Cách tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa ngày nắng nóng

Đóng kín cửa, sử dụng mức nhiệt độ trên 26°C, kết hợp với quạt điện, máy phun sương... có thể làm nền nhiệt giảm sâu mà vẫn tiết kiệm điện.

Không có chuyện ở lâu trong phòng điều hòa thì độc hại

Gần đây trên các trang mạng xã hội và một số tờ báo đưa tin về mẹo sử dụng điều hòa tiết kiệm điện là liên tục mở cửa phòng. Theo đó, những người ở lâu trong phòng máy lạnh thường bị khó thở, đau đầu do việc đóng kín cửa phòng khi mở máy lạnh có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Khuyến cáo này nêu, không khí trong phòng máy lạnh đóng kín thường độc hại gấp 2-5 lần so với không khí ngoài trời, đặc biệt là khi máy lạnh không được vệ sinh thường xuyên. Điều này sẽ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

"Các chuyên gia khuyến cáo rằng người dùng nên kết hợp mở cửa sổ, thông gió, cửa ra vào.... để đón không khí trong lành những lúc có thể. Việc này sẽ giúp không khí trong phòng được "thay mới" và tránh ảnh hưởng đến cả tinh thần lẫn sức khỏe của người tiêu dùng", một bài khuyến cáo nêu.

Tiếp cận những thông tin này, GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học Công nghệ và Điều hòa Không khí Việt Nam cho biết, nguyên tắc tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa là đóng kín cửa phòng. Bản thân điều hòa khi hoạt động cũng thường xuyên lấy gió tươi bên ngoài (là gió nóng ngoài trời) để làm lạnh trước khi cung cấp cho phòng. Do vậy không thể nói ở lâu trong phòng điều hòa thì độc hại hay khó thở. Rất nhiều tòa nhà văn phòng, chung cư sử dụng điều hòa cả ngày mà không gây hại gì cho sức khỏe con người.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe và tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa, đối với nhà dân thì nên kết hợp một số biện pháp lấy gió tươi khác như bật quạt điện có lưu lượng phù hợp để lưu thông không khí, không nên bịt kín mít các khe hở của cửa để không khí được lưu thông. Theo tiêu chuẩn Việt Nam là 27m3/h/người. Khi thiếu oxy thường hay mệt mỏi và buồn ngủ. Thông thường mỗi lần mở của là đã có được khoảng 3m3 khí tươi.

Thông thường cửa của các gia đình đều luôn có khe hở nhất định. Nếu là phòng kín mít thì cứ khoảng 3-4h lại thông phòng một lần bằng cách mở hé cửa. Tuyệt đối không vừa mở cửa vừa bật điều hòa vì sẽ ngốn điện kinh khủng và tuổi thọ điều hòa sẽ giảm đáng kể.

"Nên kết hợp điều hòa với quạt điện, nếu độ ẩm quá thấp thì phối hợp với máy phun sương. Khi đó, nhiệt độ ngoài trời có nóng đến đâu, nhiệt độ trong nhà cũng sẽ giảm đáng kể, đồng thời có thể tiết kiệm điện do máy điều hòa có sự "hỗ trợ" của các thiết bị trên, không phải hoạt động hết công suất liên tục", GS.TS Nguyễn Đức Lợi khuyên.

Chế độ trừ ẩm tiết kiệm điện

Thông tin về việc có thể tiết kiệm điện điều hòa nhiệt độ đến 10 lần chỉ với thao tác đơn giản đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người khi mùa hè đang đến. Theo đó thì chỉ cần dùng điều khiển để chuyển chế độ lạnh từ "Cool" (hơi lạnh, hình ảnh biểu thị là bông tuyết" sang chế độ "Dry" (trừ ẩm, hình ảnh biểu thị là giọt nước) là có thể giúp căn phòng được mát mẻ mà rất tiết kiệm điện. Chế độ này khiến nhiệt độ căn phòng không thấp quá 23°C. Với chế độ này, công suất tiêu thụ điện của điều hòa sẽ giảm đi 10 lần, bởi vì, chức năng trừ ẩm là đem độ ẩm của căn phòng giảm xuống.

GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho rằng, việc sử dụng điều hòa ở chế độ Dry có tiết kiệm điện hơn khi dùng ở chế độ Cool, tuy nhiên khả năng làm mát của chế độ Dry thì không mấy tác dụng nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao. Trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời không quá nắng nóng (khoảng dưới 36°C) và độ ẩm cao, việc sử dụng chế độ Dry sẽ rất hiệu quả trong việc tạo cảm giác dễ chịu trong phòng và tiết kiệm điện. Tuy nhiên, những ngày nắng nóng và độ ẩm thấp thì việc sử dụng chế độ Dry không có ý nghĩa gì mấy bởi nó không có chức năng làm giảm nhiệt độ, khiến không khí trong phòng vẫn nóng, khó chịu và khi đó, lựa chọn duy nhất để làm mát là chuyển sang chế độ Cool. Lúc này, sử dụng chế độ Cool lại tiết kiệm điện hơn vì Cool làm mát nhanh hơn, sau khi nhiệt độ trong phòng đã đủ mát thì điều hòa có thể tự ngắt điện.

