Cần cơ chế tài chính để thu hút khách hàng tham gia DR

Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) là một trong những giải pháp “cứu cánh” giúp Việt Nam vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện. Tuy nhiên, sẽ khó có thể thực hiện DR một cách hiệu quả, nếu thiếu cơ chế tài chính để thu hút khách hàng.

Mục tiêu giảm ít nhất 30% công suất phụ tải đỉnh 

Chia sẻ tại Hội thảo “Toàn cảnh Chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải tại Việt Nam”, ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) cho biết, trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt, tốc độ tăng trưởng phụ tải ngày càng cao, nhưng hiệu quả sử dụng điện còn thấp, Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ lớn trong đảm bảo an ninh cung cấp điện. Để giải quyết những khó khăn trên, Việt Nam đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của nhiều quốc gia về các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng điện, đặc biệt là các giải pháp quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR). 

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, DR là chương trình trọng tâm. Thông qua Chương trình DR, Việt Nam phấn đấu giảm ít nhất 30% công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, tương ứng giảm ít nhất 90 MW vào năm 2020, 300 MW vào năm 2025. 

Vậy tại sao điều chỉnh phụ tải lại được coi là giải pháp cấp thiết cho ngành năng lượng hiện nay? Từ số liệu của ERAV về nghiên cứu biểu đồ phụ tải hệ thống điện trong 8.760 giờ của TP. Hồ Chí Minh cho thấy, phụ tải đỉnh của hệ thống (90 - 100% Pmax) chỉ xảy ra trong khoảng dưới 2% tổng thời lượng trong năm. Tuy nhiên, việc phải đầu tư lớn cho phát triển các nhà máy điện, hệ thống lưới điện và các hạ tầng liên quan khác, đáp ứng phụ tải đỉnh đã tạo áp lực trực tiếp đến giá thành sản xuất điện. 

Chương trình DR khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện trong giờ cao điểm. Nhờ đó, giảm công suất cực đại của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Đồng thời, cũng sẽ tạo điều kiện để cộng đồng nhận thức rõ hơn về tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả, góp phần bảo vệ tài nguyên đất nước.

Công ty Điện lực Quảng Ninh ký kết thỏa thuận DR với các khách hàng

Cần một cơ chế khuyến khích hấp dẫn

Ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh EVN cho biết, để triển khai Chương trình này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiến hành dự báo phụ tải của hệ thống, phân tích các mẫu và tính toán đường phụ tải cơ sở của khách hàng lớn (4.500 khách hàng là đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm). Các công ty điện lực của EVN đã tích cực tuyên truyền, giúp khách hàng hiểu đúng về lợi ích và tầm quan trọng của Chương trình. Đồng thời, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, tuyên truyền, vận động khách hàng tự nguyện tham gia DR phi thương mại.

Để tăng tính hấp dẫn của Chương trình, EVN còn thực hiện nhiều giải pháp chăm sóc khách hàng, đặc biệt, ưu đãi nâng cao độ tin cậy cung ứng điện và nâng cao chất lượng dịch vụ điện cho những khách hàng ký kết tham gia DR. Tới nay, có hơn 60% khách hàng mục tiêu đã ký kết thỏa thuận tham gia DR. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Việt Nam mới chỉ thực hiện Chương trình DR phi thương mại, nghĩa là khách hàng chưa được hưởng lợi trực tiếp về tài chính khi tham gia chương trình. Vì vậy, dù đã ký kết, nhưng khi EVN thông báo thực hiện sự kiện DR, một số khách hàng lại không nhiệt tình, thậm chí từ chối tham gia, với lý do “ngại” thay đổi, điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

“Chương trình DR phi thương mại hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện tham gia của khách hàng. Chúng ta chưa có chế tài mang lại lợi ích cụ thể, nên rất khó thu hút khách hàng tham gia và gắn bó lâu dài với chương trình” - ông Trần Viết Nguyên cho biết.

Hiện nay, trên thế giới, để thu hút khách hàng thực hiện DR, nhiều nước đã đưa ra những cơ chế tài chính rất hấp dẫn. Ví dụ, tại Hàn Quốc, khi tham gia Chương trình DR, khách hàng sẽ được nhận khoản hỗ trợ tài chính tương ứng với công suất thực đã tiết giảm. Hay tại Tây Ban Nha, khách hàng thực hiện “chào giá” cạnh tranh để được thực hiện DR, kiếm lợi nhuận từ chương trình. Năm 2019, tổng số tiền do Chương trình DR mang lại cho các khách hàng sử dụng điện ở Tây Ban Nha là 319 triệu euro. Song song cùng lợi ích hấp dẫn, các chương trình DR thương mại cũng yêu cầu khách hàng phải thực hiện nghĩa vụ cụ thể về công suất, thời gian điều chỉnh, cắt giảm phụ tải.

Được biết, hiện nay EVN đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành cơ chế tài chính, thương mại khuyến khích thực hiện DR. Chỉ khi có cơ chế tài chính cụ thể, thị trường DR tại Việt Nam mới có thể “đón” đông đảo lượng khách hàng tham gia, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình này. 


  • 18/09/2019 04:00
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 12442