Cần có chính sách phát triển nguồn năng lượng sạch trên biển đảo Việt Nam

Tương lai không xa, với việc làm chủ về công nghệ, năng lực vận hành khai thác, bờ biển, các vùng hải đảo của Việt Nam sẽ hình thành các cánh đồng điện gió và năng lượng mặt trời rộng lớn. Nguồn năng lượng khổng lồ này giúp Việt Nam đủ sử dụng cho nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu năng lượng hàng đầu khu vực ASEAN.

Nguồn năng lượng khổng lồ từ biển

TS Trần Văn Bình, một trí thức kiều bào có 12 năm làm việc tại Tập đoàn Dầu mỏ và Khí đốt quốc gia DEMINEX/VEBA OIL (Đức) đánh giá, Việt Nam có thể khai thác được nguồn năng lượng sạch từ biển khơi, nhiều gấp hơn 200 lần sản lượng điện nhà máy thủy điện Sơn La đang khai thác và gấp 10 lần tổng công suất điện dự báo của EVN cho toàn quốc vào năm 2020.

Cũng theo TS Bình, Nhà nước và Chính phủ nên tích cực hơn trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc ra đời các hiệp hội chuyên ngành, như Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Việt Nam. "Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chính những tổ chức của cộng đồng này sẽ làm tốt công việc tư vấn, đề xuất và góp ý về khung pháp lý cho ngành năng lượng tái tạo và xa hơn nữa tiến tới xây dựng hoàn chỉnh Bộ luật Năng lượng Tái tạo Việt Nam”.

Những tua bin điện gió được lắp đặt ven đảo Trường Sa Lớn

Ông cũng kiến nghị, Chính phủ Việt Nam có chính sách hỗ trợ, nâng đỡ, trợ giá, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án (hiện vẫn còn nằm trên bản vẽ) mau chóng trở thành hiện thực, để mục tiêu về một nền kinh tế hướng ra biển có khả năng đạt được như mong muốn, (sử dụng khoảng 11% năng lượng tái tạo vào năm 2050).

Nhiều dự án năng lượng ven biển và ngoài khơi

Đan Mạch là nước đứng đầu quan tâm tới các dự án "tăng trưởng xanh” tại Việt Nam, với khoảng 135 triệu USD vốn ODA viện trợ cho Việt Nam trong năm 2011 - 2012. Tiếp theo là Hoa Kỳ, với cam kết cấp tín dụng (khoảng 1 tỷ USD) từ Eximbank để đầu tư phát triển điện gió tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang cho giai đoạn 2011 - 2015.

Việt Nam và Đức cũng ký một hiệp định tài chính trị giá 450 triệu Euro, trong đó có lĩnh vực môi trường. Các doanh nghiệp Đức cũng đánh giá nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

"Dự án tổng thể năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK” là dự án trọng điểm quốc gia, bao gồm 6 hạng mục, được triển khai với quy mô lớn, trải dài trên 48 đảo và nhà dàn thuộc quần đảo Trường Sa - Việt Nam.

Hiện dự án đã triển khai lắp đặt hơn 5.700 tấm pin năng lượng mặt trời, hơn 120 quạt gió, hơn 4.000 bình ắc quy, gần 1.000 bộ đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng sân đường và tường kè... Ước tính, hệ thống đã cung cấp tổng năng lượng hơn 5.167kWh/ngày (khoảng 155.000kWh/tháng) cho toàn bộ quần đảo Trường Sa.

Theo Bộ Tư lệnh Hải quân, việc vận chuyển, lắp đặt thiết bị trong môi trường khắc nghiệt tại đảo xa là một trong những thử thách lớn đối với cán bộ, chiến sĩ hải quân. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Solar BK hỗ trợ vốn và triển khai lắp đặt vận hành, chuyển giao công nghệ sử dụng cho các cán bộ kỹ thuật tại các đảo.

Dự án không chỉ đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng 24/24 giờ phục vụ chiến đấu và sinh hoạt cho quân và dân Trường Sa, mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải CO2.

TS Trần Văn Bình cho biết, tính tới cuối năm 2011, Việt Nam có khoảng 37 đề án do 31 nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành năng lượng. Trong số đó nhiều nhất là tại ven biển Bình Thuận và Ninh Thuận, tuy nhiên, hiện mới chỉ có duy nhất một dự án tại huyện Tuy Phong của Bình Thuận được đưa vào hoạt động. Các dự án khác vẫn nằm trên bản vẽ hoặc mới chỉ vừa dựng xong cột quan trắc.


  • 20/08/2012 02:20
  • Theo nangluongvietnam.vn
  • 26502


Gửi nhận xét