Thông thường với những điều hòa không khí có dán nhãn tiết kiệm năng lượng là có thể tiết kiệm được 5% điện năng tiêu thụ. Không có chuyện chỉ cần bật chế độ đó mà tiết kiệm được đến 10% điện tiêu thụ. Việc sử dụng chế độ làm mát không có nhiều ý nghĩa khi thời tiết mùa hè liên tục trên 35° C. Có một thói quen sử dụng điều hòa nhiệt độ khá phổ biến nhưng sai lầm là đang ở ngoài trời nóng vào nhà, ngay lập tức bật điều hòa mức nhiệt độ thấp nhất để nhanh được làm mát, rồi sau đó mới tăng nhiệt độ. Thực tế thời gian làm mát của điều hòa là như nhau. Bộ máy bên trong điều hòa lúc nào cũng chạy hết công suất cho đến mức nhiệt độ ban đầu là 26°C.

Có thể tính công thức điện năng tiết kiệm được khi tăng nhiệt độ điều hòa như sau: Phần trăm tiết kiệm = (nhiệt độ mới - nhiệt độ cũ) : (nhiệt độ bên ngoài - nhiệt độ cũ) x 100. Ví dụ, nếu nhiệt độ bên ngoài là 370C, tăng điều hòa từ 20 lên 25°C, bạn sẽ tiết kiệm được: (25 - 20): (37-20) x 100 = 29,4%. Nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời chênh lệch càng lớn, điện năng tiêu thụ càng nhiều. Mức nhiệt trong phòng không nên chênh lệch quá 10°C so với nhiệt độ ngoài trời, và không nên thấp dưới 200C. Có thể tiết kiệm điện bằng cách dùng quạt kèm với điều hòa. Quạt có thể tạo ra gió giúp người trong phòng cảm thấy mát và dễ chịu hơn. Khi dùng quạt, bạn có thể tăng nhiệt độ của điều hòa lên 2 - 4°C mà vẫn thấy thoải mái.

Theo các chuyên gia, không có công thức cố định nào đối với chiếc điều hòa nhiệt độ để có thể tiết kiệm điện mãi mãi. Tùy vào từng điều kiện nhiệt độ, mục đích sử dụng để có chế độ bật điều hòa phù hợp, tiết kiệm điện.

Không nên mua máy đã quá cũ

Một số người thích sử dụng hàng Nhật cũ vì quan niệm đồ của Nhật rất bền và tiết kiệm điện. Theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, khi chọn mua điều hòa cũ, nên kiểm tra kỹ các chi tiết kỹ thuật. Chỉ nên mua loại máy vẫn còn chạy tốt, đã dùng rồi nhưng không quá cũ nát. Về nguyên tắc, máy càng cũ thì càng tốn điện, nên mua máy quá cũ là không nên. 

Tốt nhất là chọn loại máy đã qua sử dụng khoảng 2-4 năm, được bảo hành bảo dưỡng tốt thì vẫn còn sử dụng được. Nên mua loại điều hòa cũ trong nước hơn là loại điều hòa nhập khẩu. Một điều phải tính đến là chi phí bảo dưỡng đối với máy điều hòa cũ.

Ngoài việc sử dụng tốn điện hơn thì khi chọn điều hòa cũ, nên chọn dòng máy càng mới càng tốt, của thương hiệu càng phổ biến càng tốt. Tuyệt đối không mua loại máy đã cũ nát, có tuổi thọ hàng chục năm mà không được bảo dưỡng. Bởi loại điều hòa này có thể "chết" bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, khi mua các loại điều hòa cũ nhập khẩu thì phải lưu ý. Ví dụ điều hòa ở Nhật Bản người ta sử dụng điện thế 100-200V nhưng ở Việt Nam lại là dòng điện 220-240V. Với dòng điện này, máy chạy ở Nhật Bản sẽ là 3600 vòng/phút nhưng ở Việt Nam chỉ đạt 2.900 vòng/phút. Ngoài ra khi đem về Việt Nam, muốn sử dụng phải có biến thế đặc biệt để chuyển dòng điện 220V thành 200V. Nếu không có biến thế mà cứ thế dùng thì điện thế sẽ tăng, dòng sẽ tăng lên làm cho nốc máy rất nóng và nhanh hỏng. Khi mua máy điều hòa cũ, kiểm tra các chi tiết là cần thiết…

Link gốc

 


  • 19/05/2023 04:52
  • Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/
  • 5904