộ tiêu thụ nhạy cảm với thay đổi điện áp/tần số ở gần.

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ

Các dự án ĐMT quy mô lớn thường được lắp đặt tại các vị trí xa trung tâm phụ tải, phần lớn không tận dụng được lưới điện ở địa phương. Do vậy, chi phí đầu tư đấu nối lớn, nhưng số giờ sử dụng công suất cực đại của ĐMT thấp, chỉ bằng khoảng một phần ba so với nhiệt điện truyền thống dẫn đến phí truyền tải/phân phối là khá lớn. TS Nguyễn Văn Hiến, nguyên Viện trưởng Năng lượng đánh giá, năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMT, là nguồn năng lượng sạch, nhưng hệ số công suất thấp (chỉ 20 đến 30%, trong khi nhiệt điện than là 70 đến 80%); chi phí đầu tư lớn hơn nhiều so nguồn nhiệt điện than; phụ thuộc lớn vào điều kiện tự nhiên; khó khăn, phức tạp trong đấu nối; sử dụng quỹ đất rất lớn (1MW ĐMT cần diện tích 1,5 đến 2ha)…

Để phát triển mạnh các dự án ĐMT, Hiệp hội Năng lượng sạch, các NĐT, chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần quy định giá mua bán điện NLMT hợp lý, hài hòa lợi ích của chủ đầu tư - EVN với mục tiêu phát triển nguồn điện xanh. Giá mua bán ĐMT cần điều chỉnh linh hoạt theo nguyên tắc giảm dần khi suất đầu tư vào ĐMT giảm. Nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về quản lý đối với việc mua bán chứng chỉ giảm phát thải hiệu ứng nhà kính (CERs) đối với dự án ĐMT. Bổ sung quy định, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển sản xuất thiết bị ĐMT trong nước, để từng bước giảm giá bán ĐMT. Phần lớn các nguồn ĐMT chưa nằm trong quy hoạch của địa phương, chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin bổ sung quy hoạch. Khi có quy hoạch ĐMT cho từng địa phương, việc đăng ký đầu tư và triển khai xây dựng sẽ nhanh, chỉ cần ba đến sáu tháng là có thể hoàn thành lắp đặt nhà máy ĐMT. Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành quy hoạch này.

Ông Lê Vĩnh Sơn tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) kiến nghị, Chính phủ cần chỉ định bộ chuyên ngành xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng NLMT và thực hiện thử nghiệm chất lượng, hiệu suất các sản phẩm nhập khẩu, kinh doanh trong nước để hạn chế lưu thông sản phẩm kém chất lượng, định hướng đúng cho người dân về hiệu quả sử dụng NLMT. Sớm công bố giá mua bán điện NLMT hợp lý và cơ chế hòa lưới điện quốc gia cho các doanh nghiệp, hộ dân sản xuất và sử dụng NLMT. Ngoài ra, xem xét bổ sung cơ chế mua bán, quy đổi điện đối với các hộ dân lắp đặt thiết bị sử dụng NLMT có tích tụ dư thừa điện. Nghiên cứu, quy định và công bố chỉ số an toàn điện và chỉ tiêu năng lượng cho các công trình xây dựng (Chỉ số "xanh") với các tiêu chí cụ thể để khuyến khích sử dụng năng lượng sạch. Xây dựng chính sách hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư sản xuất và sử dụng các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam diễn ra tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Công thương về việc xem xét ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam. Theo đó, cơ chế giá mua bán điện đối với các dự án ĐMT nối lưới sẽ quy định theo hướng giá mua bán điện tạm thời áp dụng thí điểm cho giai đoạn 2016 - 2018 đối với các dự án đã có trong quy hoạch được phê duyệt, các dự án thuộc khu vực có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm rà soát, cập nhật giá thiết bị ĐMT đang có xu hướng tiếp tục giảm để đưa ra mức giá mua bán điện phù hợp, đồng thời nghiên cứu, bổ sung thêm quy định để từng bước triển khai thực hiện đấu thầu các dự án ĐMT theo hướng công khai, minh bạch và giảm giá bán điện của các dự án. Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ đã đề nghị Tổng cục Năng lượng đưa ra ba phương án về giá điện gió, ĐMT; lưu ý, thời gian áp dụng giá điện gió và ĐMT đối với các nhà máy vận hành trước ngày 31/12/2016 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Hiện có khoảng 30 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài bắt đầu xúc tiến lập các dự án ĐMT công suất từ 20 MW đến hơn 300 MW, tập trung chủ yếu ở khu vực miền trung. Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Thiên Tân đang đầu tư xây dựng hai dự án nhà máy ĐMT tại Quảng Ngãi và Ninh Thuận, nhà máy còn lại của Công ty TNHH DooSung Vina (Hàn Quốc) tại Bình Thuận, tổng mức đầu tư 66 triệu USD, công suất 30 MW. Một số NĐT nước ngoài như Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ,... cũng đăng ký đầu tư xây dựng các dự án ĐMT ở Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Hậu Giang; một số NĐT của Đức, Thái-lan nghiên cứu khả năng đầu tư tại Quảng Trị, Bình Định.

(Nguồn: Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam - VCEA)

 


  • 10/11/2016 03:30
  • Theo Báo Nhân Dân
  • 33817