Các hộ dân tái định cư Thủy điện Sơn La ở Mai Sơn đã ổn định sản xuất

Theo UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, địa phương này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 161 công trình với tổng kinh phí trên 322 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 920 hộ tại các khu, điểm tái định cư tập trung và tái định cư xen ghép với trên 1.125 ha, đạt 100% kế hoạch.

Sau gần 10 năm định cư, người dân tái định cư Thủy điện Sơn La đã ổn định đời sống và sản xuất tại nơi ở mới. Hiện nay, 100% số hộ tái định cư trên địa bàn huyện Mai Sơn đã được sử dụng điện lưới quốc gia, 89% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trẻ em được đến trường, thu nhập bình quân đạt 2,1 triệu đồng/người/tháng.

Xuân Quỳnh là bản tái định cư thuộc xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn. Các hộ dân đến từ bản Mứn A, xã Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai chuyển đến định cư từ năm 2005.

Anh Hoàng Văn Nhiên, Trưởng bản tái định cư Xuân Quỳnh cho biết, những ngày đầu về quê mới cũng có nhiều bỡ ngỡ vì phải chuyển đổi từ tập quán trồng lúa nước sang chuyên canh trồng mía, ngô. Bà con đã quen chèo thuyền hơn là lái xe máy. Nhưng được Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, được bà con sở tại nhường đất sản xuất nên đến nay, 59 hộ dân trong bản đã ổn định cuộc sống, kinh tế gia đình tạm đủ.

Niềm vui của những hộ dân tái định cư Thủy điện Sơn La khi được mùa ngô - Ảnh Huyền Thương

Những ngày đầu, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc mía. Công ty còn cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ làm đất và bao tiêu sản phẩm. Với 50 ha đất sản xuất nông nghiệp, bà con trồng 35 ha mía, năng suất đạt 80 tấn/ha, sản lượng hàng năm 2.800 tấn mía cây. Số diện tích còn lại (15 ha) bà con trồng giống ngô lai 911, năng suất đạt 7 tấn/ha, sản lượng trên 100 tấn ngô.

Là bản thuần nông, nên hộ nào cũng đầu tư xây dựng chuồng, trại để chăn nuôi. Tổng đàn gia súc đạt gần 1.000 con, hơn 4.000 con gia cầm. Đời sống của bà con từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm. Bản có 95% số hộ có xe máy, 100% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo còn 12%.

Ông Lò Văn Điệu ở bản Xuân Quỳnh chia sẻ, gia đình nuôi 5 con bò nhốt chuồng, 20 con dê và trồng 4.000m2 ngô lai, 5.000m2 mía. Từ các nguồn này, mỗi năm gia đình ông thu 90 triệu đồng, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học chu đáo.

Anh Nùng Văn Tiến, hộ điển hình phát triển kinh tế của bản Đoàn Kết tâm sự, khi mới chuyển đến tái định cư, gia đình được phân 1,5 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đất đai bằng phẳng, có nguồn nước dồi dào, gia đình quyết định chăn nuôi lợn hàng hóa. Lúc đầu ông chỉ nuôi 2 con lợn nái, lấy giống nuôi lợn thịt. Năm sau, gia đình đã nhân đàn và đầu tư nuôi thêm dê, bò hàng hóa. Hiện gia đình nuôi 50 con lợn, 7 con bò, 20 con dê. Hàng năm, ông bán 3 lứa lợn, 3 lứa dê, 3 con bò..., thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Cơ sở vật chất cho các cháu học sinh vùng tái định cư thủy điện Sơn La được trang bị tương đối đầy đủ - Ảnh Huyền Thương

Ông Hoàng Văn Nhiên, Bí thư Chi bộ bản tái định cư Đoàn Kết, xã Mường Bằng cũng cho hay, bản có 100 ha đất nông nghiệp; trong đó, có 55 ha bà con trồng ngô lai PC888, DK9955, LVN25; 10 ha mía và hơn 20 ha trồng cây ăn quả và rau xanh. Năng suất ngô đạt 8,5 tấn/ha, sản lượng hằng năm 460 tấn.

Đối với cây mía, bà con được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón, năng suất đạt 53 tấn/ha, sản lượng 530 tấn/năm. Diện tích còn lại trồng các loại cây ăn quả như xoài, mít, vải và rau xanh. Hiện, bản có gần 500 con trâu, bò, dê, trên 1.000 con lợn. Cả bản hiện còn 10% hộ nghèo nhưng Chi bộ bản Đoàn Kết đã ra Nghị quyết sẽ giảm hộ nghèo xuống dưới 5% vào năm 2020.


  • 08/04/2016 10:34
  • Theo TTXVN
  • 10709


Gửi nhận xét