Cách dùng người của tỷ phú từng là ‘vua nợ’ Nhật Bản vươn lên thành huyền thoại kinh doanh

Nhà sáng lập Panasonic Konosuke Matsushita từng được ví là "vua nợ" Nhật Bản. Nhưng nhờ triết lý kinh doanh cùng thuật dùng người từ tâm, ông đã trở thành huyền thoại kinh doanh của xứ sở mặt trời mọc.

Miếng bít tết của 'vua nợ'

Konosuke Matsushita (1894 – 1989) là nhà sáng lập Panasonic, là một trong những doanh nhân huyền thoại nhất Nhật Bản. Tạp chí Time từng ví ông là sự kết hợp giữa Henry Ford và Horatio Alger. Ông còn nổi tiếng với phương châm, dù khủng hoảng kinh tế trầm trọng đến đâu, cũng không cắt giảm hay sa thải bất kỳ nhân viên nào.

Huyền thoại kinh doanh Konosuke Matsushita - nhà sáng lập Panasonic.

Ông từng bị coi là "vua nợ" nước Nhật vì công ty liên tục đối mặt với khủng hoảng, không ít lần đứng trên bờ vực phá sản. Thế nhưng, nhờ triết lý kinh doanh thông thái cũng như sự kiên trì, bền bỉ, ông đã cùng công nhân viên tạo ra một doanh nghiệp Panasonic lẫy lừng như ngày nay.

Một lần nọ, ông mời một số người bạn tới dùng bữa tối tại nhà hàng, cùng nhau gọi món bít tết thượng hạng. Tất cả bạn bè của ông đều ăn hết suất của mình và xuýt xoa khen ngon. Thế nhưng, chỉ có Matsushita là để thừa đồ ăn khá nhiều, khiến quản lý nhà hàng vô cùng lo lắng. Anh ta sợ rằng món bít tết có vấn đề gì đó khiến nhà sáng lập Panasonic không hài lòng.

Nào ngờ, khi thanh toán hóa đơn, Matsushita đã trực tiếp nói chuyện với đầu bếp đi qua rằng: "Món bít tết rất ngon, nhưng do tôi ăn kém nên tôi đã không dùng hết". Ông còn cẩn thận dặn dò đầu bếp đừng lo lắng gì, vì nó không liên quan tới chất lượng miếng bít tết, và hy vọng quản lý cũng không đổ lỗi cho chính mình. Khi nghe điều đó, người đầu bếp lẫn quản lý vô cùng xúc động, cúi đầu để bày tỏ sự cảm kích với ông.

Có câu nói rằng, đừng bao giờ nghĩ rằng người khác tôn trọng bạn nghĩa là bạn đã vượt qua họ. Ta nên biết rằng chính vì sự vượt trội của người khác mà họ tôn trọng ta. Là một trong những doanh nhân vĩ đại nhất Nhật Bản, nhưng Konosuke Matsushita đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, không coi thường bất kỳ ai về địa vị xã hội của mình. Ở công ty, ông cũng nhắc nhở mọi người rằng, chúng ta bình đẳng như nhau, hãy đối xử với một người lao công như đối xử với một CEO. Chỉ khi ta có thể tôn trọng những người có địa vị thấp hơn thực lòng, khi đó ta mới được coi là vĩ đại.

Địa vị không quan trọng, quan trọng là cách đối nhân xử thế

Tiệm bánh nọ rất nổi tiếng trong vùng, bởi bánh ở đây không chỉ ngon còn có giá cả phải chăng. Một ngày nọ, có người ăn xin ăn mặc rách rưới bước vào tiệm bánh định mua hàng. Khi ấy, những khách hàng xung quanh đều tỏ thái độ khó chịu với người ăn xin, thì vị chủ tiệm lại chào đón ông ta rất nồng nhiệt.

Người ăn xin rút trong túi ra một ít tiền xu, nói nhỏ với chủ tiệm rằng ông muốn mua bánh. Người chủ nghe xong liền chọn một chiếc bánh nhỏ trong rất đẹp mắt từ kệ rồi bán cho người ăn xin kia. Khi ông ta rời đi, chủ tiệm còn cúi đầu cám ơn vì ông đã mua hàng ủng hộ.

Sau đó, người cháu trai của ông chủ tiệm vô cùng bối rối, đã hỏi vì sao ông lại đối xử tốt với người ăn xin thế. Lúc này, ông chủ đáp: "Tiền của ông ấy là tiền ông ấy đi xin từ người khác từng chút một, nó quý hơn tiền của người khác. Sự ủng hộ của ông ấy có nghĩa là ông ấy thực sự yêu thích những chiếc bánh của chúng ta".

Người cháu tiếp tục: "Vậy tại sao ông lại nhận tiền của ông ấy?". Người ông nói: "Ông ấy đến cửa hàng của chúng ta để mua bánh, chúng ta chắc chắn nên tôn trọng ông ấy. Nếu chúng ta không tính tiền cho chiếc bánh, đó sẽ là một sự xúc phạm đối với ông ấy".

Dưới bàn tay quản lý của ông chủ kia, tiệm bánh này ngày càng nổi tiếng. Trước khi người điều hành nghỉ hưu, tiệm bánh đã trở thành một doanh nghiệp có tiếng. Địa vị không quan trọng, quan trọng là cách đối nhân xử thế. Suy cho cùng, tôn trọng người khác thực chất là tôn trọng chính mình.

Link gốc.


  • 15/03/2023 11:17
  • Theo https://cafebiz.vn/
  • 4554